Đẩy mạnh phát triển mô hình 'Doanh nghiệp trong trường đại học'

Để thúc đẩy mô hình 'Doanh nghiệp trong trường đại học' phát triển thiết thực, phù hợp với xu hướng đào tạo hiện đại, ngày 30/7 Trường Đại học Nam Cần Thơ phối hợp Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức Hội thảo chủ đề 'Phát triển mô hình Doanh nghiệp trong trường đại học'.

Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo.

Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, mô hình "doanh nghiệp trong trường học" là mô hình mới tạo bước đột phá mà hiện nay chưa có nhiều trường áp dụng.

Đây là mô hình bắt nguồn từ việc giải quyết câu chuyện tìm nơi thực tập cho sinh viên và đồng thời cũng tạo những điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập và thực hành nhằm nâng cao tay nghề và kỹ năng thực hành ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ mô hình này có thể nhìn rộng ra mục tiêu hoàn thiện chuỗi giá trị từ nhà trường đến thực tiễn.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ phát biểu.

Còn theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Nam Cần Thơ, mô hình doanh nghiệp trong trường đại học, không chỉ là một mối quan tâm của Chính phủ, các nhà giáo, các giảng viên và sinh viên, mà là của toàn xã hội.

Do thời gian phát triển ngắn, số trường thành công chưa phổ biến nên việc xây dựng mô hình doanh nghiệp trong trường đại học vẫn luôn là mới đối với Việt Nam cả lý luận và thực tiễn, nhất là sự bền vững của mô hình.

TS Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học Nam Cần Thơ.

“Việc Đại học Nam Cần Thơ đi tiên phong trong quá trình hình thành doanh nghiệp trong trường đại học, từ khi có ý tưởng đến khi hiện thực hóa thành mô hình là một quá trình mà đội ngũ gồm những người có tâm huyết qua 20 năm thực tế làm công tác đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu ở nước ngoài đã dày công xây dựng và cho ra đời mô hình “Doanh nghiệp trong trường đại học” tại Trường Đại học Nam Cần Thơ”, ông Dũng cho biết thêm.

Sinh viên Trường Đại học Nam Cần Thơ thực tập tại Xưởng cơ khí ô tô của trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Tri Khiêm, Trưởng Khoa kinh tế Đại học Nam Cần Thơ, mô hình doanh nghiệp trong trường đại học được triển khai như hiện nay được xem là tối ưu nhất nhằm tăng tính thực tiễn giảm tính hàm lâm trong đào tạo.

Để mô hình này đạt hiệu quả, theo PGS.TS Nguyễn Tri Khiêm, các trường cần nghiên cứu các chính sách cụ thể, xây dựng hệ thống quản lý vận hành hoàn chỉnh; tuyển chọn các nhà quản lý có kinh nghiệm để quản lý và điều hành chính các doanh này trong nhà trường. Bên cạnh đó, cần thực hiện một số giải pháp như đẩy mạnh đặt hàng một số công nghệ hoặc cải tiến các công nghệ đã có, đặt hàng các đề tài mang tính ứng dụng cho các đơn vị khoa học và đào tạo, hạn chế nhập khẩu khoa học công nghệ. Ngoài ra, nhà nước cũng cần có chính sách cụ thể về miễn thuế, giảm thuế đối với các doanh nghiệp khoa học công nghệ, các doanh nghiệp trực thuộc sự quản lý của nhà trường.

Sinh viên ngành Du lịch - Trường Đại học Nam Cần Thơ được hướng dẫn thực tập tại trường.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, cho rằng mô hình doanh nghiệp trong nhà trường được nhìn nhận như một sự cần thiết để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay cơ chế chính sách cho doanh nghiệp tham gia vẫn đang thiếu nên việc hoàn thiện vẫn chưa thể phát triển tối ưu. Ngoài ra, công nghệ thay đổi ngày một nhanh chóng cũng có thể gây sức ép lớn cho nhà trường và doanh nghiệp trong việc đáp ứng cơ sở hạ tầng cho phù hợp. Do đó, với góc độ kết nối doanh nghiệp, trong thời gian tới VCCI sẽ nỗ lực tìm giải pháp, tư vấn để có cơ chế hoạt động thuận lợi và phù hợp.

Hà Vy

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/day-manh-phat-trien-mo-hinh-doanh-nghiep-trong-truong-dai-hoc-113886.html