Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo định hướng của thị trường

Cùng với việc đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Để nâng cao giá trị sản xuất, hạn chế tình trạng ùn ứ, dư thừa nông sản, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương khuyến khích người dân thay đổi tư duy, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường.

Diện tích sản xuất hoa lan hồ điệp của gia đình ông Trần Ngọc Thuận, thôn Đông Xuân, xã Thọ Thanh (Thường Xuân).

Diện tích sản xuất hoa lan hồ điệp của gia đình ông Trần Ngọc Thuận, thôn Đông Xuân, xã Thọ Thanh (Thường Xuân).

Thay vì sản xuất rau màu truyền thống và một số loại hoa cúc, hoa hồng ở vụ đông như trước đây, trên địa bàn xã Thọ Thanh (Thường Xuân) đã xuất hiện nhiều loại cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần thay đổi tư duy, năng lực sản xuất của người dân. Theo giới thiệu của cán bộ UBND xã, chúng tôi đến thăm mô hình sản xuất hoa lan hồ điệp của gia đình ông Trần Ngọc Thuận, thôn Đông Xuân. Dù không còn là thời điểm chính vụ, song khu sản xuất của ông Thuận vẫn nhộn nhịp công nhân đóng gói hoa, chuẩn bị xuất lô hàng cuối cùng. Ông Thuận cho biết: Những năm gần đây nhu cầu chơi hoa lan, nhất là vào dịp tết của người dân tăng cao. Hơn nữa, Thường Xuân là huyện miền núi nên việc thông thương vận chuyển hoa lan từ nơi khác về không thuận tiện dẫn đến tình trạng khan hiếm. Nắm bắt được thị hiếu của thị trường, nên gia đình tôi đã chủ động đi học tập kinh nghiệm sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng để sản xuất hoa lan hồ điệp. Ban đầu, chúng tôi phải thuê kỹ thuật, nhưng qua 3 vụ sản xuất cơ sở đã có kinh nghiệm nên chủ động trong sản xuất, chăm sóc hoa lan. Hiện hoa sinh trưởng, phát triển tốt, được người tiêu dùng lựa chọn, đánh giá cao. Ngoài cung cấp cho Nhân dân trong huyện, hoa lan của gia đình còn được liên kết tiêu thụ ở các huyện Thọ Xuân, Như Xuân, TP Thanh Hóa.

Được biết, gia đình ông Thuận đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để đầu tư xây dựng 1.000m2 nhà lưới để luân phiên sản xuất các loại cây trồng theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Vụ xuân hè sản xuất rau, củ, quả; vụ hè thu sản xuất dưa Kim Hoàng Hậu và vụ đông trồng hoa lan hồ điệp. Làm chủ kỹ thuật sản xuất, chú trọng tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm, gia đình ông có doanh thu hàng tỷ đồng/năm, lợi nhuận 300 - 400 triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND xã Thọ Thanh Lê Hữu Giang cho biết: Những năm gần đây, cùng với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, UBND xã đã vận động người dân đưa những loại cây trồng mới được thị trường ưa chuộng vào sản xuất. Theo đó, trên địa bàn xã đã hình thành nhiều mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi theo định hướng, nhu cầu của thị trường, như mô hình trồng lan hồ điệp, hoa ly, hoa dơn; mô hình trồng măng tây, dưa Kim Hoàng Hậu, mô hình sản xuất ớt xuất khẩu... Những sản phẩm của các mô hình đều được tiêu thụ nhanh, giá thành ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 5 - 7 lần so với sản xuất đại trà ở những cây trồng truyền thống.

Tại khu trồng rau theo hướng an toàn ở xã Hoằng Giang (Hoằng Hóa), thay vì chỉ sản xuất những loại rau màu truyền thống, nhiều hộ dân đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Theo đó, ngoài việc đưa cây rau màu được thị trường ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như súp lơ xanh, mướp, rau gia vị, thì người dân còn chủ động nghiên cứu, xê dịch thời gian sản xuất sớm hoặc muộn hơn so với thời vụ để giảm áp lực thị trường và tiêu thụ với giá cao hơn. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế được nâng lên đáng kể. Chị Lê Thị Hiền, thôn Trinh Lộc, xã Hoằng Giang, cho biết: “Vụ đông vừa qua thay vì trồng su hào, rau họ cải như trước, tôi đã chuyển sang trồng 2 sào súp lơ xanh và nửa sào rau gia vị. Nhờ chuyển đổi phù hợp, lại xê dịch thời gian trồng để cho thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán nên giá thành cao gấp 1,8 đến 2 lần so với bình thường. Vì vậy, gia đình tôi đạt doanh thu hơn 30 triệu đồng từ sản xuất vụ đông, cao gấp 2 lần so với năm trước”.

Thực tế cho thấy, việc sản xuất nông nghiệp đáp ứng theo nhu cầu của thị trường đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo tâm lý hứng khởi cho người sản xuất. Nhờ đó, ngày càng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sản xuất theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường được hình thành và nhân rộng. Trong đó, tiêu biểu như những mô hình sản xuất rau, củ, quả theo tiêu chuẩn an toàn, các mô hình trồng hoa, cây cảnh...

Để giúp người dân về định hướng sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường, những năm qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động nâng cao năng lực phân tích, dự báo nhu cầu tiêu dùng của thị trường, từ đó định hướng phát triển các loại cây trồng phù hợp, làm căn cứ để các địa phương triển khai thực hiện. Cùng với đó, sở cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường chỉ đạo sản xuất, nắm bắt xu hướng của thị trường để hướng dẫn người dân triển khai hiệu quả, tránh sản xuất ồ ạt, tự phát một số loại cây trồng gây ảnh hưởng đến giá thành, thương hiệu và hiệu quả kinh tế.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/day-manh-phat-trien-nong-nghiep-theo-dinh-huong-cua-thi-truong/179690.htm