Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trực tuyến

Sau vải thiều, hàng loạt nông sản ở khắp các vùng miền trên cả nước như: nhãn, na, bơ, bưởi... cũng đang là những mặt hàng được ưa thích trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, để tận dụng hiệu quả 'con đường' này và gia tăng số lượng nông sản bán trên sàn TMĐT thì còn nhiều việc phải làm.

Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trực tuyến

QUỐC BÌNH

Thứ Tư, 08-09-2021, 16:02

+ | Print

Nông sản của Hải Dương được giới thiệu tại hội chợ xúc tiến thương mại.

Nông sản của Hải Dương được giới thiệu tại hội chợ xúc tiến thương mại.

Là sản phẩm nổi tiếng của huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), năm 2021, năng suất của bưởi Phúc Trạch đạt tới 12 tấn/ha, ước đạt sản lượng hơn 12.000 tấn. Song, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số thị trường tiêu thụ lớn của bưởi Phúc Trạch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội (GCXH) theo Chỉ thị 16 nên đã ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ. Thực tế, khi bưởi Phúc Trạch đã vào mùa, lượng lớn bưởi của địa phương chưa được các thương lái, doanh nghiệp (DN) thu mua như mọi năm, việc vận chuyển hàng hóa giữa các tỉnh, địa phương lại gặp rất nhiều khó khăn.

Trước những khó khăn trên, một trong những giải pháp hữu hiệu là đưa bưởi Phúc Trạch lên sàn TMĐT. Cụ thể, sàn TMĐT PostMart.vn cam kết sẽ tiêu thụ 500 tấn bưởi Phúc Trạch qua hệ thống bưu điện các tỉnh; sàn Voso cũng cho biết, sẽ hỗ trợ đưa sản phẩm bưởi Phúc Trạch tới tay người tiêu dùng (NTD)... Không chỉ bưởi Phúc Trạch, nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam khác cũng đang đẩy mạnh đưa lên môi trường kinh doanh online.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Ngọc Dương chia sẻ, Đắk Lắk đang vào vụ thu hoạch quả bơ với sản lượng khoảng 80.000 tấn, sầu riêng là 100.000 tấn. Trong bối cảnh đầu ra tiêu thụ còn gặp khó khăn, Đắk Lắk đang triển khai các kế hoạch để đưa bơ, sầu riêng cùng nhiều loại nông sản lên kênh online. Tuy vậy, hiện nay, để tham gia bán hàng trực tuyến quy mô lớn là cả một vấn đề. Thực tế, Đắk Lắk từng có một sàn thương mại cà-phê, đến nay sàn đã phải ngừng hoạt động do chưa đồng bộ được chất lượng hàng hóa. Hay như quả bơ, thời gian vừa qua, tỉnh Đắk Lắk đã đưa lên sàn TMĐT nhưng chưa đạt hiệu quả cao vì quả bơ có nhiều chủng loại, chất lượng sản phẩm không đồng đều, chuẩn mực hàng hóa theo tiêu chuẩn thị trường không đồng nhất, nên khách hàng muốn hợp tác thu mua vận chuyển với số lượng lớn còn khó khăn.

Theo nhận định của bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước là hết sức quan trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra hết sức phức tạp hiện nay. Do đó, ngay từ khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát trở lại đầu tháng 7/2021, Bộ Công thương đã phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều biện pháp bảo đảm việc lưu thông hàng hóa. Trong đó, có mặt hàng nông sản, đặc biệt là rau, củ, quả tươi phục vụ bà con nông dân, NTD tại các tỉnh, thành phố và khu vực đang thực hiện GCXH như: TP Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố phía nam và TP Hà Nội… Hiện tại, có hàng trăm sản phẩm nông sản được lựa chọn kỹ lưỡng đưa lên “Gian hàng Việt trực tuyến” như: hành tím Sóc Trăng, khoai lang tím Vĩnh Long, bưởi da xanh Bến Tre, sầu riêng Ri6 Trà Vinh, vải thiều Hải Dương, Bắc Giang, bơ Đắk Nông, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên… và sắp tới đây là các sản phẩm khác như: nhãn xuồng Bến Tre, na Chi Lăng Lạng Sơn, bưởi Phúc Trạch…

Cục TMĐT và Kinh tế số ước tính, hàng trăm tấn nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP đã được hỗ trợ tiêu thụ thông qua kênh TMĐT. Đơn cử, chương trình hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang, theo thống kê tổng hợp, khoảng hơn 9.000 tấn vải thiều Bắc Giang đã được tiêu thụ với gần một triệu đơn hàng trên sáu sàn TMĐT tham gia. Chương trình “Ứng dụng TMĐT giúp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tỉnh Đồng Tháp” đã hỗ trợ hơn 500 sản phẩm của hơn 100 DN tại địa bàn tỉnh Đồng Tháp đưa lên các sàn TMĐT Voso.vn và PostMart.vn.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, thực tế triển khai ở các địa phương thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt do thói quen sản xuất, kinh doanh truyền thống lâu đời của các hộ nông dân. Để mở rộng kênh tiêu thụ trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19 căng thẳng cần có sự liên kết chặt chẽ thông tuyến vận tải giữa các tỉnh trong việc vận chuyển hàng hóa, đồng thời vẫn bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Theo Chủ tịch HĐQT Sendo Nguyễn Đắc Việt Dũng, trong sáu tháng đầu năm 2021, nhiều mặt hàng nông sản của Sơn La, Hải Dương, Đắk Lắk, Bắc Giang... được tiêu thụ trên sàn này. Để thu hút các DN, hợp tác xã (HTX), hộ nông dân tham gia bán hàng, Sendo đưa ra nhiều hỗ trợ như miễn phí vận chuyển, xây dựng thương hiệu... Về lâu dài, để giúp nông sản phát triển bền vững trên TMĐT, Sendo mong muốn sự đồng hành, khuyến khích của cơ quan Nhà nước trong việc kết nối nông dân, HTX, DN nông nghiệp ở các địa phương với DN TMĐT. Đại diện các HTX nông nghiệp đều bày tỏ mong muốn làm sao có thể đưa được nông sản lên sàn TMĐT trong dài hạn chứ không chỉ trong đợt dịch năm nay.

Với quan điểm, nếu làm được tốt ở thị trường trong nước, thì viễn cảnh đưa nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới bằng con đường TMĐT là không khó. Ông Trần Chí Dũng, Phó Viện trưởng Quản trị logistics toàn cầu cho rằng, việc đưa nông sản lên sàn TMĐT cần làm nhanh hơn, vì TMĐT đã phát triển trên thế giới từ khá lâu. Ở Việt Nam chắc chắn có hiệu quả, bởi đất nước chúng ta có nguồn lực sản xuất nông nghiệp tốt, thì không có lý do gì không thể ứng dụng công nghệ vào hoạt động mua bán, hình thành được các sàn TMĐT cho nông sản với quy mô toàn cầu. Các DN logistics của Việt Nam cũng đang cố gắng để xây dựng kênh vận tải quốc tế chuyên dùng để xuất khẩu nông sản theo phương thức trực tuyến.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/baothoinay-thoisu/day-manh-tieu-thu-nong-san-truc-tuyen-663799/