Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ: Chắp cánh cho chè Thái Nguyên 'bay' xa

Để thương hiệu chè Thái Nguyên 'bay' xa hơn, rất cần có sự hỗ trợ, đồng hành của các nhà khoa học và những công nghệ mang tầm quốc tế.

Hiện nay, HTX chè La Bằng (Đại Từ) đang sản xuất chè theo hướng hữu cơ, bảo đảm quy trình sản xuất "sạch" từ đầu vào đến đầu ra.

Chè là 1 trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, cho giá trị kinh tế cao và đã có mặt ở nhiều thị trường trong nước cùng một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Thái Nguyên vẫn đang dẫn đầu cả nước về diện tích chè, với 22,2 nghìn ha, sản lượng búp tươi đạt trên 262 nghìn tấn, giá trị sản phẩm sau chế biến đạt trên 12,1 nghìn tỷ đồng/năm.

Theo bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hiệp hội Chè tỉnh: Chè Thái Nguyên đang được chế biến bằng 2 phương pháp là bán thủ công và công nghiệp. Hiện nay, sản lượng chè chế biến đạt khoảng 52 nghìn tấn/năm, trong đó chế biến công nghiệp tại các doanh nghiệp đạt 20%, chủ yếu là chè xanh, chè đen phục vụ xuất khẩu. Phần còn lại là chế biến chè xanh nguyên liệu, chè xanh đặc sản bằng phương pháp bán thủ công tại các hợp tác xã, làng nghề, nông hộ (chiếm 80% sản lượng). Một số đơn vị đã ứng dụng công nghệ, đầu tư thiết bị để chế biến bột trà xanh matcha, trà olong, hồng trà…

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình chăm sóc, thâm canh chè, người sản xuất vẫn đang gặp nhiều khó khăn do thiếu các loại vật tư, thiết bị hỗ trợ, như phân bón hữu cơ sinh học dạng nano, màng sinh học che phủ giữ ẩm đất, công nghệ tưới chè tự động hóa, thiết bị bay phun nước/dưỡng chất cho chè, máy hái chè thông minh, máy xới cỏ, làm đất, bón phân cho chè... Đáng nói, mặc dù có vùng nguyên liệu khá lớn nhưng số lượng chè Thái Nguyên được chế biến tinh, sâu chưa nhiều.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chè Hà Thái, cho biết: Để có thể chế biến tinh, sâu, chúng tôi rất cần được chuyển giao công nghệ phát triển sản xuất các sản phẩm trà mới, như các loại chè ướp hương, hồng trà, trà olong, matcha. Đặc biệt là công nghệ sản xuất các sản phẩm khác từ chè gồm tinh dầu trà, cao trà, sữa tắm, dung dịch vệ sinh từ trà… Tôi tin rằng, khi những sản phẩm này có mặt trên thị trường sẽ rất “hút” khách và nâng cao được thương hiệu, giá trị kinh tế của chè Thái Nguyên.

Ngoài ra, một số điều kiện khác để chè Thái Nguyên phát triển toàn diện là các giải pháp về kỹ thuật, công nghệ để phát triển chuỗi giá trị chè, từ khâu trồng, thu hoạch đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ gắn với văn hóa trà và du lịch sinh thái. Khi thị trường có những đòi hỏi ngày càng cao như hiện nay, sản phẩm chè Thái Nguyên rất cần được thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo công nghệ Blockchain (cơ chế cơ sở dữ liệu tiên tiến cho phép chia sẻ thông tin minh bạch trong một mạng lưới kinh doanh).

Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KHCN, cho biết: Trước những nhu cầu thực tế, chúng tôi đã đề nghị Bộ KHCN có cơ chế, chính sách, nguồn kinh phí hỗ trợ Thái Nguyên, trong đó có ngành Chè, ứng dụng các thành tựu KHCN vào sản xuất bảo đảm phù hợp với xu thế phát triển. Cùng với đó là tập hợp các nguồn lực cần thiết trong và ngoài nước để hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng KHCN vào sản xuất, chế biến chè...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202401/day-manh-ung-dung-khoa-hoc-cong-nghe-chap-canh-cho-che-thai-nguyen-bay-xa-3551e75/