Đẩy mạnh truyền thông PrEP, giúp tăng sự tiếp cận với dịch vụ phòng ngừa HIV

Các chiến dịch quảng bá xã hội là những can thiệp đầy hứa hẹn có khả năng làm giảm bớt các rào cản trong phòng chống HIV, đặc biệt là đối với nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM) và nữ chuyển giới, làm tăng sự tiếp cận với dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Bà Ramona Bhatia, Chuyên gia cấp cao của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết.

Báo động lây nhiễm HIV tăng trong nhóm MSM

Theo số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tính đến thời điểm hiện tại, ước tính khoảng 230.000 người nhiễm HIV. Dịch HIV/AIDS tiếp tuc có xu hướng giảm, tuy nhiên tốc độ giảm của dịch có xu hướng chậm lại và cảnh báo nguy cơ gia tăng số người nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Hiên tỷ lệ nhiễm mới HIV cao nhất trong nhóm MSM và tiếp tục phát hiện nhiều người nhiễm mới HIV trong nhóm này.

TS Nguyễn Thị Minh Tâm – Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, nếu như trước đây tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm này chỉ khoảng 2-3%, nhưng hiện nay con số này lên tới 17-18%. Tỷ lệ mới nhiễm trong vòng 12 tháng qua cũng rất đáng báo động trong cộng đồng MSM, với tỷ lệ 1,7 người/năm, trong khi cộng đồng tiêm chích ma túy chỉ khoảng 0,4 người/năm, nhóm chị em “làm nghề” là 0,2 người/năm. Nếu dưới 0,5 người/năm coi như đã được kiểm soát. Như vậy, với cộng đồng tiêm chích ma túy và chị em “làm nghề” coi như đã được kiểm soát rồi, nhưng cộng đồng MSM lại đang bùng nổ.

Bà Ramona Bhatia, Chuyên gia cấp cao của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ .

Ông Lưu Tùng Văn Khiết, Chương trình mạng lưới quần thể đích trẻ Việt Nam (VYKAP) cũng cho biết, trong 1 tháng triển khai PrEP tại thành phố Hồ Chí Minh mới đây, trong 40 MSM test phát hiện sàng lọc để đưa vào chương trình điều trị thì phát hiện có 15 bạn dương tính với HIV (chiếm khoảng 40%).

Hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm này chủ yếu trong nhóm người trẻ tuổi, tỷ lệ sử dụng bao cao su thấp, sử dụng ma túy và quan hệ tình dục với nhiều người

PrEP là cách tốt nhất ngăn ngừa HIV cho những người âm tính

Có nhiều lý do mà trước đây dự phòng bằng bao cao su vẫn chưa thành công khiến cho tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng MSM vẫn gia tăng một cách nhanh chóng. Vì vậy, bên cạnh việc phát bao cao su (truyền thống), chúng tôi đưa thêm một biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEp). TS Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết.

Bà Ramona Bhatia khẳng định, sử dụng PrEP là cách tốt nhất để ngăn ngừa HIV nếu bạn tình âm tính. PrEP an toàn và hiệu quả, thậm chí còn được dùng cho phụ nữ mang thai. PrEP dành cho bất cứ ai có nguy cơ nhiễm HIV, bao gồm cả đồng tính nam, nữ chuyển giới hoặc những người dùng chung kim tiêm. Thuốc PrEP giúp kiểm soát sức khỏe tình dục của bản thân. Hiện PrEP (bao gồm cả thuốc, thăm khám và xét nghiệm máu) đang được cấp miễn phí tại Việt Nam.

Hiện, chương trình PrEP đang được triển khai tốt, có hiệu quả tại Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực với 6.565 người đang sử dụng PrEP và tỷ lệ duy trì điều trị cao. Dự kiến đến cuối năm 2020, có hơn 7.300 khách hàng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV được tiếp cận PrEP tại 11 tỉnh, thành phố có tình hình dịch cao gồm các địa phương: TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Tiền Giang, Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng. Chỉ tiêu đến hết năm 2021, PEPFAR sẽ cung cấp PrEP cho 30.000 khách hàng tại 11 tỉnh trọng điểm, 75 cơ sở công, 15 cơ sở tư nhân. “Việc này đòi hỏi nỗ lực trong công tác tạo cầu, bao gồm tư vấn và chuyển gửi PrEP cho người có hành vi nguy cơ cao”. Bà Ramona Bhatia nhấn mạnh.

Truyền thông rất quan trọng

Để triển khai dịch vụ, TS Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết, bên cạnh việc mở rộng các dịch vụ sẵn có thì truyền thông tạo cầu có vai trò rất quan trọng. Truyền thông như thế nào để khách hàng cần phải sử dụng PrEP đến sử dụng dịch vụ.

Truyền thông có sức mạnh rất lớn cho sự thành công của chương trình dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Việc này giúp cho Việt Nam bảo đảm những kết quả bền vững trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới đạt được các mục tiêu 90-90-90 đã cam kết với Liên Hợp Quốc. Bên cạnh việc tuyên truyền, thông tin báo chí, truyền thông qua mạng xã hội cũng là kênh truyền thông rất hiệu quả và phù hợp với xu thế hiện nay. Bà Ramona Bhatia cho biết.

Hải Sơn

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/day-manh-truyen-thong-prep-giup-tang-tiep-can-voi-dich-vu-ngua-hiv-n177932.html