Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Tính tới hết ngày 31/3, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã đã giải ngân được gần 7500 tỷ đồng (đạt 17,3% kế hoạch năm 2020), nên đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án giao thông trọng điểm.

Hình ảnh công trường đang thi công đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long.

Ngày 3/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp trực tuyến với các cơ quan, đơn vị liên quan về tình hình giải ngân vốn đầu tư công và công tác triển khai các dự án giao thông trọng điểm.

Dự buổi làm họp có các đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Nhật; các đồng chí lãnh đạo các cơ quan tham mưu của Bộ. Các đầu cầu trực tuyến là các Ban QLDA thuộc Bộ đang quản lý các dự án đầu tư trọng điểm của ngành GTVT.

Khởi công ngay 8 dự án cao tốc Bắc - Nam khi chuyển hình thức đầu tư

Cuộc họp trực tuyến của Bộ GTVT ngày 3/4/2020.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và đưa ra mục tiêu khởi công 2 dự án nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn của Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong tháng 6/2020, chuyển đổi từ hình thức PPP sang đầu tư công để khởi công 8 dự án cao tốc Bắc - Nam trong tháng 8/2020 và khởi công cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ trong tháng 10/2020.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, đối với các dự án này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội để xin ý kiến. Vì vậy, Bộ GTVT phải bám sát các cơ chế, chỉ đạo của Chính phủ để có những giải pháp hành động kịp thời, không để chậm trễ ngay từ khi được giao. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Vụ Đối tác công tư (PPP) chủ trì, phối hợp với Vụ Kế hoạch – Đầu tư (Bộ GTVT) và cơ quan chức năng trong quá trình tham mưu các văn bản chuyển đổi hình thức đầu tư đối với 8 dự án cao tốc Bắc - Nam và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các Ban Quản lý dự án (QLDA) quy trình chuyển đổi hình thức đầu tư.

Tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các đơn vị liên quan, ban quản lý dự án phải làm ngay việc xác định số lượng gói thầu và đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), hệ thống đường công vụ,... để khi Quốc hội chấp thuận chủ trương, Chính phủ ban hành nghị quyết là khởi công ngay các dự án cao tốc Bắc - Nam trong tháng 8/2020. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong khi chờ ý kiến của cơ quan thẩm quyền về việc chuyển đổi hình thức đầu tư, 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đang triển khai theo hình thức đối tác công tư vẫn phải tuân thủ đúng các chỉ đạo trước đây.

Quyết liệt thi công hoàn thành tiến độ công trình các dự án trọng điểm

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu các Ban QLDA và đơn vị liên quan cần sớm kết thúc công đoạn sơ tuyển nhà đầu tư, hoàn chỉnh hồ sơ mời thầu, mẫu hợp đồng theo hình thức PPP các chủ đầu tư, ban QLDA phải đẩy nhanh tiến độ tối đa đối với những công trình giao thông đang triển khai xây dựng (cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, dự án sửa mặt cầu Thăng Long, cao tốc Cam Lộ - La Sơn,…) và ưu tiên đặc biệt đối với các dự án trọng điểm chuẩn bị khởi công xây dựng.

Đối với Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, dự án này cũng đã được Chính phủ thống nhất báo cáo Quốc hội chuyển sang hình thức đầu tư công.

“Tổng công ty Cửu Long phải phối hợp ngay với địa phương triển khai công tác GPMB, khẩn trương làm việc với đơn vị liên quan thực hiện công tác lựa chọn tư vấn thiết kế, điều chỉnh dự án, nhà thầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.

Đối với hai dự án nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao Ban QLDA Thăng Long (Nội Bài) và Tổng công ty Cửu Long (Tân Sơn Nhất) phối hợp với Vụ KH-ĐT, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) làm việc với các đơn vị liên quan để thực hiện công tác giao thầu toàn bộ các hạng mục.

Về tình hình triển khai 14 dự án giao thông quan trọng, cấp bách sử dụng nguồn vốn ngân sách 15000 tỷ đồng, riêng 10 dự án đường bộ (tổng mức đầu tư: 8000 tỷ đồng) còn một số dự án chậm tiến độ, Bộ trưởng GTVT yêu cầu giám đốc các Ban QLDA phải vào cuộc chỉ đạo sát sao, quyết liệt; Vụ Kế hoạch – Đầu tư (KHĐT) và Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cần tham mưu Bộ GTVT chuyển đổi một số dự án đường bộ đã khởi công của đơn vị làm chậm để giao ban khác thực hiện, dứt khoát chúng ta không chấp nhận tình trạng chậm trễ; Ban QLDA Đường sắt, Ban QLDA 85 cần nỗ lực, tập trung cao độ để khởi công đồng loạt các gói thầu của 4 dự án đường sắt cấp bách (tổng mức đầu tư: 7000 tỷ đồng) trong tháng 5/2020.

Cũng tại cuộc họp, liên quan đến công tác giải ngân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể hoan nghênh và đánh giá cao một số Ban QLDA, chủ đầu tư đã có nhiều chuyển biến trong công tác giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 3/2020. Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, hết tháng 2/2020, Bộ GTVT mới giải ngân được khoảng hơn 2%, trong khi bình quân cả nước khoảng 7,3%. Tuy nhiên với sự nỗ lực của toàn ngành GTVT, đến hết ngày 31/3, Bộ GTVT đã giải ngân được gần 7500 tỷ đồng (đạt 17,3% kế hoạch năm 2020), trong khi bình quân cả nước khoảng 13%.

“Đây là sự cố gắng lớn của các chủ đầu tư, Ban QLDA. Bộ GTVT biểu dương những đơn vị có tỷ lệ giải ngân tốt, nhất là các đơn vị đạt tỷ lệ từ 15% trở lên”, Bộ trưởng nói và yêu cầu các đơn vị có tỷ lệ giải ngân từ 10 - 13% phải khẩn trương chấn chỉnh, đẩy nhanh tiến độ, tập trung giải ngân trong thời gian tới. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo rõ, với những đơn vị giải ngân dưới 10%, Vụ KHĐT sớm tham mưu để Bộ GTVT có văn bản phê bình nghiêm khắc.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các Ban QLDA phải rà soát, xây dựng kế hoạch giải ngân cụ thể từng tháng để tập trung chỉ đạo, dứt khoát không để tình trạng “tháng này vỗ tay, tháng sau méo mặt vì không có gì giải ngân”.

Bài, ảnh: Phong Lê

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/day-nhanh-tien-do-cac-du-an-giao-thong-trong-diem-551969.html