Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và cung ứng dịch vụ công, xây dựng chính quyền điện tử

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Báo cáo số 158/BC-UBND về công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2020 của thành phố.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo đó, kết quả công tác CCHC của thành phố được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao. Chỉ số CCHC của thành phố Hà Nội năm 2019 tiếp tục xếp hạng rất cao, đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố (SIPAS) đạt trên 80%, hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019 xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố.

Đáng chú ý, trong tình hình dịch Covid-19, các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc thực hiện việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành công việc theo chỉ đạo của UBND thành phố và Trung ương, bảo đảm việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính, việc tiếp công dân và các nhiệm vụ chuyên môn thực hiện liên tục, không bị gián đoạn. Thành phố cũng thực hiện tốt công tác chuẩn hóa TTHC, kiểm soát việc công bố TTHC. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã ban hành 18 quyết định công bố TTHC; 100% các quyết định công bố TTHC sau khi ban hành đã được công khai theo quy định.

Tính đến nay, tổng số TTHC đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 1.501/1.659 thủ tục. Số lượng hồ sơ tiếp nhận trên Cổng dịch vụ công thành phố đạt hơn 930.000 hồ sơ, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 91%. Thành phố cũng đã xây dựng và vận hành cổng dịch vụ công thành phố, hệ thống một cửa dùng chung 3 cấp giúp cho việc tiếp cận, giải quyết TTHC cho người dân thuận tiện, tiết kiệm, đồng thời giúp cơ quan quản lý kiểm soát việc giải quyết TTHC cho người dân tốt hơn. Tính đến ngày 24/5/2020, có 88 dịch vụ công đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 34%.

6 tháng cuối năm 2020, thành phố Hà Nội chú trọng đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; tăng cường các hình thức thông tin, tương tác với người dân; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC, cắt giảm các loại giấy tờ không cần thiết; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Đặc biệt, thành phố đầu tư hạ tầng CNTT và ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và cung ứng dịch vụ công, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, coi đây là giải pháp đột phá để hiện đại hóa hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, là cơ sở để tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính các cấp…

TQ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/day-manh-ung-dung-cntt-trong-quan-ly-dieu-hanh-va-cung-ung-dich-vu-cong-xay-dung-chinh-quyen-dien-tu-197242.html