Dây phơi tết bằng tóc

Nhiều du khách đến thăm khu trưng bày về chủ đề đấu tranh trong tù của các chiến sĩ cộng sản, giai đoạn 1954-1975, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bày tỏ sự xúc động và cảm phục khi được nghe thuyết minh về chiếc dây phơi quần áo làm từ tóc, được kể lại bởi chính chủ nhân-bà Nguyễn Thị Dung-một trong những chiến sĩ cộng sản bị giam giữ tại Nhà tù Côn Đảo.

Bà Nguyễn Thị Dung sinh năm 1932, tại xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và sớm tham gia cách mạng. Năm 1970, sau khi bị đưa đi giam cầm tại Nhà tù Côn Đảo lần thứ hai (lần đầu tiên vào năm 1968), bà Dung bị giam giữ trong “chuồng cọp” với điều kiện sống vô cùng khắc nghiệt. Những nữ tù nhân bị giam giữ ở đây trong 3 tháng không được tắm, nước cho sinh hoạt hằng ngày bị cắt đến mức thấp nhất. Hằng ngày, mỗi nữ tù nhân chỉ được phát hai lon nước nhỏ để uống và không có nước để vệ sinh cá nhân. Ánh nắng mặt trời không thể lọt vào trong "chuồng cọp" nên quần áo không khô được và “chuồng cọp” luôn nồng nặc mùi xú uế. Để vượt qua việc thiếu nước trầm trọng, những nữ tù nhân đã nghĩ ra một phương thức “tắm hơi” đặc biệt. Lợi dụng sức nóng từ những thanh sắt hấp thụ nhiệt trong "chuồng cọp", các nữ tù nhân dùng nilon quấn quanh cơ thể để mồ hôi tiết ra và dùng chính mồ hôi đó để “tắm khan”.

 Dây phơi tết bằng tóc mà bà Nguyễn Thị Dung dùng những năm bị giam cầm trong ngục tù đế quốc.

Dây phơi tết bằng tóc mà bà Nguyễn Thị Dung dùng những năm bị giam cầm trong ngục tù đế quốc.

Vì thiếu nước nên hầu hết chị em đều cắt tóc ngắn. Phần tóc ngắn khi cắt xong được chị em gom lại, bó thành chổi; phần tóc dài hơn được dùng để tết thành dây phơi quần áo. Chiếc dây phơi quần áo dài hơn 3m được bà Dung sử dụng gần như suốt thời gian bà bị giam cầm ở Côn Đảo.

Từ tháng 5-1974, bà Dung bị đưa đến giam ở nhiều nhà tù khác, như: Chí Hòa, Thủ Đức, Tân Hiệp, Hố Nai…, nơi bà và những nữ tù nhân khác đã chiến đấu dũng cảm, quyết không bị khuất phục trước kẻ thù. Cuối năm 1974, ngụy quyền phải trả tự do cho bà tại Lộc Ninh và từ đó, bà giữ mãi chiếc dây phơi như một kỷ vật quý. Năm 1988, bà trao tặng chiếc dây phơi đặc biệt này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Bài và ảnh: PHẠM THU HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/day-phoi-tet-bang-toc-546444