Đẩy mạnh việc dạy nghề cho lao động nông thôn ở Thạch Thành

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, huyện Thạch Thành đã có những biện pháp chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao giữa hệ thống chính trị cơ sở và Nhân dân trong thực hiện quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Học viên thực hành sửa chữa máy may công nghiệp tại Trường Trung cấp nghề Thạch Thành.

Học viên thực hành sửa chữa máy may công nghiệp tại Trường Trung cấp nghề Thạch Thành.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo tinh thần Chỉ thị số 19-CT/TW là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm để thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010-2020; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm, huyện Thạch Thành đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ban Thường vụ Huyện ủy Thạch Thành đã tập trung nghiên cứu sâu sắc và tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng cụ thể hóa các nội dung Chỉ thị số 19-CT/TW vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện và các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng các chương trình hành động, kế hoạch, đề án để tổ chức thực hiện.

Ông Lê Xuân Bình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thành, cho biết: Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 và Chỉ thị 19-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn và các văn bản, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành và lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền xây dựng nhiều văn bản để triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của công tác dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm. Xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền về học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp; các chủ trương, chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn đến cán bộ, hội viên, đoàn viên và Nhân dân. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú thông qua hội nghị, hội thảo, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội, cổng thông tin điện tử huyện, báo chí, tờ rơi, áp phích, tư vấn trực tiếp tại các cụm xã và hộ gia đình... bảo đảm cho các đối tượng dễ tiếp cận, dễ hiểu. Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân hiểu được chính xác, đầy đủ nội dung của các chính sách cũng như vai trò, tầm quan trọng và lợi ích của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Mặt khác, huyện đẩy mạnh công tác điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề để tư vấn nghề nghiệp, vận động Nhân dân học nghề; tư vấn miễn phí cho nông dân về dạy nghề, việc làm, thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang trại... nhằm tạo việc làm, nâng cao mức sống cho người lao động trên địa bàn.

Chú trọng đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng dạy nghề

Qua khảo sát, đến nay trên địa bàn huyện có tổng dân số 157.414 người. Trong đó, số người trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động là 93.587; số lao động có việc làm đã qua đào tạo 62.253; số có nhu cầu học nghề đến năm 2025 là 12.700 người. Xác định nhóm giải pháp chủ yếu là giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động; tập trung phát triển toàn diện sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và sản lượng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế đồi rừng; thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất; tập trung chuyển dịch dần lao động nông nghiệp sang khu vực kinh tế công nghiệp và dịch vụ, vào đầu mỗi giai đoạn và hằng năm huyện ban hành các văn bản hướng dẫn khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề, các nghề có nhu cầu đào tạo của lao động nông thôn. Đồng thời, chỉ đạo Trường Trung cấp nghề Thạch Thành đổi mới chương trình dạy, giáo trình đào tạo “chuẩn đầu ra”, theo khung chương trình của giáo dục nghề nghiệp, theo giáo trình chung và chuyên ngành đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Có vai trò chính trong dạy nghề cho lao động nông thôn, để chủ động trong công tác lập nội dung chương trình dạy nghề, Trường Trung cấp nghề Thạch Thành đã chủ động liên hệ với các cơ sở dạy nghề trong tỉnh để tham khảo, nghiên cứu, học hỏi; đồng thời khai thác thêm các kiến thức thiết thực trên các tài liệu khác như sách tham khảo, các trang mạng chuyên đề, thông tin đại chúng... Từ những kiến thức tổng hợp trên, nhà trường biên soạn nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trở thành giáo trình dạy nghề cho lao động nông thôn phù hợp với đặc điểm, tình hình địa bàn huyện. Việc xây dựng, phê duyệt danh mục nghề đào tạo và chất lượng chương trình, giáo trình dạy nghề có sự phù hợp về nội dung và thời gian đào tạo. Đội ngũ giáo viên dạy nghề được sắp xếp bố trí hợp lý, bảo đảm về chất lượng. Đội ngũ này cũng thường xuyên cập nhật những nội dung, chương trình mới, bám sát với nhu cầu thị trường và nhu cầu của người học để truyền đạt, cung cấp kiến thức, kỹ năng. Bên cạnh đó, nhà trường còn huy động, thu hút giáo viên thỉnh giảng là cán bộ kỹ thuật, thợ giỏi, người có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy nghề cho lao động được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả. Theo đó, người học có nhiều điều kiện sử dụng các trang thiết bị để thực hành và học tập.

Từ sự quan tâm của các sở, ngành cấp trên, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị huyện Thạch Thành, công tác đào tạo nghề trên địa bàn đã đạt được nhiều hiệu quả tích cực. Ngày càng có nhiều lao động tham gia đào tạo nghề, đặc biệt là lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số, lao động ở vùng kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn. Hơn 10 năm qua, huyện đã tổ chức được 211 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 5.430 học viên tham gia; 171 lớp dạy nghề cho thanh niên nông thôn với 4.195 học viên tham gia; 40 lớp dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp với 1.235 học viên tham gia. Sau khi học nghề, người lao động đã biết vận dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và tạo sự gắn kết giữa người lao động với nhau. Chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên. Hơn nữa, qua đào tạo nghề, người lao động còn được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Với những lao động có tay nghề được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp nhận. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện. Nếu năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 25% thì đến năm 2021 đạt 66,5%, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và phục vụ tích cực cho việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/day-manh-viec-day-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-o-thach-thanh/165369.htm