Đẩy mạnh xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhiều năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên đặc biệt chú trọng đến công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Một lớp xóa mù chữ ở tỉnh Điện Biên.

Chú trọng vào công tác xóa mù chữ

Điện Biên là tỉnh vùng cao biên giới, có 19 dân tộc gồm Thái, Dao, Khơ Mú, Kháng, Lào, Hà Nhì… trong đó dân tộc Mông (chiếm 38,12 %) và dân tộc Thái (chiếm 35,69%) chiếm dân số lớn nhất. Với đặc thù như vậy, ngành giáo dục tỉnh Điện Biên đặc biệt chú trọng đến công tác xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thúy - Trưởng phòng GDTX chuyên nghiệp và nghiên cứu khoa học, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên: “Hiện nay, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư 33 về hướng dẫn công tác xóa mù chữ, Bộ đã triển khai tập huấn thực hiện chương trình xóa mù chữ và Sở GD&ĐT Điện Biên cũng đã tập huấn thực hiện chương trình xóa mù chữ giai đoạn 1 cho toàn bộ giáo viên trực tiếp dạy xóa mù chữ.

Tuy nhiên địa bàn tỉnh Điện Biên các lớp xóa mù chữ ở giai đoạn 2 (kỳ 4 và kỳ 5) nhưng giáo viên chưa được tập huấn về thực hiện chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2 nên quá trình thực hiện giảng dạy, giáo viên sẽ gặp một số khó khăn”.

Bà Nguyễn Thị Thúy cũng cho biết thêm: “Bên cạnh đó, chương trình xóa mù chữ mới đã triển khai, nhưng đến thời điểm này chúng tôi đang phải tham khảo sách giáo khoa tiểu học và tài liệu hướng dẫn khác để giảng dạy. Theo đó, tôi mong rằng, Bộ GD&ĐT sớm ban hành tài liệu phục vụ hướng dẫn dạy học xóa mù chữ, tài liệu cho học viên xóa mù chữ theo chương trình xóa mù chữ mới.

Tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, các lực lượng tham gia xóa mù chữ về thực hiện chương trình xóa mù chữ, tài liệu, phương pháp và kiểm tra đánh giá học viên và học chương trình xóa mù chữ theo thông tư 10/2022/TT-BGDĐT”.

Trong buổi làm việc với các sở, ban ngành của tỉnh Điện Biên ngày 21/4, ông Lê Như Xuyên, Phó vụ trưởng Vụ Dân tộc, Bộ GD&ĐT lưu ý: “Để công tác xóa mù chữ của địa phương đạt được hiệu quả cao, cần có sự chung tay, đồng hành của nhiều cơ quan, ban ngành, hội, đoàn thể như hội phụ nữ, bộ đội biên phòng, đoàn thanh niên… để thực hiện”.

Công tác xóa mù chữ đạt gần 97%

Trong năm 2022, công tác xóa mù chữ ở tỉnh Điện Biên đạt kết quả khá cao gần 97% kế hoạch đề ra. Theo chia sẻ Nguyễn Thị Thúy - Trưởng phòng GDTX chuyên nghiệp và nghiên cứu khoa học, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên: “Năm2022, các cơ sở giáo dục trên địa bản tỉnh đã mở được 28 lớp xóa mù chữ với 619 học viên tham gia chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2, đạt 96,87% kế hoạch giao (kế hoạch giao là 29 lớp, 639 học viên).

Trong 28 lớp xóa mù chữ được phân bố ở các huyện gồm: Tuần Giáo 8 lớp với 125 học viên; Mường Chà 7 lớp với 140 học viên; Điện Biên Đông 7 lớp với 200 học viên; Nậm Pồ 4 lớp với 94 học viên; Mường Nhé 3 lớp với 60 học viên.

Theo kế hoạch, năm 2023 các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ mở 54 lớp với quy mô 1223 học viên. Hiện đã có một số huyện triển khai mở lớp như: Tuần giáo, mường nhé, mường ảnh, điện biên đông với 36 lớp tổng 876 học viên”.

Toàn tỉnh Điện Biên đến tháng 3/2023 có 481 trường học, trung tâm, trong đó: 168 trường mầm non, 295 trường phổ thông, 17 trung tâm và 1 trường cao đẳng) với tổng 7401 lớp và 206923 học sinh, học viên, sinh viên.

Năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 132 trường phổ thông dân tộc bán trú, 9 trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS.

Ngô Chuyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/day-manh-xoa-mu-chu-cho-nguoi-dan-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-post635743.html