Đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong tiêu thụ sản phẩm Bí xanh thơm và các nông sản tỉnh Bắc Kạn

Hội nghị được kỳ vọng sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, HTX, các tổ sản xuất cũng như kết nối, quảng bá hiệu quả các sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn.

Sáng ngày 2/6, tại huyện Ba Bể, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ Bí xanh thơm và các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022 và chương trình Ngày hội nông sản - OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022.

Hội nghị xúc tiến tiêu thụ Bí xanh thơm và các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022.

Hội nghị xúc tiến tiêu thụ Bí xanh thơm và các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn năm 2022.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương như: Cục Xúc tiến thương mại, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Vụ Thị trường trong nước,… lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn, đại diện các Sở, Ngành tỉnh Bắc Kạn cùng đại diện các Sở Công Thương, Sở NN&PTNT một số tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trong những năm qua, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, nhất là nông, lâm sản đã được UBND tỉnh Bắc Kạn tập trung chỉ đạo, theo dõi, nắm bắt biến động thị trường để kịp thời bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân liên kết tiêu thụ nông sản thông qua tổ chức hội chợ, tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm.

Hội nghị được kỳ vọng sẽ kết nối, quảng bá hiệu quả các sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn tới các địa phương trong nước và quốc tế.

Hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh Bắc Kạn cũng đã có những bước chuyển biến tương đối rõ nét, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Đỗ Thị Minh Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, bí xanh thơm, Nano Curcumin nghệ, tinh bột nghệ, bún khô, phở khô, gạo Japonica và các sản phẩm chế biến từ thịt … là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng có thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn.

Trong năm 2022, tỉnh Bắc Kạn có hơn 200 ha diện tích trồng bí xanh thơm, chủ yếu tại huyện Ba Bể, sản lượng ước đạt gần 8.000 tấn, thời gian thu hoạch từ tháng 6 năm 2022. Sản phẩm đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, chuỗi sản phẩm sạch, một phần diện tích được cấp chứng nhận VietGAP và chứng nhận hữu cơ PGS, chứng nhận OCOP 3 sao.

Đây là giống bí bản địa đặc hữu của tỉnh Bắc Kạn có dáng thon dài, vỏ dày và cứng, mùi thơm đặc trưng, khi chế biến có độ dẻo, vị đậm, hấp dẫn và là thức ăn bổ dưỡng tốt cho sức khỏe.

Trong năm 2022, tỉnh Bắc Kạn có hơn 200 ha diện tích trồng bí xanh thơm, chủ yếu tại huyện Ba Bể.

“Việc tổ chức sự kiện Xúc tiến tiêu thụ Bí xanh thơm, sản phẩm OCOP gắn với hoạt động trải nghiệm sinh thái, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ bí xanh thơm, các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm nông sản đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời hình thành các liên kết bền vững giữa DN, hợp tác xã với nhà phân phối; tạo điều kiện thuận lợi cho DN tỉnh Bắc Kạn phát triển sản xuất, mở rộng thị trường theo chuỗi giá trị", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chia sẻ.

Bà Hoa cho biết thêm, trong chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2023 và đến năm 2030 tỉnh Bắc Kạn vẫn đang xác định lấy nông nghiệp làm trọng tâm, đóng góp đến năm 2025, nông nghiệp sẽ chiếm 26% trong cơ cấu các ngành kinh tế; đến năm 2030 nông nghiệp sẽ đóng góp 20-22%. Ngành trọng điểm thứ hai là dịch vụ và du lịch sẽ là ngành trọng tâm chính.

Hiện nay ngành này đang đóng góp trong khu vực kinh tế khoảng 50%, xác định đến năm 2030 đóng góp khoảng 55-56%; bên cạnh đó ngành công nghiệp sẽ tăng từ 14% hiện nay lên 20-22% vào năm 2025-2030.

Bí xanh thơm Bắc Kạn được bày bán trên sàn TMĐT.

Để tạo điều kiện đưa nông sản của tỉnh Bắc Kạn khai thác hiệu quả thị trường trong nước và từng bước phát triển xuất khẩu bền vững, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Bộ Công Thương sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ các nhà cung ứng nông sản của tỉnh Bắc Kạn tiếp cận với đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, kênh phân phối trực tuyến thông qua các hoạt động nâng cao năng lực mở rộng thị trường. Bộ luôn tạo điều kiện đưa nông sản của tỉnh Bắc Kạn khai thác hiệu quả thị trường trong nước và từng bước phát triển xuất khẩu bền vững.

Vệ sinh an toàn thực phẩm và các chứng nhận liên quan rất quan trọng, không chỉ cho sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài mà cả cho thị trường trong nước. Bắc Kạn cũng cần có quy hoạch mã vùng trồng, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho bí xanh thơm cùng các tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ, để công tác xúc tiến thương mại dễ dàng hơn, nâng cao giá trị cho sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ sản phẩm.

Tại sự kiện, đại diện nhiều doanh nghiệp phân phối chung đều mong muốn tăng tính nhận diện cho sản phẩm bí xanh thơm Bắc Kạn với người tiêu dùng, qua việc giới thiệu quy trình trồng; đồng thời cam kết, bằng những việc làm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của tỉnh, phấn đấu giảm hết mức chi phí nhằm đưa sản phẩm tới rộng rãi người tiêu dùng.

Tại hội nghị, nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tỉnh Bắc Kạn đã được ký kết.

Theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, diện tích trồng bí xanh thơm hữu cơ của tỉnh Bắc Kạn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thị trường, đề nghị địa phương hỗ trợ người trồng mở rộng vùng trồng theo quy mô hàng hóa.

Bà Hậu cũng cho rằng, cần nâng cao vùng trồng chất lượng cao, dán tem truy xuất nguồn gốc, tem OCOP nhằm tạo điểm nhấn về uy tín, chất lượng cho sản phẩm bí xanh thơm của Bắc Kạn.

“Với các loại nông sản khác của Bắc Kạn dù tốt về chất lượng nhưng cần chú ý hơn tới kiểu dáng, bao gói sản phẩm để làm thế nào để thu hút ngay sự quan tâm của khách hàng. Để làm được điều này, địa phương, doanh nghiệp cần đầu tư thuê thiết kế bao bì sản phẩm, quảng bá hình ảnh lên các trang mạng xã hội…”, bà Vũ Thị Hậu cho biết.

Đáng chú ý, hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác, kết nối tiêu thụ Bí xanh thơm, sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng được sản xuất, chế biến tại tỉnh Bắc Kạn trên các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam với Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn. Hoạt động này được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã địa phương đẩy mạnh tiêu thụ bí xanh thơm và sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn qua các kênh tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, 10 bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các HTX trong tỉnh và các doanh nghiệp đến từ Hà Nội, Hải Phòng cũng đã được kí kết nhằm phân phối các sản phẩm đạt tiêu chuẩn của tỉnh Bắc Kạn tới nhiều địa phương trong nước cũng như quốc tế.

Minh Thư

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/day-manh-ung-dung-tmdt-trong-tieu-thu-san-pham-bi-xanh-thom-va-cac-nong-san-tinh-bac-kan-5687996.html