Đẩy mạnh thi đua góp phần tăng năng suất lao động

Đẩy mạnh các phong trào thi đua để động viên CNLĐ trực tiếp trong các ngành nghề tích cực tự học tập rèn luyện, nâng cao trình độ tay nghề, đạt năng suất chất lượng và hiệu quả trong lao động sản xuất…Đây là một trong số những ý kiến đóng góp của đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XI, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội khi tham gia diễn đàn Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Thiết thực thúc đẩy tăng năng suất lao động

Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Tuyến cho biết, thấm nhuần lời Bác Hồ dạy: "Thi đua là cách tốt nhất và thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ, thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm để thi đua mãi" và “Thi đua là yêu nước yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, trong những năm qua, các cấp Công đoàn thành phố Hà Nội đã tập trung phát động và đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với tăng năng suất lao động, góp phần phát triến sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho CNVCLĐ.

Trọng tâm là phong trào “Thi đua lao động giỏỉ”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi thủ đô”, “Sáng kiến, sáng tạo thủ đô. Phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” trong CNLĐ; phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, tạo môi trường để CNVCLĐ được chủ động tham gia phong trào thi đua.

Qua thi đua, nhiều CNLĐ Thủ đô đã trở thành Công nhân giỏi, được LĐLĐ Thành phố biểu dương, khen thưởng. Ảnh minh họa.

Qua thi đua, nhiều CNLĐ Thủ đô đã trở thành Công nhân giỏi, được LĐLĐ Thành phố biểu dương, khen thưởng. Ảnh minh họa.

Qua phát động các phong trào thi đua, đã có hàng vạn cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến được các cấp công đoàn tôn vinh khen thưởng, nhân rộng. Đặc biệt là phong trào phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô'' được LĐLĐ thành phố khởi xướng duy trì từ năm 2007, qua thời gian triển khai phát động đã thực sự có bước chuyển biến mạnh mẽ về chất, đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, y tế, môi trường và quản lý nhà nước. Góp phần giải quyết khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô, được lãnh đạo doanh nghiệp, chính quyền ghi nhận, biểu dương. Phong trào thi đua “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi cũng đã được LĐLĐ thành phố triển khai phát động trong khối doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Hàng năm, đã có hơn 1.000 doanh nghiệp phát động và tổ chức Hội thi thợ giỏi ở cấp cơ sở, thu hút trên 40.000 công nhân lao động tham gia. Từ Hội thi được tổ chức ở cấp cơ sở, LĐLĐ các quận huyện, thị xã, Công đoàn ngành đã lựa chọn những thí sinh xuất sắc nhất tham gia hội thi cấp Thành phố được tổ chức 2 năm/1 lần.

Thông qua Hội thi, đã góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua góp phần nâng cao nhận thức xã hội về vai trò kỹ năng nghề nghiệp của người lao động trong việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật mới vào sản xuất và phục vụ đời sống, góp phần tăng năng suất lao động; giúp doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ngày càng phát triển, tạo mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và người lao động...

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Thi đua khen thưởng nói chung và phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ nói riêng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục, trong đó, một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua, khen thưởng, việc tổ chức các phong trào thi đua chưa được duy trì thường xuyên, còn nặng về hình thức, hiệu quả chưa cao. Công tác bình xét khen thưởng còn chậm, thiếu tiêu chí đánh giá cụ thể, dẫn đến việc tổng kết, động viên, khen thưởng chưa kịp thời, chưa đúng và chưa trúng, còn biểu hiện nể nang, dễ dãi, luân phiên trong xét khen thưởng.

Cùng đó, việc phát hiện, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong lao động sản xuất chưa được quan tâm thường xuyên. Thi đua khen thưởng còn nặng về công tác khen thưởng, mà chưa chú trọng đúng mức đến việc đổi mới phát động, tổ chức các phong trào thi đua, tỷ lệ khen thưởng, động viên người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, các tập thể, cá nhân ở cơ sở còn thấp…

Tạo môi trường thuận lợi để CNVCLĐ được tham gia thi đua

Từ thực tiễn trên, để đẩy mạnh các phong trào thi đua trong CNVCLĐ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước, Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến đề xuất 6 giải pháp: Trước hết, cần tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong tổ chức Công đoàn, đặc biệt chú trọng các phong trào thi đua “Lao động giỏi” hướng tới góp phần “Tăng năng suất lao động, nâng cao phúc lợi cho đoàn viên công đoàn, Người lao động”. Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng, xác định thi đua là để xây dựng các nhân tố mới; phải đổi mới phương pháp tổ chức phong trào, tạo môi trường thuận lợi để CNVCLĐ được tham gia phong trào thi đua.

Các hội thi luyện tay nghề, thi thợ giỏi được các cấp Công đoàn Thủ đô thường xuyên tổ chức, khích lệ CNLĐ nâng cao tay nghề, thiết thực góp phần tăng năng suất lao động. Ảnh minh họa

Thứ hai, các cấp công đoàn cần tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của các cấp ủy Đảng và Chính quyền đồng cấp đối với việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua của tổ chức Công đoàn theo hướng: Tập trung về cơ sở, bám vào nhiệm vụ chính trị của từng doanh nghiệp, đơn vị, địa phương. Hình thức thi đua phải phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tiêu chí, nội dung thiết thực, tạo sự hấp dẫn thu hút được đông đảo CNVCLĐ hăng hái tham gia. Bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả 4 khâu: Phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến. Quan tâm để các điển hình tiên tiến được tuyên truyền nêu gương, tạo sự lan tỏa trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhất là trong hệ thống Công đoàn.

Thứ ba, việc thực hiện công tác khen thưởng phải chính xác, kịp thời, minh bạch, chú trọng khen thưởng đột xuất, khen thưởng người lao động trực tiếp, phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến để các cá nhân, tập thể khác học tập, noi theo. Quan tâm bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua của tổ chức Công đoàn có nghiệp vụ, ý thức tổ chức kỷ luật, am hiểu các quy định của Nhà nước và Tổng liên đoàn về thi đua khen thưởng. Từng bước đưa công nghệ thông tin vào triển khai, theo dõi, thực hiện công tác thi đua khen thưởng.

Thứ tư, cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các đợt phát động thi đua yêu nước đã trở thành truyền thống của tổ chức công đoàn đến với từng cán bộ, CNVCLĐ. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với thực hiện các chương trình hành động, các Chỉ thị, Nghị quyết các cấp, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, tổ chức các hoạt động lớn, các công trình gắn biển thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước.

Thứ năm, cần tổ chức phong trào thi đua để động viên CNLĐ trực tiếp trong các ngành nghề tích cực tự học tập rèn luyện, nâng cao trình độ tay nghề, đạt năng suất chất lượng và hiệu quả trong lao động sản xuất, đóng góp vào sự ổn định và phát triển của đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cuối cùng cần duy trì nâng cao chất lượng các hội thi tay nghề, thao diễn kỹ thuật trong mọi ngành nghề để đông đảo CNLĐ có điều kiện phát huy tài năng sáng tạo, rèn luyện để có trình độ tay nghề giỏi, năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, thu nhâp được cải thiện, đời sống được nâng cao, ngày càng có nhiều CNLĐ đạt danh hiệu “Công nhân giỏi”, quan tâm khen thưởng CNLĐ trực tiếp có nhiều sáng kiến cải tiến có giá trị cao, góp phần thực hiện có hiệu quả nghị quyết 20 của BCH Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước”.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/day-manh-thi-dua-gop-phan-tang-nang-suat-lao-dong-80522.html