Đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt, còn nhiều khoảng trống

Chuyên gia kinh tế Trương Kim Thoa – Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, để hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp Việt cần xây dựng hình ảnh sản phẩm, thương hiệu, bao bì, quy trình đóng gói, bảo quản sản phẩm đúng quy định…

 Doanh nghiệp dệt may. Ảnh: IT.

Doanh nghiệp dệt may. Ảnh: IT.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra những cơ hội và thách thức gì cho doanh nghiệp Việt, thưa bà?

-Tôi cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra thách thức lớn đối với sản xuất và tiêu dùng về tri thức và công nghệ trong nền kinh tế thị trường. Không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay trên thị trường nội địa, các lĩnh vực kinh tế vốn được bảo hộ bị thách thức gay gắt do việc cắt giảm thuế quan, như ngành sản xuất ô tô, mía đường, gạo, xăng dầu… song cũng làm xuất hiện và tạo cơ hội giải quyết ngày càng nhiều các vấn đề toàn cầu như thương mại, đầu tư, tiền tệ, lương thực, năng lượng, môi trường…

Việt Nam đã phần nào cải thiện môi trường thu hút đầu tư, nguồn nhân lực… cho phép khai mở, cộng hưởng cao nhất các tiềm năng và hiệu quả các nguồn lực phát triển trong và ngoài nước, tham gia ngày càng chặt chẽ vào “chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu”. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã bộc lộ những hạn chế và điểm yếu của nền kinh tế: cơ cấu kinh tế và chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện cơ bản; nút thắt trong các thể chế, cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ chế và chính sách của các bộ, ngành về tài nguyên, chính sách thuế, chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ hóa.

Trong khi đó, bên cạnh những thành tựu, ngành nông nghiệp còn có nhiều hạn chế như đổi mới chậm các thể chế chính sách và chuyển đổi sang mô hình sản xuất nông nghiệp theo định hướng thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu sắc và tác động nặng nề của biến đổi khí hậu; kết nối và liên kết giữa các ngành và lĩnh vực không cao, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế còn kém …

Cải cách thể chế còn chậm dù đã triển khai thủ tục hành chính một cửa. Phát triển kinh tế chưa được quan tâm đúng mức để giải quyết các vấn đề xã hội, thất nghiệp, khoảng cách giàu nghèo gia tăng nhanh chóng, ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển. Môi trường sinh thái có nguy cơ xấu đi, gây ra những tác động lâu dài đối với sự phát triển kinh tế xã hội quốc gia…

Các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp Việt đứng trước những thuận lợi lớn chưa từng có để mở rộng thị trường xuất khẩu. Việt Nam trở thành đối tác bình đẳng, không bị phân biệt đối xử, theo mức thuế ưu đãi, thậm chí là 0%, với 56 đối tác đã ký kết hiệp định FTA... là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, dịch vụ, tạo thêm việc làm, góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình bền vững và sáng tạo, tăng trưởng xanh…

Chuyên gia kinh tế Trương Kim Thoa

Các doanh nghiệp trong nước cần làm gì để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường lớn Trung Quốc?

-Các doanh nghiệp muốn xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc cần thực hiện mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap hay theo đơn đặt hàng nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch ngày càng nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện chính sách thay thế nhập khẩu tiểu ngạch bằng chính ngạch.

Chế biến hải sản. Ảnh: IT.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh sản phẩm, thương hiệu, bao bì, nhãn mác, quy trình đóng gói và bảo quản sản phẩm đúng quy định. Điều đáng nói là cần thực hiện các giao dịch và thương mại điện tử để giảm chi phí và mở rộng thị trường một cách hợp lý.

Từ ngày 14/1/2019, hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam và 6 nước đã phê chuẩn CPTPP chính thức thực hiện theo lộ trình thuế quan cam kết. Trước áp lực thuế suất 0% đối với một số mặt hàng nông, thủy sản, thực phẩm, sự cần thiết phải thay đổi tư duy quản lý và kinh doanh, không chỉ xuất khẩu mà còn phải chú trọng tới cả đáp ứng nhu cầu trong nước và cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại trên thị trường Việt Nam.

Các quy định về xuất khẩu hàng hóa ngày càng khắt khe, sức ép cạnh tranh về giá, ngoài tiêu chuẩn về chất lượng, còn phải đáp ứng các quy định về xuất xứ hàng hóa, chẳng hạn như khi Việt Nam xuất khẩu thủy sản, sản phẩm sạch phải đảm bảo cả về quy trình đánh bắt, tính hợp pháp của vùng biển đánh bắt và phải đáp ứng cả yêu cầu về môi trường. Giá bán xoài Nhật Bản, thanh long Đài Loan ở mức cao ngất ngưởng nhưng vẫn “cháy hàng” ở thị trường Việt Nam, trong khi Việt Nam có rất nhiều mặt hàng chất lượng cao lại đem đi xuất khẩu.

Để đáp ứng những tiêu chuẩn, quy định trong hiệp định CPTPP, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong nước cần chú trọng những vấn đề gì, thưa bà?

-CPTPP vẫn là hiệp định rất quan trọng và đem lại cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam, do nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam không bị cạnh tranh nhiều với các thị trường trong khối, song các yêu cầu trong CPTPP cao hơn WTO rất nhiều và yêu cầu về sở hữu trí tuệ, bảo vệ người lao động, phòng chống tham nhũng cũng chặt chẽ hơn.

Do đó, để đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy định trong hiệp định này, cơ quan quản lý cần sớm sửa đổi các luật cho phù hợp với quy định, cam kết trong CPTPP. Các tổ chức về sản xuất và kiểm soát thị trường và công nghệ của Việt Nam đã không theo kịp các nước khác tham gia hiệp định.

Về phía doanh nghiệp Việt, thực tế lâu nay nhiều doanh nhgiệp chú trọng phát triển thị trường hiện tại mà ít quan tâm đến cơ hội mở rộng thị phần, thị trường trong tương lai. Do đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu sớm các quy định, nghiên cứu để tận dụng cơ hội của hiệp định này nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.

Với Việt Nam, dệt may, da giày vẫn được xem là những ngành hưởng lợi nhất khi CPTPP có hiệu lực. Việc ký kết một số hiệp định thương mại tự do như CPTPP sẽ mở ra cơ hội phát triển cho ngành dệt may, da giày của Việt Nam, đặc biệt là sự thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy xuất khẩu đối với các thị trường thuộc CPTPP.

Tuy nhiên, hiện nguồn cung ứng nguyên phụ liệu, xuất xứ cho ngành dệt may rất hạn chế. Yêu cầu trong CPTPP là xuất xứ của hàng dệt may phải từ sợi (thay vì từ vải như một số hiệp định khác), trong khi các doanh nghiệp trong nước chưa đầu tư được nhiều vào khâu sợi dệt nhuộm.

Hiện 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật thì chỉ có Nhật có trong CPTPP, nhưng lâu nay thị trường này đã có nhiều thuận lợi. Điều doanh nghiệp cần nhất lúc này là làm sao tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ.

Cho đến nay Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại, nhưng số doanh nghiệp Việt có quy mô lớn, tiềm lực mạnh có khả năng đầu tư ra nước ngoài để tận dụng lợi thế từ hiệp định chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong khi đó, đại đa số doanh nghiệp Việt Nam quy nhỏ và vừa, nội lực còn yếu, chỉ đang chèo chống tại thị trường trong nước…

Khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, việc cải cách môi trường kinh doanh càng phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa. Cần chuẩn bị hội nhập chính sách và thể chế tốt hơn, xây dựng một nhóm doanh nghiệp nội địa vững mạnh, hiểu rõ hơn về hội nhập kinh tế và truyền thống. Khi tham gia hiệp định này, Việt Nam phải đảm bảo nhiều yếu tố như bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu.

CPTPP có quy định khắt khe về chống tham nhũng, trong đó, quy định người nhận, người đưa, người môi giới hay gợi ý tham những cũng sẽ bị trừng phạt. Theo đó, Nhà nước cần xây dựng một cơ chế chống tham nhũng, lãng phí thực chất, kiên quyết và hiệu quả hơn; phải coi chống tham nhũng trong công tác cán bộ và trong các cơ quan chống tham nhũng như một đột phá mới để nâng cao năng lực thể chế, giải quyết các vấn đề thực tế nóng bỏng đang diễn ra phức tạp trong quá trình đổi mới, đảm bảo mục tiêu công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ thuế giữa các thành phần kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách và kích thích thu hút vốn đầu tư nước ngoài, xây dựng một hệ thống chế tài nghiêm minh…

Chuyên gia kinh tế Trương Kim Thoa

Nguồn TGTT: https://thegioitiepthi.vn/day-manh-xuat-khau-hang-viet-con-nhieu-khoang-trong-157623.html