Đẩy mạnh phổ cập bộ môn bơi

Mỗi năm, có tới 360 nghìn người trên toàn thế giới chết do đuối nước, trong đó 90% số trường hợp xảy ra ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Với hơn 2.000 trẻ em chết do đuối nước mỗi năm đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có số trẻ độ tuổi dưới 15 chết do đuối nước đứng hàng đầu khu vực Đông-Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em. Trong đó đặt mục tiêu giảm tình trạng đuối nước trẻ em, tăng tỷ lệ trẻ em biết bơi và được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Mỗi năm, có tới 360 nghìn người trên toàn thế giới chết do đuối nước, trong đó 90% số trường hợp xảy ra ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Với hơn 2.000 trẻ em chết do đuối nước mỗi năm đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có số trẻ độ tuổi dưới 15 chết do đuối nước đứng hàng đầu khu vực Đông-Nam Á và cao gấp 10 lần so với các nước phát triển. Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu kiểm soát tình hình tai nạn, thương tích trẻ em. Trong đó đặt mục tiêu giảm tình trạng đuối nước trẻ em, tăng tỷ lệ trẻ em biết bơi và được trang bị đầy đủ các kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Theo các chuyên gia, thực trạng đuối nước của trẻ em Việt Nam diễn ra ở cả trẻ không biết bơi và cả trẻ đã biết bơi, thậm chí bơi giỏi vẫn có thể tử vong khi thiếu kỹ năng trong tình huống cứu người đuối nước. Bên cạnh đó, nhận thức của gia đình, những người chăm sóc trẻ và chính bản thân các em còn rất hạn chế về các kỹ năng và kiến thức để tự bảo vệ mình, bố mẹ, người thân bảo vệ các con. Quá trình giám sát trông trẻ ở gia đình, quá trình du lịch vui chơi của trẻ chưa được quan tâm đúng mức. Từ những nguyên nhân đó, các chuyên gia cho rằng cần tăng cường những kỹ năng sinh tồn, kỹ năng cứu nạn gián tiếp, khuyến khích người lớn dạy bơi cho trẻ…

Thời gian qua, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và tổ chức quốc tế triển khai tích cực các hoạt động nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em, các chiến dịch truyền thông trên toàn quốc, qua đó nâng cao nhận thức của xã hội đối với việc phòng, chống đuối nước trẻ em. Các nguy cơ gây đuối nước trẻ em tại gia đình, trường học, cộng đồng được giảm bớt. Tháng 6-2018, Bộ LĐ-TBXH cùng Quỹ từ thiện Bloomberg ký biên bản ghi nhớ triển khai chương trình 5 năm (2018 - 2022) về phòng, chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam, triển khai dự án “Hỗ trợ can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam”, với sự hỗ trợ của Quỹ từ thiện Bloomberg, Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Vận động chính sách y tế toàn cầu (Hoa Kỳ). Mục tiêu của chương trình là nâng cao nhận thức về nguy cơ và các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em và hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, điều phối, phối hợp triển khai công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam; hỗ trợ các biện pháp bảo đảm trông giữ trẻ an toàn, nhất là trẻ dưới 5 tuổi tại gia đình, cộng đồng; dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6 đến 15 tuổi; thực hành sơ cấp cứu người bị đuối nước.

Trong hai năm, chương trình được triển khai tại 103 xã của 21 huyện thuộc tám tỉnh có tỷ lệ trẻ em chết do đuối nước cao nhất cả nước: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Kết quả bước đầu, chương trình hỗ trợ tăng cường năng lực quản lý, điều phối, phối hợp triển khai cho mạng lưới gồm: các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức phi chính phủ trong phòng, chống đuối nước trẻ em tại Việt Nam; tám bể bơi mới và 35 bể bơi huy động của địa phương được lắp đặt để tổ chức dạy bơi cho trẻ em. Tính riêng năm 2019, hơn 8.000 trẻ được dạy bơi an toàn; hơn 17.000 trẻ được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, vượt 13% kế hoạch đặt ra… Tỷ lệ biết bơi trung bình tại tám tỉnh tăng lên là 25,5%, cao hơn so với tỷ lệ 14,7% vào thời điểm trước khi triển khai chương trình. Hơn 90% phụ huynh và người chăm sóc trẻ hài lòng với các lớp dạy bơi an toàn, nhận thức của phụ huynh về nguy cơ của đuối nước trẻ em tăng đáng kể. Thời gian tới, chương trình sẽ được triển khai mở rộng tại bốn tỉnh tiếp theo, đây là sự lan tỏa hiệu quả sau khi chương trình được triển khai thành công và hiệu quả tại tám tỉnh thời gian qua.

Thực tế cho thấy, nhằm giảm đến mức thấp nhất tai nạn đuối nước đáng tiếc có thể xảy ra, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, mỗi gia đình cần chủ động, thường xuyên quan tâm và nhắc nhở con em có nhận thức đúng đắn trong việc phòng, chống đuối nước, cho con em đi học bơi... Vấn đề quan trọng được xã hội quan tâm, hưởng ứng là cần đưa môn bơi vào trong chương trình học bắt buộc của các trường; tăng cường hơn nữa việc giám sát, nhắc nhở trẻ không tắm, bơi ở ao, hồ, sông, suối, biển… khi không có người lớn đi kèm.

NGA NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/day-manh-pho-cap-bo-mon-boi-613704/