Dạy thêm như một ngành kinh doanh có điều kiện?

Dạy thêm (DT) từng được xem là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (KDCĐK) trong Luật Đầu tư (ĐT) năm 2014. Sau khi luật này hết hiệu lực, hoạt động trên cũng được đưa ra khỏi danh mục KDCĐK. Nay Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đề nghị đưa trở lại như trước, liệu có quản lý được vấn nạn dạy thêm - học thêm (DT-HT) tràn lan như hiện nay?

Dạy thêm là công việc chính đáng, nhưng...

Sáng 20/11, Quốc hội (QH) thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Huy (tỉnh Thái Bình) đã nêu vấn đề DT-HT.

Theo đại biểu (ĐB) Huy, thời gian gần đây tình trạng DT trái quy định có chiều hướng tăng, tạo áp lực lớn cho học sinh (HS), nhất là các em tiểu học, được cử tri quan tâm. Ông Huy dẫn điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT (16/5/2012, gọi tắt TT17) của Bộ GD-ĐT quy định các trường hợp cụ thể không được DT, song tình trạng này vẫn biến tướng, "bào mòn niềm tin" của cử tri, ảnh hưởng tới hình ảnh các nhà giáo chân chính. Cũng theo ĐB này, bài học trên lớp đang lửng lơ, nửa chừng sẽ được tiếp nối ở lớp học thêm (HT). Bài kiểm tra đúng dạng, đúng đề chỉ được hé lộ ở lớp HT... Nhiều gia đình phải "quay cuồng theo lịch HT", trong khi chi phí cho lớp này cũng là khoản tiền lớn của không ít gia đình.

Đại biểu Huy cho rằng, nếu bác sĩ có thể mở phòng khám tư sau giờ hành chính và nhiều người ở những ngành nghề khác có thể làm việc ngoài giờ để tăng thu nhập thì nhà giáo DT cũng là quyền lợi chính đáng. Theo ông Huy, việc HT nếu xuất phát điểm từ nguyện vọng chính đáng của người học thì không đáng bị lên án. Vấn đề cử tri mong muốn là quy định và tổ chức thực hiện việc DT - HT như thế nào cho lành mạnh và đúng quỹ đạo. Đặc biệt, những lớp HT tai tiếng vì "găm bài" và do "gợi mở" đề kiểm tra phải bị xử lý một cách nghiêm khắc, quyết liệt.

Về vấn đề này, ĐB Huy kiến nghị Bộ GD-ĐT cần sửa đổi các quy định liên quan để quản lý hiệu quả, sâu sát, thiết thực, hài hòa lợi ích của HS, phụ huynh (PH) và giáo viên (GV). Bên cạnh đó, cần siết chặt hơn chất lượng các giờ học chính khóa. Ông cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) sớm tham mưu để cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa DT - HT vào danh mục ngành nghề KDCĐK.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu về giáo dục tại diễn đàn Quốc hội .Ảnh: QH

Trả lời ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Huy, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhắc lại chất vấn của cử tri gửi ông: "Đến ngày nào Bộ trưởng có thể quét sạch được việc DT-HT trên toàn cõi Việt Nam?". Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Đây là việc rất lớn và bộ đã có phân tích, trả lời về vấn đề này". Theo Bộ trưởng Sơn, việc DT-HT hay các nguyện vọng được học tập bên ngoài trường là nhu cầu thực tế và trong quá trình đáp ứng các nhu cầu rất đa dạng của người học nên hoạt động này cũng đa dạng.

Bộ trưởng Sơn cho biết, Bộ GD-ĐT đã có rất nhiều quy định về DT-HT, trong đó TT 17 vẫn còn hiệu lực, kiểm soát việc DT-HT trong khuôn khổ nhà trường; các quy định về đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử của trường học, văn hóa học đường... Tuy nhiên với môi trường ngoài nhà trường còn đang thiếu cơ sở pháp lý để quản lý, giám sát, điều tiết, xử lý.

Cũng theo Bộ trưởng Sơn, từ năm 2020 Bộ GD-ĐT đã có các văn bản gửi Ủy ban Kinh tế của QH, Bộ KH-ĐT đề xuất trong quá trình sửa Luật ĐT và có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị bổ sung việc DT-HT vào danh mục ngành nghề KDCĐK, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận. "Tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của ĐB Nguyễn Văn Huy cần phải đưa việc DT vào ngành nghề KDCĐK để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học" - ông phát biểu.

Chống dạy thêm - học thêm chưa thể có hồi kết

Thực tế cho thấy, DT-HT là nhu cầu chính đáng của PH, HS, đặc biệt đối với các em ở lớp cuối cấp, nhiều nhất là thi chuyển cấp 2 lên cấp 3 và luyện thi đại học. Dù Bộ GD-ĐT quy định GV đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được DT ngoài nhà trường đối với HS mà GV đang dạy chính khóa, nhưng trên thực tế phụ huynh (PH) cho biết con em mình đang phải đi HT rất nhiều. Thậm chí khi đa số các trường tiểu học hiện nay đã thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, nhưng nhiều nơi HS vẫn phải đi HT ở trung tâm, hoặc với chính GV chủ nhiệm của mình; còn HS mầm non (MN) chuẩn bị lên lớp 1 cũng phải HT để... biết mặt chữ!

Đó là thực trạng! Trừ các trường hợp HT ở cấp 1 hoặc MN, nhu cầu HT ở các lớp cuối cấp là thực tế. Với cấp 1 và MN, việc HT đôi khi cũng chỉ là hình thức giữ trẻ mà PH cần, chứ chưa hẳn việc dạy chữ là chính.

Một vấn đề khác, trong khi lương GV vẫn còn thấp, việc DT cũng đem lại một khoản thu khá quan trọng để giúp họ sống với nghề. Nhiều ý kiến cho rằng vì sao bác sĩ có thể làm thêm, còn GV thì không, khi họ cũng bỏ công sức, trí tuệ của mình và lao động chính đáng?

Trong nghề giáo, ai cũng biết GV, đặc biệt với những người dạy các môn chính như Ngữ văn, Toán, Anh văn, Lý, Hóa, Sinh gần như họ sống bằng nguồn DT với nhiều hình thức khác nhau. Ở góc độ kinh tế, DT-HT cũng là gánh nặng tài chính của từng gia đình. Theo báo cáo phân tích Giáo dục (GD) Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 của Viện Khoa học GD Việt Nam và UNESCO, trung bình gia đình HS đóng góp khoảng 24% tổng chi phí cho HS đi học và có xu hướng tăng dần theo cấp học, trong đó chi phí HT là khoản lớn nhất.

Dù tốn kém và bị cấm đoán dưới nhiều hình thức nhưng DT-HT vẫn là "điểm nóng" của ngành GD, đúng sai xen lẫn, nhu cầu có thật và "ép buộc" vẫn đan xen, làm cho bức tranh GD không được tươi sáng.

Bộ GD-ĐT thường nhắc TT17 vẫn còn hiệu lực, đề nghị địa phương phối hợp với ngành GD địa phương kiểm soát việc DT-HT. Bộ GD-ĐT tin rằng đã có quy định từ TT17 chi phối được việc DT-HT, nhưng việc DT "bất hợp pháp" vẫn xảy ra khắp nơi!

Có thể nói chuyện DT-HT dù đã được ban hành rất nhiều quy định, xử lý gắt gao, nhưng đâu vẫn hoàn đó! Nhiều tỉnh thành hiện nay kiểm soát rất gắt gao việc DT-HT, thậm chí tổ chức những đội nhóm "bắt" tại trận GV dạy thêm tại nhà... Cách ứng xử khiến nhiều GV rơi nước mắt!

Nếu kinh doanh có điều kiện, có quản lý được việc dạy thêm?

Thực tế Luật ĐT năm 2014 đã công nhận việc DT-HT được pháp luật quy đinh là ngành nghề KDCĐK. Sau khi luật này hết hiệu lực, đưa hoạt động trên ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư KDCĐK. Theo đó, một số quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức DT-HT (các điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14) tại TT17 không còn hiệu lực nữa.

Đó là lý do Bộ GD-ĐT muốn đưa việc DT-HT trở lại là ngành nghề KDCĐK. Tuy nhiên, thử hỏi từ khi Luật ĐT năm 2014 quy định đây là ngành nghề KDCĐK, việc DT-HT trên cả nước có quản lý được không? Câu trả lời là "không" và tình trạng này ngày càng diễn biến phức tạp, thậm chí nan giải hơn.

Hiện Bộ GD-ĐT lại rất muốn đưa việc DT-HT vào ngành nghề KDCĐK, để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học, thì hiệu lực không cần chờ thực tế cũng đã rõ!

Bộ GD-ĐT luôn khẳng định một số quy định khác của TT17 không trái với Luật ĐT 2014 vẫn có hiệu lực thi hành như bấy lâu nay bộ đã áp dụng và tất nhiên vẫn tiếp tục bất cập.

Xóa bỏ việc DT-HT là vấn đề cực kỳ nan giải. Nhiều quốc gia khác cũng đối diện với vấn nạn này. Như Trung Quốc, từ năm 2021 đã có lệnh cấm hoàn toàn việc DT-HT, một ngành nghề KD lên đến 2.000 tỷ nhân dân tệ (310 tỷ USD). Theo đó phạt nặng bằng tiền với những hành vi DT bất hợp pháp, thậm chí cho GV nghỉ việc. Mới đây, ngành GD Trung Quốc lại ban hành thêm những văn bản gắt gao hơn để quản lý, nhưng tình hình vẫn rất phức tạp.

Nguyên nhân sâu xa của vấn nạn này là do sự mất cân đối về nguồn lực GD. Phải đối diện với thực tế chất lượng dạy và học trong nhà trường hiện nay, làm cho PH, HS nhận được chất lượng GD tốt và không phụ thuộc vào HT. Đặc biệt phải cải thiện tiền lương cho GV, đó là vấn đề mấu chốt! Nói chung rất cần loạt chính sách GD đồng bộ từ Chính phủ, chứ riêng Bộ GD-ĐT dù cố gắng đến mấy cũng khó thể cấm tuyệt đối việc DT-HT.

Quy định pháp luật về dạy thêm, học thêm

Về mặt pháp lý, quy định về xin phép DT tại TT17 đã bị bãi bỏ bởi Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT năm 2019 do Luật ĐT 2014 đã hết hiệu lực.

Theo Luật ĐT 2014, việc DT là ngành nghề KDCĐK. Nhưng từ ngày 01/01/2021, Luật ĐT 2020 không còn quy định DT là ngành nghề KDCĐK nữa, vì thế việc DT không còn phải xin giấy phép.

Trường hợp GV có nhu cầu tổ chức DT ngoài nhà trường chỉ cần làm thủ tục đăng ký KD dịch vụ DT-HT (mã ngành 8559) tùy quy mô hoạt động của cơ sở, có thể dưới hình thức hộ KD... và thực hiện các nghĩa vụ khai, nộp thuế theo quy định. Đơn vị cấp phép ĐT, kinh doanh DT sẽ được Sở KH-ĐT cấp phép và Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm về chuyên môn.

Một số điểm của TT17 vẫn còn hiệu lực, như tại điểm a khoản 4 điều 4 ban hành kèm theo TT17 quy định: Không DT đối với HS đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Không DT đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao... Giáo viên không được tổ chức DT-HT ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia DT ngoài nhà trường; không được DT ngoài nhà trường đối với HS mà GV đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý GV đó...

Đối với GV đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập thì không được tổ chức DT ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia DT ngoài nhà trường, như các trung tâm DT. Nếu DT ngoài nhà trường đối với GV đang dạy chính khóa thì phải được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý.

LƯU VĨNH HY

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/day-them-nhu-mot-nganh-kinh-doanh-co-dieu-kien_155663.html