Đẩy nhanh các dự án trọng điểm, cấp bách

Hạ tầng giao thông là lĩnh vực được TP Hồ Chí Minh tập trung ưu tiên đầu tư, xây dựng. Ngay sau khi Nghị quyết số 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) có hiệu lực từ tháng 8-2023 đến nay, ngành giao thông TP Hồ Chí Minh đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khởi động nhiều dự án, tạo được bước chuyển biến rõ rệt về hạ tầng giao thông.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Phát triển hạ tầng giao thông luôn đối diện với nhiều thách thức, khó khăn. Ngành giao thông TP Hồ Chí Minh đã giải quyết vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Công Bằng: Phát triển hạ tầng giao thông ở một đô thị lớn, có tính đặc thù như TP Hồ Chí Minh quả thực có rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, nguồn vốn, tiến độ... Những năm qua, có không ít dự án chậm tiến độ, khó triển khai theo quy hoạch, nguồn vốn giải ngân chậm... Nghị quyết 98 đã tạo động lực, có tác động rất lớn, mở ra không gian, điều kiện để TP Hồ Chí Minh phát triển hạ tầng giao thông. Nhờ công tác chuẩn bị từ trước nên sau hơn 5 tháng kể từ khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, tình hình về phát triển hạ tầng giao thông của thành phố đã có nhiều tín hiệu mới, sôi động hơn khi hàng loạt dự án, công trình khởi động trở lại, nhiều dự án hoàn thành...

Đường Võ Nguyên Giáp, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh được đầu tư, mở rộng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.Ảnh: Phạm Thọ

Sở Giao thông vận tải thành phố đã tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt 125 dự án giao thông, đẩy nhanh tiến độ nhiều dự án trọng điểm, gỡ vướng cho nhiều dự án bị chậm tiến độ như: Cầu đường Nguyễn Khoái, cầu Cần Giờ, mở rộng đường Nguyễn Thị Định, Vĩnh Lộc... Các đơn vị đã hoàn thành 4 dự án giao thông cấp bách: Mở rộng đường Lê Văn Chí, xây cầu Long Kiểng, Vàm Sát 2, Long Đại; hoàn thiện hồ sơ, tham mưu cho UBND thành phố trình HĐND TP Hồ Chí Minh thông qua 15 dự án hạ tầng giao thông với tổng kinh phí đầu tư 56.000 tỷ đồng, chuẩn bị khởi công trong năm 2024...

PV: Nghị quyết 98 mở ra nhiều chính sách, cơ chế đặc thù nhưng điều đó chưa đủ, điều gì đã giúp mang lại những kết quả đáng ghi nhận trên, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Công Bằng: Nghị quyết 98 mang lại động lực, cơ hội nhưng nếu không có sự quyết tâm, phương pháp vận dụng, triển khai thì sẽ khó mang lại kết quả. Để có kết quả trên, trước hết là nhờ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp TP Hồ Chí Minh đối với phát triển giao thông đô thị, coi đây là lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn để ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Hơn nữa, thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát động chiến dịch, phong trào thi đua cao điểm ở từng dự án, thực hiện kế hoạch giải ngân vốn hạ tầng giao thông... Ngành giao thông TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc quyết liệt, phát huy vai trò tham mưu, phân công, phân nhiệm cụ thể và phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, địa phương trong giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thủ tục liên quan dự án; phát động phong trào thi đua ở mỗi công trình, dự án...

PV: Theo lộ trình, mức độ ưu tiên thì các dự án, nhóm dự án nào được triển khai, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Công Bằng: Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình gửi UBND TP Hồ Chí Minh về kế hoạch đầu tư phát triển các dự án, công trình trọng điểm, chiến lược ngành giao thông vận tải tập trung thực hiện trong giai đoạn 2024-2030 với 59 dự án, tổng số vốn 231.000 tỷ đồng. Để thực hiện hiệu quả các dự án, ngành giao thông thành phố sẽ ưu tiên triển khai các dự án có tính cấp bách, đóng vai trò đáp ứng nhu cầu giao thông liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị, tạo xung lực mới cho TP Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cụ thể, nhóm đường cao tốc gồm 4 dự án: TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài; TP Hồ Chí Minh-Chơn Thành; nâng cấp mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; mở rộng đường dẫn cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương; nhóm quốc lộ có 3 dự án được nâng cấp, cải tạo: Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 1A... Thành phố ưu tiên đầu tư 25 dự án tuyến đường trục chính, xuyên tâm; 1 dự án đường trên cao số 5 đoạn từ nút giao Trạm 2 đến nút giao An Sương; 4 dự án đường thủy... Có thể nói, trong những năm tới, số lượng dự án được triển khai nhiều nhất so với các giai đoạn trước đây, lúc đó, TP Hồ Chí Minh sẽ giống như một đại công trường khi các dự án được đồng loạt thi công.

PV:Giải quyết bài toán nguồn vốn đầu tư rất lớn cho các dự án giao thông được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Phan Công Bằng: Tôi xin chia sẻ thêm, 59 dự án với nhu cầu vốn hơn 231.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách thành phố dự kiến khoảng 156.560 tỷ đồng (khoảng 67,8%); vốn huy động kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) dự kiến 70.126 tỷ đồng (khoảng 30,4%); vốn ngân sách Trung ương dự kiến 4.361 tỷ đồng (khoảng 1,9%).

Để giải quyết nguồn vốn này, UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện Đề án huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023-2030 và cân đối nguồn thu ngân sách để lại cho thành phố theo quy định để ưu tiên cân đối, bố trí đủ vốn nhằm thực hiện các dự án theo kế hoạch trên. Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh trong việc huy động, thu hút nguồn vốn, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ, đẩy nhanh triển khai các dự án theo quy hoạch để bảo đảm nguồn vốn đầu tư cho các dự án giải ngân hiệu quả, đúng tiến độ, bảo đảm công trình đạt chất lượng, an toàn, phục vụ nhu cầu phát triển của TP Hồ Chí Minh.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

ĐẶNG TRUNG KIÊN (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/day-nhanh-cac-du-an-trong-diem-cap-bach-762237