Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Quảng Trị, nông nghiệp, nông thôn có vai trò quan trọng. Tỉnh xác định phát triển kinh tế dựa trên các trụ cột chính là công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp và du lịch - dịch vụ; trong đó nông nghiệp tiếp tục là 'bệ đỡ' của nền kinh tế, công nghiệp năng lượng là hướng đột phá và du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong những năm qua, sản xuất nông, lâm và thủy sản của tỉnh có chuyển biến tích cực, giá trị tăng bình quân 3,82%. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, liên kết hợp tác. Chăn nuôi chuyển mạnh sang hình thức trang trại, gia trại, thâm canh bán công nghiệp gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

Lâm nghiệp từng bước phát huy lợi thế; trồng rừng kinh tế, nhất là trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC phát triển mạnh, thuộc nhóm dẫn đầu cả nước; rừng tự nhiên được quan tâm bảo vệ. Kinh tế biển được chú trọng, thủy sản phát triển cả về nuôi trồng, đánh bắt và dịch vụ hậu cần nghề cá. Các cơ sở thu mua, chế biến thủy sản, dịch vụ kho cảng phát triển mạnh; hình thành hai trung tâm nghề cá là Cửa Việt và Cửa Tùng.

Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn (NTM) mới được triển khai đồng bộ. Diện mạo khu vực nông thôn ngày càng khởi sắc; kết cấu hạ tầng KT - XH từng bước được đầu tư đồng bộ; phương thức tổ chức sản xuất của người dân thay đổi theo chiều hướng tích cực. Bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.

Toàn tỉnh có 63/101 xã đạt chuẩn NTM, 1 huyện đạt chuẩn NTM và 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có thêm 4 huyện đạt chuẩn NTM và 1 huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 80% số xã đạt NTM; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,5 lần so với năm 2020.

Vấn đề khó khăn đặt ra hiện nay trong phát triển nông nghiệp là địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra thiên tai, các dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tính chuyên môn hóa trong sản xuất chưa cao, các vùng nguyên liệu còn manh mún; chưa phát huy được các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong quá trình phát triển.

Kết quả xây dựng xã đạt chuẩn NTM còn chưa đồng đều giữa các vùng miền; chất lượng đạt chuẩn một số tiêu chí thiếu tính bền vững; công tác quy hoạch, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch có nơi triển khai chậm; nguồn lực đầu tư còn dàn trải và hạn chế; vấn đề nước sạch, nước hợp vệ sinh và xử lý rác thải ở khu vực nông thôn còn nhiều bất cập…

Để đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhiệm vụ, giải pháp được đề ra cho giai đoạn tới là tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ, sinh thái bền vững. Tập trung đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với phát triển các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời cơ cấu lại và đổi mới mô hình phát triển nông nghiệp; tăng cường đầu tư cho ứng dụng khoa học - công nghệ và hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, có khả năng chống chịu cao với thời tiết cực đoan, thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; liên kết theo chuỗi giá trị và có giá trị gia tăng cao; gắn phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM với phát triển du lịch. Phát triển kinh tế rừng và kinh tế dưới tán rừng; phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với quốc phòng, an ninh...

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, nhất là nâng cao năng lực chế biến thủy sản xuất khẩu, xây dựng sản phẩm chủ lực của tỉnh. Phát triển thủy sản trở thành ngành kinh tế hiện đại gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh biển, đảo. Hình thành trung tâm nghề cá lớn tại Cửa Việt và Cửa Tùng; xây dựng đảo Cồn Cỏ thành căn cứ hậu cần nghề cá khu vực. Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả nông nghiệp, nông thôn; thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh giai đoạn 2021-2025.

Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả, theo chuỗi giá trị. Tập trung phát triển diện tích rừng gỗ lớn; xây dựng cơ chế, chính sách, kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, xúc tiến thị trường; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; huy động các nguồn lực, các chính sách khuyến khích về lao động phù hợp với điều kiện địa phương và các điều kiện đảm bảo khác để phấn đấu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm cung cấp nguyên liệu chế biến gỗ rừng trồng của khu vực miền Trung…

Phương Minh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/day-nhanh-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-nong-nghiep-nong-thon/177062.htm