Đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp xử lý vướng mắc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức BOT vào cuối tháng 7 vừa qua. Ngay những ngày đầu tháng 8 này, các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Tiền Giang đã tập trung họp bàn, khẩn trương tháo gỡ, giải quyết nhiều nội dung công việc để thúc đẩy dự án đúng cam kết thông tuyến vào năm 2020, khánh thành đưa vào sử dụng năm 2021.

Cán bộ, công nhân bám công trường để tiếp tục dồn sức đẩy nhanh thi công bảo đảm tiến độ đề ra.. Ảnh: ANH TUẤN

Cán bộ, công nhân bám công trường để tiếp tục dồn sức đẩy nhanh thi công bảo đảm tiến độ đề ra.. Ảnh: ANH TUẤN

NDĐT - Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp xử lý vướng mắc dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức BOT vào cuối tháng 7 vừa qua. Ngay những ngày đầu tháng 8 này, các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh Tiền Giang đã tập trung họp bàn, khẩn trương tháo gỡ, giải quyết nhiều nội dung công việc để thúc đẩy dự án đúng cam kết thông tuyến vào năm 2020, khánh thành đưa vào sử dụng năm 2021.

Tín hiệu mới trên công trường

Những ngày này, trên công trường dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không khí rộn ràng tiếng động cơ hoạt động, hàng chục cán bộ, công nhân bám công trường để tiếp tục dồn sức đẩy nhanh thi công bảo đảm tiến độ đề ra.

Anh Nguyễn Thanh Lộc, công nhân Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả phấn khởi cho biết: Những ngày vừa qua, anh em công nhân chúng tôi hy vọng thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm “đường găng” của dự án. Về mặt lương thưởng thì Công ty thực hiện đúng với cam kết theo hợp đồng, tính đến hôm nay thì chưa nợ chúng tôi một ngày lương nào.

Tại gói xây lắp số 6 dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận với hơn 80 công nhân, khoảng 30 đầu thiết bị, mấy ngày qua, các mũi thi công vẫn làm việc liên tục. Hàng chục nghìn mét khối cát được tập trung để san lấp nền đường, và vật liệu để thi công phần móng ba cây cầu. Theo đại diện công ty thi công thì hiện gói thầu đạt tiến độ khoảng 25%.

Ông Nguyễn Thế Hải, Trưởng tư vấn giám sát thuộc Công ty CP tư vấn xây dựng công trình 625 cho biết: Hiện nay trên tuyến một số đoạn đã được triển khai các hạng mục tiếp theo, một số khác thì đang triển khai công tác chuẩn bị vật liệu, thiết bị tập trung về chân công trình để chuẩn bị thi công. Có thể thấy không khí trên công trường nhộn nhịp trở lại, 21 gói thầu đang dồn sức tăng tốc.

Việc giải quyết các vướng mắc về thủ tục, nguồn vốn đang tiến triển tốt, nhờ đó tiến độ thi công trên công trường cũng chuyển biến tích cực, đạt hơn 25%. Sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các ngành, các cấp đang là động lực lớn để đưa công trình sớm về đích.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ tại thông báo số 99/TB-VPCP ngày 18-3-2019, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và UBND tỉnh Tiền Giang cùng với nhà đầu tư và các cơ quan có liên quan đã khẩn trương bàn giao cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án và thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; chỉ đạo hoàn thành 99,34% khối lượng công tác giải phóng mặt bằng, tiếp tục thi công xây dựng công trình đạt khoảng 25% giá trị khối lượng, tăng 10% so với trước khi chuyển giao cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Tháo gỡ khó khăn, đưa dự án về đích

Ngay tại buổi làm việc ngày 1-8 ở Tiền Giang, các bộ, ngành liên quan cùng với UBND tỉnh và doanh nghiệp nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho rằng, dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long với TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía nam.

Do đó các bên có liên quan cần thống nhất cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ công trình theo cam kết. Nhất là, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại liên quan cần vào cuộc để kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết nguồn vốn tín dụng cho vay theo quy định, kiên quyết không để công trình thêm một lần “lỗi hẹn”.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp ngày 30-7 vừa qua, UBND tỉnh Tiền Giang cùng các bên liên quan cùng ngồi lại với nhau thảo luận, giải quyết rốt ráo những vướng mắc thủ tục đầu tư xây dựng liên quan đến thẩm định thiết kế, thiết kế cơ sở, đơn giá vật liệu, phê duyệt tổng mức đầu tư.

Ông Mai Mạnh Hồng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết: “Hiện chỉ còn hai vướng mắc còn lại là xử lý nền đất yếu và xử lý kết cấu mặt đường để ổn định kết cấu mặt đường cũng như giảm thời gian thi công, bảo đảm tiến độ thông tuyến vào năm 2020 và năm 2021 hoàn thành đưa vào sử dụng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Theo đại diện UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, tính đến ngày 1-8, trên cơ sở thống nhất giữa các bên liên quan, tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh lên khoảng 12.500 tỷ đồng, tăng hơn 2.800 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư dự án theo Quyết định số 1700 ngày 15-6-2017 của Bộ GTVT, đồng thời đến ngày 15-8-2019 sẽ trình duyệt thiết kế bản vẽ thi công.

Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng hơn 2.800 tỷ đồng được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Viện Kinh tế, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải thẩm định, thông qua. Tỉnh Tiền Giang đang dốc toàn lực phê duyệt điều chỉnh dự án để chuẩn bị ký phụ lục hợp đồng vào ngày 10-8.

Trước đó, từ khi chuyển đổi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông vận tải về UBND tỉnh Tiền Giang (22-3-2019), địa phương đã phối hợp cùng doanh nghiệp dự án trao đổi, giải quyết kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc triển khai dự án. Các kiến nghị, đề xuất hợp lý của doanh nghiệp đã được tỉnh xem xét, giải quyết. Cùng với đó, tỉnh quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao đất sạch cho doanh nghiệp kịp thời triển khai dự án.

Để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Tiền Giang đã ứng ngân sách địa phương năm 2019 với số tiền là 278,15 tỷ đồng chi trả đền bù cho các hộ dân. Nhờ vậy, tỉnh đã bàn giao 50,77 km/51,1 km mặt bằng, đạt 99,34%. Hiện còn lại 330 m đường chưa bàn giao mặt bằng, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các địa phương vận động 44 hộ dân còn lại nhận tiền đền bù, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Sau khi giải quyết và thống nhất xong các nội dung về điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án, tỉnh Tiền Giang sẽ có quyết định điều chỉnh dự án. Tiếp đó, tỉnh sẽ cùng doanh nghiệp làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án cùng giải quyết vướng mắc lớn nhất về vốn tín dụng. Lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang quyết tâm sẽ hoàn thành 100% công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 8-2019 để bàn giao dứt điểm toàn bộ mặt bằng cho DN dự án.

“Hy vọng cuộc làm việc mới đây sẽ giải quyết được tất cả các vướng mắc của dự án về vốn để tập trung triển khai thực hiện bảo đảm về đích đúng tiến độ đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có quy mô chiều dài toàn tuyến 51,1 km giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT. Xây dựng giai đoạn I có bề rộng nền đường 17m, bốn làn xe cơ giới, 39 cầu trên tuyến chính, bốn cầu trong nút giao liên thông, năm cầu vượt trực thông, một cầu trên tuyến tránh ĐT. 868 Cai Lậy, hai cầu trên tuyến nối nút giao Cái Bè.

Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (huyện Châu Thành) tại Km 49+602 và điểm cuối ở nút giao với Quốc lộ 30 tại Km 100+750 theo lý trình dự án. Dự án ảnh hưởng đến 3.292 hộ phải giải tỏa với tổng số tiền đầu tư giải phóng mặt bằng khoảng 1.689 tỷ đồng.

TỪ ANH TUẤN - LÊ ĐỨC NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41096402-day-nhanh-tien-do-du-an-cao-toc-trung-luong-my-thuan.html