Đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường vành đai

Tuyến đường vành đai 2, 3, 4 được kỳ vọng là các trục giao thông huyết mạch, mang tính chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, giai đoạn 2020-2030. Tuy nhiên, việc triển khai đầu tư xây dựng các tuyến đường này gặp không ít khó khăn. Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực vượt khó, đẩy nhanh tiến độ các dự án theo quy hoạch.

Đoạn 3 tuyến đường Vành đai 2 thuộc (địa bàn quận Thủ Đức) thi công dở dang do gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Nhiều dự án thi công dở dang

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến đường vành đai 2, 3, 4 khi hình thành sẽ giảm áp lực cho các tuyến đường nội đô, cải thiện lưu thông qua các nút đường xuyên tâm; tạo sự đồng bộ, hoàn chỉnh kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy sự phát triển thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh vùng Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tất cả các dự án hoặc đang thi công dang dở, hoặc chưa thể khởi công.

Cụ thể, dự án đường Vành đai 2 có tổng chiều dài hơn 64km, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020. Thế nhưng, hiện tuyến đường mới đưa vào khai thác được 50km (đạt hơn 78% khối lượng) và nếu mọi việc theo đúng tiến độ cũng phải đến năm 2023 mới hoàn thành. Trong khi đó, các đoạn tuyến còn lại đang gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, nhất là đoạn 3 (Phạm Văn Đồng - nút giao Gò Dưa, quốc lộ 1, quận Thủ Đức). Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái (chủ đầu tư đoạn 3) Trần Đức Thắng cho biết: “Sớm nhất thì năm 2021 mới có mặt bằng sạch để thi công, cộng với thời gian thi công thì đến năm 2023 mới khép kín Vành đai 2”.

Đối với dự án đường Vành đai 3 có tổng chiều dài hơn 98km, đi qua địa phận thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, hiện cũng đang gặp khó khăn trên nhiều phân đoạn. Trong đó, đoạn 1 do Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Bộ Giao thông - Vận tải) làm chủ đầu tư, mới hoàn thành các thủ tục ban đầu; đoạn 2 (Tân Vạn - Bình Chuẩn, tỉnh Bình Dương) mới chỉ đưa vào khai thác với quy mô 6/10 làn xe...

Về dự án đường Vành đai 4 có chiều dài khoảng 198km, đi qua địa bàn các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và thành phố Hồ Chí Minh, với tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng, hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao các địa phương liên quan lập dự toán ưu tiên bố trí nguồn lực giai đoạn 2021-2025 để đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng, nguyên nhân chính khiến các dự án bị chậm trễ là do nguồn vốn đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu, trong khi thiếu cơ chế riêng để huy động các nguồn lực xã hội hóa. Ngoài ra, nhiều địa phương thực hiện bồi thường và giải phóng mặt bằng chậm. Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án cũng chưa xử lý rốt ráo việc xác định thời gian hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và lập hồ sơ điều chỉnh dự án.

Gấp rút giải quyết nhiều phần việc

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, để đẩy nhanh tiến độ khép kín đường Vành đai 2, Sở đã kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo UBND quận Thủ Đức khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công. Đối với đường Vành đai 3, Sở kiến nghị UBND thành phố đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải ưu tiên bố trí nguồn vốn trung ương giai đoạn 2021-2025 để giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng.

"Riêng tuyến Vành đai 4, thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, Bộ Giao thông - Vận tải đồng chủ trì tổ chức hội nghị để cùng lãnh đạo các bộ, ngành và UBND các tỉnh có dự án đi qua thống nhất phương án, kế hoạch đầu tư, xác định ranh giới giải phóng mặt bằng, nguồn vốn đầu tư để triển khai xây dựng sau năm 2025", ông Trần Quang Lâm thông tin thêm.

Theo Tiến sĩ, kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng thành phố Hồ Chí Minh, nguồn vốn đầu tư vào các tuyến đường vành đai rất lớn nên việc huy động các hình thức đầu tư khác nhau để thu hút vốn là giải pháp quan trọng. Do đó, chính quyền các địa phương có dự án đi qua cần thống nhất, sớm kiến nghị Trung ương tạo cơ chế riêng để huy động các nguồn lực từ xã hội.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép thành phố sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn lực tài chính hợp pháp khác hoặc huy động theo phương thức đối tác công tư (PPP) để gấp rút giải quyết nhiều phần việc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đường vành đai 2, 3, 4.

Hà Phạm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/984447/day-nhanh-tien-do-cac-tuyen-duong-vanh-dai