Đẩy nhanh tiến độ liên thông kết quả xét nghiệm

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, đến nay đã có 28 bệnh viện (BV) tuyến Trung ương được thí điểm thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm. Đến hết năm 2018, Bộ Y tế sẽ tổng kết các bệnh viện đã làm thí điểm, đồng thời sẽ tìm hiểu xem khả năng có thể nhân rộng và đẩy nhanh tiến độ hay không.

Cần sớm đẩy nhanh kết quả liên thông xét nghiệm giữa các BV.

Đang trong quá trình đánh giá

Theo ThS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, liên thông xét nghiệm thực chất là việc cơ sở khám chữa bệnh này công nhận và có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh khác trong một số trường hợp xét nghiệm đó có giá trị sử dụng trong một thời gian và trên cơ sở tình trạng người bệnh. Thực hiện được điều này có nghĩa là một số xét nghiệm sau khi đã có kết quả có thể được cơ sở khám chữa bệnh khác sử dụng để chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh, giúp tiết kiệm chi phí thực hiện xét nghiệm trong một số trường hợp. Theo đó, điều kiện tất yếu để thực hiện quá trình liên thông kết quả xét nghiệm là phải tiến hành đánh giá được chất lượng xét nghiệm dưới sự giám sát của các đánh giá viên có giấy chứng nhận của Bộ Y tế. Từ đó, phải công bố được mức chất lượng sau khi tiến hành kiểm tra. Mức chất lượng đó phải đạt được các yêu cầu, đủ điều kiện, tối thiểu phải đạt được mức 1 – mức có thể chấp nhận được trong quá trình xét nghiệm.

Để thực hiện được lộ trình này thì trong năm 2018, Bộ Y tế sẽ tiến hành đánh giá toàn bộ mức độ xét nghiệm ở các phòng xét nghiệm tại các BV hạng 1. Sẽ có kiểm tra về việc thực hiện liên thông đối với những xét nghiệm đã được công bố trong danh mục, bởi số lượng các phòng xét nghiệm trên cả nước là rất lớn (ước tính trên toàn quốc có tới khoảng 3000 phòng). Việc kiểm tra đối với các phòng xét nghiệm ở các BV có sử dụng kết quả xét nghiệm của các đơn vị khác hay không thì đây là một nội dung trong kiểm tra BV, sẽ có kiểm tra và đánh giá cụ thể.

Ông Khoa cho hay, theo lộ trình Đề án 316 của Chính phủ về liên thông kết quả xét nghiệm, chậm nhất năm 2018 sẽ liên thông kết quả xét nghiệm với các BV hạng 1, hạng đặc biệt. Đến năm 2020, liên thông phòng xét nghiệm cùng mức chất lượng trong phạm vi mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đến năm 2025 sẽ áp dụng tới các phòng xét nghiệm trên toàn quốc.

Nhiều lợi ích

Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng cho biết, hằng năm, chỉ tính riêng số lượt xét nghiệm của các BV đã có khoảng 250 triệu lượt xét nghiệm hóa sinh, hơn 200 triệu lượt xét nghiệm huyết học và khoảng 25 triệu lượt xét nghiệm vi sinh. Tỉ lệ tăng trưởng trong khối xét nghiệm trung bình khoảng 10% mỗi năm.

“Theo đánh giá của chúng tôi, liên thông xét nghiệm mang lại nhiều lợi ích về chất lượng, tài chính cũng như giảm chờ đợi phiền hà. Khi xét nghiệm có độ tin cậy cao hơn, cơ sở khám chữa bệnh này có thể sử dụng kết quả xét nghiệm của cơ sở khám chữa bệnh khác, một số xét nghiệm không phải làm lại sẽ tránh được lãng phí. Chỉ cần giảm được 1% số xét nghiệm thì mỗi năm chỉ tính riêng số xét nghiệm không phải thực hiện tại các BV đã là khoảng 4,75 triệu lượt. Nếu tính trung bình mỗi xét nghiệm có giá 50.000 đồng thì chúng ta đã tiết kiệm được khoảng 237,5 tỉ đồng” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho hay.

Hiện Việt Nam có hơn 50 phòng xét nghiệm đã đạt chứng chỉ ISO 15189, trong đó khoảng 50% thông qua sự hỗ trợ của Bộ Y tế và CDC Hoa Kỳ. Việc ban hành Tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm được coi là một chuẩn chung của ngành y tế dành cho phòng xét nghiệm y học. Hiện nay, Việt Nam cũng đã lấy tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189 làm tiêu chuẩn Việt Nam cho phòng xét nghiệm. Tuy vậy, để cho tất cả các phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189 là khó khả thi. Vì thế để tiến hành liên thông có hiệu quả, chất lượng xét nghiệm phải được bảo đảm độ chính xác và độ tin cậy. Do đó, Bộ Y tế cần xây dựng tiêu chí đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm y học; đánh giá mức chất lượng phòng xét nghiệm; danh mục xét nghiệm có thể liên thông.

Cũng theo đánh giá của Cục Quản lý khám chữa bệnh, chất lượng xét nghiệm giữa các cơ sở điều trị và giữa các tuyến điều trị hiện nay nhìn chung chưa đồng đều. Chất lượng xét nghiệm thường tốt hơn ở các BV tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và còn hạn chế ở BV tuyến dưới. Cùng với đó, các BV viện tư nhân cũng phải tham gia liên thông và cũng được đánh giá chất lượng để thực hiện liên thông.

Người dân đang kỳ vọng việc đẩy nhanh quá trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các BV trong tương lai sẽ giúp người bệnh được sử dụng những dịch vụ y tế tốt hơn, giảm bớt gánh nặng chi phí, quá tải BV và tiết kiệm thời gian trong quá trình khám, chữa bệnh.

Xuân Thủy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/suc-khoe/day-nhanh-tien-do-lien-thong-ket-qua-xet-nghiem-tintuc421676