Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thư viện

Xã hội hóa các hoạt động văn hóa, đặc biệt là hoạt động thư viện được xem là bước đi đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế khi nguồn ngân sách còn rất hạn chế.

Học sinh tiểu học tham quan, đọc sách do Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam trao tặng tại Phòng Đọc thiếu nhi Thư viện Đồng Nai. Ảnh: L.Na

Học sinh tiểu học tham quan, đọc sách do Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam trao tặng tại Phòng Đọc thiếu nhi Thư viện Đồng Nai. Ảnh: L.Na

Ở Đồng Nai, xã hội hóa hoạt động thư viện đã và đang góp phần đa dạng hóa các phương tiện và hình thức phục vụ bạn đọc. Qua đó lan tỏa tri thức, chung tay phát triển văn hóa đọc.

* Cộng đồng chung tay

Tích cực kêu gọi xã hội hóa hoạt động thư viện được xem một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong thực hiện đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Gần đây, hệ thống các thư viện từ tỉnh đến cơ sở đã nhận được sự quan tâm của các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, bổ sung các đầu sách mới, sửa chữa, làm mới cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ bạn đọc.

Giám đốc Thư viện Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thành cho biết, chỉ tính riêng năm 2020, thư viện đã tổ chức nhiều đợt tiếp nhận sách do các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trao tặng. Cụ thể, trong tháng 5 đã tiếp nhận 3.549 bản sách và hơn 400 đĩa CD/VCD do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tặng. Trong đó, nổi bật là những đầu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh; các tài liệu hỏi đáp - tài liệu học tập, nghiên cứu văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho biết: “Xã hội hóa các hoạt động thư viện, nhất là việc trang bị thêm các tủ sách trong cộng đồng là xu hướng tất yếu, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài. Chúng tôi mong muốn và hy vọng rằng, thời gian tới sẽ có nhiều cá nhân, đơn vị và doanh nghiệp chung tay với ngành Văn hóa, tiếp tục ủng hộ sách, đưa sách đến gần hơn với bạn đọc”.

Trong tháng 9, Thư viện Đồng Nai tiếp nhận 1 ngàn cuốn sách từ chương trình Hành trình từ trái tim do Vụ Thư viện phối hợp với Tập đoàn Trung Nguyên trao tặng. Nguồn sách này thuộc tủ sách nền tảng đổi đời, với 5 đầu sách gồm: Quốc gia khởi nghiệp; Không có gì là thất bại, tất cả là thử thách; Nghĩ giàu làm giàu; Đắc nhân tâm; Khuyến học. Mới đây nhất, Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Shinhan Finance) đã trao tặng hơn 2 ngàn cuốn sách mới, 2 tranh trang trí và 59m2 thảm trải sàn phòng đọc phục vụ thiếu nhi.

“Hoạt động xã hội hóa ở Thư viện Đồng Nai thời gian gần đây diễn ra dưới nhiều hình thức. Đặc biệt, các cá nhân, tổ chức, đơn vị… đã tặng hàng ngàn đầu sách nhằm cập nhật các loại sách mới, sách hay; hỗ trợ thư viện cải tạo với không gian đọc sách rộng rãi, thoáng mát. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút bạn đọc, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên đến đọc sách” - ông Nguyễn Ngọc Thành chia sẻ.

Chủ tịch Hội đồng trường, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Thống kê II (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) Hà Đức Thủy cho biết, để giúp sinh viên nắm bắt thêm kiến thức chuyên ngành, hằng năm nhà trường đã bổ sung hàng trăm đầu sách mới. Nhà trường cũng thường xuyên kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ, tặng sách cho từng sinh viên trong các dịp gặp mặt, giao lưu, sinh hoạt chung.

“Từ đầu năm đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng nhà trường huy động được một số cá nhân hỗ trợ hơn 100 đầu sách kỹ năng và phát triển bản thân… Nhà trường cũng tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa thư viện nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ, giảng viên, sinh viên” - ông Hà Đức Thủy nói.

* Lan tỏa tri thức

Để sử dụng một cách có hiệu quả những nguồn sách xã hội hóa, Giám đốc Thư viện Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thành cho biết, thư viện đã có kế hoạch và tổ chức nhiều đợt luân chuyển sách về hệ thống thư viện huyện, các phường, xã. Đồng thời, mở rộng sự phối hợp với các thư viện công cộng; tăng cường kết nối, chia sẻ với thư viện trường học... Trên cơ sở đó, góp phần xây dựng văn hóa đọc tại cộng đồng hướng đến xây dựng xã hội học tập, lan tỏa tri thức, phát triển văn hóa đọc.

“Hằng quý, Thư viện Đồng Nai đã luân chuyển sách về hệ thống thư viện Tổng công ty Cao su Đồng Nai. Ở đó, thư viện của tổng công ty đã đưa sách ra lô cao su để công nhân lao động sau giờ nghỉ giải lao có thời gian đọc sách ngay tại lô. Thư viện cũng tăng cường luân chuyển sách về các doanh nghiệp hay các bưu điện văn hóa xã” - ông Thành cho biết.

Chỉ tính trong tháng 10-2020, Thư viện Đồng Nai đã luân chuyển 990 bản sách đến 4 địa điểm: Trung đoàn 935; Trường tiểu học bán trú Bông Sen (H.Trảng Bom); Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Á Châu (TP.Biên Hòa), Bảo tàng tỉnh. Đồng thời, trưng bày 13 chuyên đề với số lượng 1.245 bản sách và 200 ảnh tư liệu. Hoạt động cấp phát thẻ đọc cũng tăng lên đáng kể với 1.066 thẻ (tại thư viện 10 thẻ, ngoài thư viện 1.056 thẻ).

Nói về công tác xã hội hóa, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân cho hay, bên cạnh chỉ đạo Thư viện Đồng Nai đẩy mạnh hoạt động bổ sung sách mới bằng nguồn ngân sách hằng năm, ngành Văn hóa đã chủ động kêu gọi xã hội hóa hoạt động thư viện. Song song đó, ngành thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên thư viện.

“Chúng tôi đang tiếp tục đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn cho cán bộ thư viện trong trường học, thư viện các huyện, thành phố… Bên cạnh đó, các đầu sách được xã hội hóa sẽ được cán bộ thư viện tính toán phương thức luân chuyển, trưng bày, phục vụ bạn đọc một cách tốt hơn” - ông Nguyễn Hồng Ân nhấn mạnh.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202011/day-manh-xa-hoi-hoa-hoat-dong-thu-vien-3029645/