Dạy nghề để giữ nghề truyền thống

Hiện nay, một số nghề truyền thống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang dần bị mai một, có nghề đứng trước nguy cơ bị biến mất. Để góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn, một trong những giải pháp được các địa phương triển khai là đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy và học nghề.

Già Hồ Đối hướng dẫn dân bản làm chổi đót đúng kỹ thuật -Ảnh: H.N

Già làng thôn Hà Lệt, xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa là ông Hồ Đối năm nay hơn 80 tuổi. Có lẽ thời điểm huyện Hướng Hóa mở lớp dạy nghề làm chổi đót, già là học viên lớn tuổi nhất theo học. “Già biết làm chổi đót từ khi còn là đứa trẻ nhưng bây giờ phải học để làm cái chổi sao cho đẹp hơn, bền hơn, rồi còn về dạy lại cho con cháu trong gia đình và trong bản. Già muốn giữ nghề truyền thống của cha ông để lại”, già Hồ Đối chia sẻ lý do theo học lớp làm chổi đót trước đó.

Ai cũng công nhận rằng, từ khi già Hồ Đối và một số người trong bản về thị trấn học làm chổi đót rồi dạy lại cho bà con, chiếc chổi do người dân thôn Hà Lệt làm ra đẹp và bền hơn hẳn, được người dân trong vùng ưa chuộng. Chị Hồ Thị Pua (37 tuổi) - một người dân thôn Hà Lệt - cho biết, mỗi ngày chị đan được 30 cái chổi, trong bình mỗi cái bán được 25.000 đồng.

3 năm trở lại đây, gia đình chị Pua đã trồng được 1 ha đót trên nương rẫy để bổ sung cho nguồn đót hái tự nhiên ở rừng đang ngày càng cạn kiệt.

“Từ ngày già Hồ Đối đi học nghề rồi về dạy lại cho dân bản, chất lượng sản phẩm chổi đót chúng tôi làm ngày càng được nâng cao, được khách hàng ưa chuộng. Khi đã vững tay nghề, tôi tranh thủ lúc các con không đến trường để dạy chúng cách làm chổi”, chị Pua cho biết.

Nghề làm chổi đót vốn gắn bó với người dân bản Hà Lệt từ rất lâu, lớp trẻ lớn lên đã thấy bà, mẹ làm chổi cặm cụi suốt đêm thâu. Từ nghề phụ lúc nông nhàn, nay nghề làm chổi đót dần trở thành nghề chính, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình ở thôn Hà Lệt.

Tuy sản phẩm của người dân làm ra chủ yếu bán lẻ, thỉnh thoảng có người đến tận nơi thu mua với số lượng không nhiều nhưng nhờ có nghề này mà người dân có thêm thu nhập. Từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 âm lịch là thời gian thu hoạch hoa đót.

Trước đây, đến mùa hái hoa đót, dân bản thường vào rừng khai thác tự do về bán cho thương lái và tích trữ một phần để đan chổi. Nay nhiều người đã biết trồng đót để bảo vệ rừng và khai thác bền vững nguồn nguyên liệu làm chổi.

Dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống lâu đời, mang bản sắc độc đáo của người dân tộc thiểu số Pa Kô ở xã A Bung.

Đã có một thời, bản làng nơi đây rộn tiếng khung cửi ngày đêm. Phụ nữ A Bung từ nhỏ đã được làm quen với khung dệt và những hoa văn truyền thống của đồng bào mình. Trước đây, các sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân địa phương được làm ra chủ yếu để phục vụ nhu cầu trong gia đình. Về sau này mới được mang trao đổi, mua bán với người dân quanh vùng.

Tuy nhiên, cùng với sự đổi thay của cuộc sống, đã có một thời gian dài, tiếng khung cửi ở A Bung dần thưa vắng, rồi rơi vào quên lãng.

Trước thực trạng đó, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn trăn trở tìm hướng đi cho thổ cẩm, trong đó giải pháp trước mắt là phải dạy nghề để bảo tồn nghề truyền thống của bà con. Lớp dạy nghề thổ cẩm được mở vào tháng 10/2023 xuất phát từ mục đích đó.

Với thời gian đào tạo 2 tháng, mỗi ngày học 8 tiếng, học viên (là phụ nữ trong độ tuổi lao động ở xã A Bung) được nghệ nhân dệt thổ cẩm lành nghề tại địa phương truyền dạy những kiến thức, kỹ năng dệt; kỹ năng tạo hình dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc và cách phối chọn gam màu. Với không gian lớp học là nhà sinh hoạt cộng đồng, các khung cửi sẽ được bố trí gần nhau để mọi người có thể vừa học, vừa trao đổi kiến thức, kinh nghiệm với nhau.

Chị Hồ Thị Huôn, thôn Cu Tài 1, xã A Bung, huyện Đakrông, chia sẻ: Ban đầu khi nhận được thông báo về việc đăng ký lớp học, tôi cứ chần chừ mãi. Sinh ra và lớn lên ở A Bung nhưng từ trước tới nay, tôi chưa bao giờ ngồi vào khung cửi.

Được nhiều người động viên, tôi đã đăng ký tham gia và qua một tháng học nghề, tôi đã nắm được cơ bản các kiến thức về dệt thổ cẩm. Tôi mong sau khóa học này mình có thể tự dệt những bộ trang phục thổ cẩm thật đẹp cho bản thân và những người trong gia đình; xa hơn nữa là mong những sản phẩm thổ cẩm A Bung được nhiều người biết đến để chúng tôi có thêm thu nhập và duy trì nghề truyền thống của dân tộc mình.

Còn với chị Đoàn Thị Nga, thôn A Bung - nghệ nhân được mời dạy lớp học nghề dệt thổ cẩm này - lại có cảm giác tự hào. Bởi lẽ, chị là người gắn bó với dệt thổ cẩm từ nhỏ. Niềm yêu thích thổ cẩm khiến chị luôn trăn trở về việc giữ nghề, phát triển nghề và truyền nghề cho lớp trẻ.

“Tôi sẽ nỗ lực hết mình để truyền đạt kiến thức, kỹ năng có được cho các học viên. Mong muốn của tôi là học viên sau khi học xong đều có thể dệt được tấm thổ cẩm đẹp và trong tương lai, thổ cẩm A Bung ngày càng phát triển để góp phần bảo tồn nghề truyền thống của cha ông”, chị Nga chia sẻ.

Nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số rất đa dạng, tạo ra nhiều sản phẩm không chỉ đơn thuần là trao đổi thương mại mà còn có giá trị về văn hóa và lịch sử. Theo bà Cáp Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đakrông, người dân tộc thiểu số luôn có ý thức bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc mình. Đa phần học viên dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân đều tham gia rất hào hứng.

“Tuy nhiên, để bảo tồn các nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề còn cần đến nhiều giải pháp đồng bộ khác, trong đó cần chú trọng đến việc đưa các sản phẩm truyền thống trở thành hàng hóa và ổn định đầu ra cho sản phẩm”, bà Vân cho biết.

Thủy Ba

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/day-nghe-de-giu-nghe-truyen-thong/181782.htm