Dạy sao cho bé từ bỏ thói ăn cắp vặt?

Ăn cắp vặt là một thói quen rất xấu. Ngay từ khi con còn bé, nếu cha mẹ không rốt ráo răn dạy trẻ từ bỏ tật xấu đó, lớn lên, trẻ sẽ khó bỏ và rất dễ trở thành một người xấu.

Cô bé con gái chị bạn tôi rất xinh xắn, cháu học cũng khá, nói năng lễ phép nhưng cháu có một tật rất xấu là thói ăn cắp vặt. Chị bạn bảo nhiều khi xấu hổ đến nhục nhã vì con bé. Gia đình chị khá giả, không để cho con bé phải thiếu thốn nhưng cứ đi đâu thấy cái gì hay mắt là kiểu gì cũng lấy trộm của người ta cho bằng được. Lắm khi nó sang chơi nhà hàng xóm, lấy cắp cả chiếc điều khiển tivi. Thấy cái móc khóa xe hình con thú bông xinh xinh là lấy cả chùm chìa khóa ném đi rồi chỉ giữ lại một con thú bông.

Thói ăn cắp vặt ở con trẻ bắt nguồn từ bản năng tham lam. Nếu không được uốn nắn kịp thời, cái bản năng ấy càng lớn càng phát triển mạnh mẽ lấn át lý trí và trở thành một thói quen, thành bệnh mãn tính. Người có tính ăn cắp vặt nhìn thấy bất cứ đồ vật gì của người khác họ cũng muốn chiếm lấy làm của riêng. Lúc đó họ không phân biệt được tốt xấu và không cảm thấy xấu hổ hay sợ hãi.

Thói ăn cắp vặt ở trẻ có thể bỏ được nếu các bậc làm cha làm mẹ ôn tồn dạy bảo

Tôi có một cô bạn gái, cô có thói tắt mắt từ bé. Cô lấy trộm đồ của tất tần tật những ai quen biết thân sơ với cô. Ai cũng xa lánh và coi thường cô. Chính cô ấy cũng thấy bản thân mình tự rẻ rúng mình, nhưng cô bảo cô không thể từ bỏ được thói quen ấy. Nó cứ như ma ám, không lấy được thì ấm ách khó chịu.

Hãy quan sát con trẻ thật kỹ, thấy con mình có những đồ vật lạ thì lập tức nhẹ nhàng hỏi rõ nguồn gốc căn nguyên. Thói ăn cắp vặt ở trẻ có thể bỏ được nếu các bậc làm cha làm mẹ ôn tồn dạy bảo, phân tích cho trẻ thấy đúng sai, thấy việc ăn cắp là một thói quen rất xấu, ảnh hưởng đến người khác và có thể vi phạm pháp luật.

Đừng lơ là và du di cho trẻ từ những thói quen nhỏ nhặt. Thực ra ăn cắp vặt cũng hình thành từ thói ích kỷ của bản thân đứa trẻ. Nó không hề biết đến nỗi đau, nỗi buồn của người bị mất cắp. Sự ích kỷ càng lớn thì thói quen ăn cắp cũng càng lớn.

Ngay từ khi con còn bé, nếu cha mẹ không răn dạy trẻ từ bỏ tật xấu ăn cắp vặt, lớn lên, trẻ sẽ rất dễ trở thành người xấu.

Ngay từ khi trẻ còn tấm bé, cha mẹ, ông bà phải chỉ bảo cho trẻ thấy cái gì của mình mới được dùng, của người khác nếu chưa được sự đồng ý thì nhất định không được lấy hoặc cầm về. Đồ chơi ở trường, lớp học hoặc của bạn khi muốn dùng phải hỏi, dùng xong, chơi xong phải để đúng nơi đúng chỗ. Lắm bậc cha mẹ tham lam, thấy đồ chơi đẹp ở lớp hoặc nhà hàng xóm, trẻ cầm về cứ lơ đi. Hành động đó chính là thúc đẩy mầm mống tắt mắt ăn cắp vặt ở trẻ.

Mọi hành vi, thói quen xấu đều có thể giảm thiểu hoặc loại bỏ nếu cha mẹ thật sự quan tâm và dành nhiều thời gian cho con cái của mình. Đừng để lòng tham hoặc sự dễ dãi lơ là dạy bảo làm hỏng đi nhân cách của trẻ sau này chỉ vì một thói quen không được cha mẹ dạy bảo từ tấm bé.

LOAN NGẪN

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/day-sao-cho-be-tu-bo-thoi-an-cap-vat-18244.html