Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế

Tăng trưởng GDP chín tháng của cả nước đạt 2,12%, có sự hỗ trợ tích cực của tăng trưởng tín dụng (TTTD). Với tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, tín dụng những tháng cuối năm được kỳ vọng tiếp tục có mức tăng khá, dự kiến cả năm 2020 có khả năng đạt từ 8 đến 10%, góp phần cung ứng vốn cho nền kinh tế, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế

ĐẶNG HÀ MY

Thứ Sáu, 09-10-2020, 15:14

+ | Print

Tăng trưởng GDP chín tháng của cả nước đạt 2,12%, có sự hỗ trợ tích cực của tăng trưởng tín dụng (TTTD). Với tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, tín dụng những tháng cuối năm được kỳ vọng tiếp tục có mức tăng khá, dự kiến cả năm 2020 có khả năng đạt từ 8 đến 10%, góp phần cung ứng vốn cho nền kinh tế, khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Theo Báo cáo cập nhật của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, về TTTD toàn nền kinh tế, sau quý I tăng chậm (tháng 1 tăng 0,01%, tháng 2 tăng 0,2%, tháng 3 tăng 1,3%), sang quý II tín dụng có dấu hiệu tăng dần (tháng 4: 1,42%; tháng 5: 1,96%; tháng 6: 3,63%), đến quý III tín dụng đã khởi sắc khi tháng 7 tăng 4,03%, tháng 8 tăng 4,75% và đến ngày 30-9-2020 tăng 6,09% so cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,4%). Về TTTD theo ngành kinh tế, dư nợ ngành thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn 63%, có mức TTTD cao nhất khoảng 6,32%; dư nợ ngành công nghiệp xây dựng ước tăng 5,89%, chiếm tỷ trọng 28,75%; tín dụng đối với ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 8,66%, ước tăng 5,09%. Trong đó, tín dụng đã hỗ trợ một số ngành là động lực cho tăng trưởng kinh tế, cụ thể: Tín dụng ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 13,31%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 8,36%; ngành xây dựng tăng 9,01%, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô-tô, mô-tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 8,08%.

Về tín dụng đối với lĩnh vực ưu tiên, nguồn vốn vẫn tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là một số lĩnh vực hiện đang tận dụng được lợi thế trong bối cảnh mới như tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 7%, tín dụng cho nông nghiệp - nông thôn tăng 5%, tín dụng đối với doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tăng khoảng 5,5%.

Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng kết quả TTTD chín tháng đầu năm 2020 đã góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng GDP chín tháng của cả nước đạt 2,12%, cũng như các ngành là động lực cho tăng trưởng như công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 3,7%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%, ngành xây dựng tăng 5,02%, bán buôn và bán lẻ tăng 4,98%. Kết quả này cho thấy, công tác điều hành tín dụng của NHNN đã đi đúng hướng, các giải pháp đưa ra là kịp thời, phù hợp thực tiễn và đang từng bước phát huy hiệu quả.

Với tình hình kiểm soát dịch bệnh hiện nay, việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy hồi phục kinh tế của Chính phủ, cùng các giải pháp về tiền tệ, tín dụng của ngành NH, tín dụng những tháng cuối năm được kỳ vọng sẽ tiếp tục có mức tăng khá, góp phần cung ứng vốn cho nền kinh tế, khôi phục sản xuất, kinh doanh. NHNN cam kết thực hiện, triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tạo thanh khoản thuận lợi nhất để các NHTM có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng; tiếp tục xem xét điều chỉnh hạn mức TTTD tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng cấp tín dụng cho người dân, DN, nhưng vẫn bảo đảm an toàn, hiệu quả, đặc biệt là đầu tư các dự án hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2020 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, TTTD cả năm 2020 có thể đạt khoảng từ 8 đến 10%, trong đó mức hơn 9% là khả thi. Diễn biến tín dụng trong tháng 9 vừa qua thể hiện dấu hiệu tích cực trong vấn đề tiếp cận vốn của DN, từ đó cho thấy diễn biến khả quan của nền kinh tế. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8, TTTD mới đạt khoảng 4,2 - 4,3%, nhưng đến hết tháng 9 đã đạt khoảng 6,1%. Trong điều kiện nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, quý I tín dụng tăng rất chậm, quý II tăng nhanh hơn một chút, nhưng vẫn trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch tác động tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực, thì kết quả đạt được trong quý vừa qua là rất đáng mừng.

Đặc biệt, một số lĩnh vực như nông nghiệp - nông thôn và sản xuất, kể cả lĩnh vực mà chúng ta đánh giá là vẫn còn khó khăn như dịch vụ, viễn thông, giao thông, thì đều có mức TTTD tích cực và cao hơn mức tăng chung, đạt khoảng 7%. Điều này cho thấy, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế đối diện nhiều khó khăn chung do tác động của dịch, song các DN đang chuyển biến tích cực và linh hoạt. Vì vậy, trong điều kiện vẫn còn khó khăn do có khoản nợ cũ, nhưng DN vẫn sẵn sàng tiếp cận các khoản vay mới trên cơ sở giãn, hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ cũ.

Trong ba tháng còn lại của năm 2020, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch để đẩy mạnh TTTD, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Để đạt được mục tiêu đó, NHNN đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó thời gian qua thực hiện rất tích cực việc xử lý khó khăn cho DN thông qua cơ cấu lại các khoản nợ, lãi đến hạn, nhưng giải pháp quan trọng nhất chính là giảm lãi suất. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, NHNN đã ba lần giảm lãi suất điều hành, đặc biệt là lần thứ 3 (áp dụng từ ngày 1-10) đã có hiệu lực tức thì. Cộng hưởng lại mức giảm sau ba lần là khoảng 1,5 - 2%, sẽ tạo nguồn vốn rẻ cho các NHTM để tạo điều kiện cho DN và người có nhu cầu vay vốn với lãi suất thấp hơn. Bên cạnh đó, bản thân các NHTM cũng đã giảm chi phí, giảm các điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất thấp hơn. Trên thực tế vấn đề hỗ trợ thông qua hạ lãi suất, kể cả việc cho vay mới hay các khoản vay cũ, đều tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/baothoinay-kinhte/day-manh-tin-dung-ho-tro-phuc-hoi-kinh-te-619772/