Dậy sóng Biển Azov: Đẩy Nga, Ukraine bên bờ vực?

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine tại Biển Azov đã leo thang trong những tháng gần đây.

Ukraine đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực biển Azov. Hội đồng quốc phòng và an ninh Ukraine đã nhóm họp vào ngày 7/9 và nhất trí thực hiện nhiều bước đi tăng cường khả năng chiến đấu của nước này tại Azov, bao gồm việc tạo ra một lực lượng hải quân được trang bị tên lửa nhằm đối phó các cuộc tấn công đổ bộ và các vụ bắn phá bờ biển. Những chiếc tàu chiến bọc thép Gurza-M của Ukraine đã được đưa vào để thúc đẩy năng lực trên biển của các lực lượng Ukraine được triển khai trong khu vực.

Nga và Ukraine đều có quyền hoạt động tại Biển Azov theo “Hiệp định giữa Liên bang Nga và Ukraine về hợp tác trong việc sử dụng biển Azov và eo biển Kerch”, tuy nhiên, tài liệu này không xác định bất kỳ đường biên giới chính xác nào. Các bên chỉ nhất trí rằng Biển Azov và eo biển Kerch là vùng biển nội bộ của cả Ukraine và Nga.

Cây cầu Crimea đã khiến quan hệ Nga - Ukraine thêm căng thẳng. (Nguồn: RT)

Từ năm 2014 đến nay, Ukraine chỉ trích việc Nga sáp nhập Crimea và nhấn mạnh quyền của họ trong việc bắt giữ bất kỳ tàu nào di chuyển đến hoặc đi từ Crimea mà không có sự cho phép của Kiev.

Ukraine cũng đang kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với các hải cảng tại Biển Đen của Nga, chỉ trích việc Nga được cho là đã phong tỏa Biển Azov. Theo Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine, từ ngày 29/4 đến 9/7, Nga đã giữ tổng cộng 93 tàu thuyền đi-đến Ukraine qua eo biển Kerch - nối Biển Đen với Biển Azov - để kiểm tra mà không có lý do đặc biệt nào. Còn Nga cũng đã thông báo về một số vụ việc Kiev chặn giữ các tàu Nga. Vào ngày 24/ 3, lực lượng Ukraine đã ngăn chặn một chiếc tàu đánh cá treo cờ Nga và đăng kí tại Crimea tại Biển Azov. Các nhà chức trách Ukraine bị tố là đã thẩm vấn và ngược đãi thành viên phi hành đoàn. Các thủy thủ bị giam giữ cuối cùng cũng được tự do trở về Crimea mà không có hộ chiếu. Tháng trước, tàu chở dầu Mekhanik Pogodin của Nga cũng đã bị giam giữ tại cảng Kherson của Ukraine.

Mỹ cứng rắn tại Azov

Theo cây viết Peter Korzun cho Strategic Culture, Mỹ đang nghiêng hẳn về một phía trong những căng thẳng này. Washington đang tính tới một số lựa chọn quân sự để hỗ trợ Ukraine, bao gồm các ý tưởng như sử dụng tàu chiến của lực lượng NATO để bảo vệ tuyến đường vận chuyển, khai thác biển Azov, hoặc sử dụng tàu tấn công nhanh để bao vây một nhóm lực lượng hải quân lớn của Nga ở mọi hướng – chiến thuật bầy sói do Đô đốc Đức Karl Dönitz phát minh trong Thế chiến II. Thực tế là những ý tưởng như vậy đã được đưa ra và đang cho thấy những cách thức Mỹ có thể hỗ trợ cho Ukraine.

Stephen Blank của Hội đồng chính sách đối ngoại của Mỹ, một chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Nga, tin rằng chính quyền Mỹ “nên gửi (cho Ukraine -pv) các tên lửa chống tàu phù hợp với các hệ thống tên lửa chống tàu US-AGM-84 Harpoon Block II, AGM-158C LRASM A hay Tên lửa NSM do Na Uy phát triển", cũng như "một bệ phóng khởi động khả thi và một hệ thống xác định mục tiêu, đặc biệt là radar". Stephen Blank cho rằng điều này nên được thực hiện ngay bây giờ và không chậm trễ. Bài báo của ông được Hội đồng Đại Tây Dương công bố vào ngày 7/9. Trong một bài viết khác, ông Blank cũng kêu gọi cung cấp cho Ukraine các tàu cũ đã ngừng hoạt động hoặc sắp nghỉ hưu. Tháng trước, Mykola Bielieskov- một chuyên gia hàng đầu của Viện Chính sách Thế giới, kêu gọi nhanh chóng thông qua thủ tục chuyển cho Ukraine tên lửa chống tàu Harpoon Block II ER + để bảo đảm Ukraine có khả năng tấn công các tàu Nga. Ý tưởng cung cấp cho Ukraine các tàu bảo vệ bờ biển lớp Island cũng đang được Chính phủ Mỹ xem xét. Vào ngày 1/9, Đại diện đặc biệt của Mỹ về đàm phán Ukraine Kurt Volker nói rằng chính quyền Mỹ “sẵn sàng mở rộng nguồn cung vũ khí cho Ukraine để xây dựng lực lượng hải quân và không quân của nước này.”

Thời điểm cho đối thoại

Theo cây viết Peter Korzun, các cường quốc chưa thể giúp cải thiện cuộc sống của những người bình thường ở Ukraine. Cuộc bầu cử tổng thống nước này sẽ được tổ chức vào tháng 3/2019 và việc viện dẫn một mối đe dọa là cần thiết để giải thích những điều Kiev còn chưa đạt được. Nền kinh tế và tài chính của Ukraine vẫn chưa có nhiều tín hiệu cải thiện đáng kể.

Không ai muốn xảy ra xung đột vũ trang trong vùng biển Azov. Nhiều quốc gia quan tâm đến việc bảo vệ quyền đi lại tự do, cho phép các tàu đến các cảng đích của họ mà không gặp rủi ro hoặc chậm trễ. Khu vực này không phải là một điểm nóng chớp nhoáng. Nga và Ukraine có thể ngồi xuống bàn tròn để thảo luận các vấn đề gây tranh cãi, trong đó có thỏa thuận năm 2003 quy định các bên nên làm thế nào để giải quyết các tranh chấp của họ, nếu có. Peter Korzun nhận định, những điều trên chưa phải là những gì Bộ Ngoại giao Mỹ đang kêu gọi. Lựa chọn duy nhất mà chính quyền Mỹ đang xem xét là cung cấp cho Ukraine vũ khí để đối phó lại Nga. Và những động thái này có thể đẩy nguy hiểm lên mức cao. Một đốm lửa có thể làm bùng lên một đám cháy lớn bất cứ lúc nào nếu vấn đề không được giải quyết một cách tích cực. Hiện tại là thời điểm thích hợp cho các chuyên gia và các quan chức Nga và Ukraine đặt sự khác biệt của họ sang một bên và bắt đầu nói chuyện để tìm một giải pháp hòa bình cho vấn đề cấp thiết này.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/day-song-bien-azov-day-nga-ukraine-ben-bo-vuc-364024.html