Đẩy mạnh phát triển điện mặt trời mái nhà ở Tây Nam Bộ

Miền Tây Nam Bộ có khí hậu gió mùa, nóng, ẩm với 2 mùa rõ rệt. Mỗi năm, vùng châu thổ này nhận trung bình từ 2.200-2.500 giờ nắng, với năng lượng bức xạ mặt trời trung bình ngày 4,3-4,9 kWh/m2. Tiềm năng khai thác năng lượng ánh sáng mặt trời rất lớn.

Ước tính, cứ 1m2 lắp đặt các tấm pin mặt trời có thể thu 5 kWh điện mỗi ngày. Nguồn chiếu sáng này ổn định với hơn 90% số ngày trong năm đều nhận được ánh sáng mặt trời đủ mạnh để vận hành các tấm thu năng lượng mặt trời…

Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) vừa có thư ngỏ gửi các doanh nghiệp (DN) phân phối, lắp đặt hệ thống điện mặt trời đề nghị hợp tác, phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trên địa bàn 21 tỉnh, thành phố phía Nam (từ Ninh Thuận đến Cà Mau), nhằm mở rộng sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc EVNSPC cho biết, để phát triển nhanh ĐMTMN tại 21 tỉnh, thành khu vực miền Nam (trong đó có đồng bằng sông Cửu Long – ĐBSCL), EVNSPC và các công ty điện lực trực thuộc đã triển khai mạnh mẽ, phổ biến, quảng bá về các chủ trương, chính sách khuyến khích lắp đặt điện mặt trời, đặc biệt là ĐMTMN và các thủ tục thực hiện đầu tư.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt tại khách sạn Ninh Kiều 1 (TP Cần Thơ).

Hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt tại khách sạn Ninh Kiều 1 (TP Cần Thơ).

Các công ty điện lực thành viên sẵn sàng lắp đặt miễn phí công tơ 2 chiều đo đếm điện năng; ký kết hợp đồng mua lượng điện dư từ hệ thống ĐMTMN của hộ dân, DN để phát lên lưới điện. Đồng thời, thực hiện miễn phí các hồ sơ liên quan việc đấu nối vào lưới điện, ghi chỉ số, thanh toán tiền điện mặt trời áp mái đến khách hàng hằng tháng.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 279/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030 và triển khai Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6-4-2020, EVNSPC tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về lợi ích của lắp đặt hệ thống ĐMTMN đến hộ sử dụng điện; phát triển đội ngũ tư vấn đến khách hàng trong lựa chọn lắp đặt hệ thống ĐMTMN, cung cấp các dịch vụ đấu nối, thay công tơ 2 chiều miễn phí.

Đặc biệt, EVNSPC sẵn sàng tiếp nhận các giải pháp hợp tác từ các DN, bao gồm: gói dịch vụ hỗ trợ khách hàng lắp đặt ĐMTMN; gói giải pháp đem lại lợi ích tăng thêm cho người tiêu dùng điện khi lắp đặt ĐMTMN...

Tại TP Cần Thơ, nhiều gia đình, DN đã đầu tư lắp đặt ĐMTMN để vừa tiết kiệm điện năng tiêu thụ, vừa đảm bảo nguồn điện ổn định, phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt. Theo Công ty Điện lực TP Cần Thơ, thành phố có trên 724 công trình ĐMTMN được nối vào lưới điện quốc gia, với tổng công suất 7.621 KWp. Cùng với đó, nhiều đơn vị, nhà cung cấp hệ thống ĐMTMN triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận, đầu tư lắp đặt ĐMTMN. Sau khi hoàn thiện lắp đặt hệ thống điện MTMN, khách hàng liên hệ với Công ty Điện lực TP Cần Thơ để thực hiện các thủ tục ký hợp đồng bán lại sản lượng điện dư phát ngược lên lưới cho ngành Điện. Dự kiến, trong năm 2020, Điện lực Cần Thơ sẽ thực hiện ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng, đạt tổng công suất khoảng 12.000 KWp…

Cùng trong vùng ĐBSCL, Trà Vinh là tỉnh ven biển có lượng bức xạ trung bình năm đo được tại khu vực duyên hải đạt từ 1.700-1900 kWh/m2 với cường độ với bức xạ ngày trung bình hơn 4,9 kWh/m2. Ông Huỳnh Chí Hải, Giám đốc Điện lực Trà Vinh cho biết, thời gian qua, công ty đã quảng bá trên các phương tiện truyền thông về chủ trương, chính sách khuyến khích lắp đặt điện mặt trời, đặc biệt là ĐMTMN. Công ty lắp đặt miễn phí công tơ 2 chiều đo đếm điện năng, ký kết hợp đồng mua điện dư từ hệ thống ĐMTMN của hộ dân, DN đề phát lên lưới điện; thực hiện các hồ sơ đấu nối vào lưới điện; ghi chỉ số, thanh toán tiền ĐMTMN cho khách hàng hằng tháng theo quy định…

Với hệ thống ĐMTMN công suất 2,2 kWp, vốn đầu tư 40 triệu đồng, gia đình ông Nguyễn Nhựt Quang (ngụ xã Tân An, huyện Càng Long, Trà Vinh, là 1 trong 2 hộ lắp đặt ĐMTMN đầu tiên) chia sẻ: “Mặc dù công suất nhỏ nhưng mỗi ngày hệ thống pin mặt trời sản xuất bình quân trên 10 kWh điện. Gia đình tôi ở nông thôn sử dụng không hết và đã bán điện thừa cho công ty điện lực qua công tơ 2 chiều, thu về được 400.000 đồng/tháng”.

Còn theo ông Phan Quang Đáng (ngụ xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, Trà Vinh), chủ cơ sở sản xuất bánh tráng, cơ sở của ông lắp đặt hệ thống ĐMTMN công suất 14,84 kWp trị giá 250 triệu đồng. Trước đây, chi phí tiền điện 3 triệu đồng/tháng, nay giảm xuống còn 1,5 triệu đồng/tháng. Khi không sử dụng hết, ông Đáng phát lên lưới bán cho công ty điện lực. Tháng 4-2020, ông Đáng bán cho ngành Điện 1.293 kWh, thu về số tiền 2,5 triệu đồng. Với sản lượng điện ổn định như vậy, khoảng 6,5 năm ông Đáng sẽ thu hồi vốn đầu tư…

PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển đổi khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ), cho biết, việc đầu tư lắp ĐMTMN đối với các gia đình ở đô thị đã tận dụng được nguồn năng lượng tái tạo, giảm ô nhiễm môi trường, gia tăng giá trị năng lượng trong sinh hoạt, lợi nhuận đầu tư cao hơn tiền gửi ngân hàng.

Thời gian qua, Công ty Điện lực Bạc Liêu phối hợp với các đơn vị tổ chức tuyên truyền, triển khai chương trình hỗ trợ tư vấn phát triển hệ thống ĐMTMN. Đến hết tháng 4-2020, Công ty Điện lực Bạc Liêu đã phát triển được 267 khách hàng lắp đặt ĐMTMN với tổng công suất là 3.091kWp. Trong 4 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng phát lên lưới là 590.033kWh. Công ty đã thanh toán tiền mua điện từ hệ thống ĐMTMN cho 67 khách hàng với sản lượng phát lên lưới điện là 222.267kWh, tương ứng số tiền hơn 474 triệu đồng…

Gia đình ông Hồ Thái Tâm (ngụ TP Rạch Giá, Kiên Giang) lắp đặt hệ thống ĐMTMN công suất 3 kWp từ tháng 7-2018. Đến nay, ông Tâm nhận thâýhệ thống ĐMTMN mang lại hiệu quả cao khi vừa tiết kiệm hóa đơn tiền điện, vừa có thể bán lại phần điện dư cho ngành Điện. Thời gian tới, gia đình ông Tâm tiếp tục lắp đặt mở rộng để nâng công suất ĐMTMN lên. Gia đình bà Đoàn Hồng An (ngụ huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) đầu tư hơn 90 triệu đồng lắp đặt hệ thống ĐMTMNcông suất 5 kWp từ tháng 6-2019.

Theo bà An, hệ thống sản xuất sản lượng điện 20 kWh/ngày, giúp gia đình tiết kiệm khoảng 60% chi phí tiền điện so với trước đây. Không chỉ ở đô thị, nhiều cơ sở nuôi tôm, hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa cũng lắp ĐMTMN. Ông Lý Minh Tâm, Giám đốc Điện lực Kiên Lương (Kiên Giang) cho biết, trên địa bàn huyện có 12 tổ chức, cá nhân lắp đặt hệ thống ĐMTMN với tổng công suất 70 kWp. Từ hiệu quả của hệ thống ĐMTMN cùng với việc ngành Điện cam kết mua lại phần điện dư mà khách hàng không sử dụng hết, hiện nay nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đã quan tâm và mong muốn lắp đặt hệ thống này.

Trong tháng 5-2020, EVNSPC đã ký biên bản lắp đặt công tơ 2 chiều là 1.736 khách hàng, với tổng công suất pin lắp đặt 41.629 kWp, lũy kế tháng 5-2020 là 4.495 khách hàng, với tổng công suất tấm pin lắp đặt 138.508 kWp đạt 40% kế hoạch EVN giao là 350 MWp.

Sản lượng điện khách hàng phát lên lưới trong tháng 5-2020 trên 26,4 triệu kWh, lũy kế đến tháng 5-2020 trên 97,6 triệu kWh (sản lượng phát trước ngày 30/6/2019 là 38,5 triệu kWh; sau 30/6/2019 là 59,1 triệu kWh). Lũy kế đến tháng 5-2020, EVNSPC đã thanh toán tiền mua ĐMTMN cho 4.138 khách hàng với sản lượng điện trên 82,7 triệu kWh, tương ứng số tiền đã trả cho khách hàng gần 185 tỷ đồng…

Văn Đức

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/day-manh-phat-trien-dien-mat-troi-mai-nha-o-tay-nam-bo-598292/