Dạy trẻ kỹ năng quản lý tài chính

Đối với nhiều phụ huynh hiện nay, giáo dục kỹ năng quản lý tài chính cho trẻ em là một phương pháp giáo dục tích cực giúp trẻ sớm ý thức được sự tồn tại cũng như ý nghĩa của đồng tiền. Qua đó, giúp con hình thành được thái độ đúng đắn về tiền bạc, biết trân trọng sức lao động để học cách tiết kiệm và chi tiêu hiệu quả.

Một em nhỏ được tự lựa chọn và trả tiền cho món đồ mình yêu thích tại Siêu thị sách
và thiết bị trường học (TP Tuyên Quang).

3 tháng nghỉ hè là lúc các em nhỏ được nghỉ ngơi sau một năm học, tuy nhiên nhiều phụ huynh đã ý thức được tầm quan trọng của việc giáo dục các kỹ năng mềm cho trẻ, trong đó có việc dạy con quản lý tài chính. Từ khi lên 8 tuổi, em Hoàng Kim Minh, tổ 11, thị trấn Tân Bình (Yên Sơn) đã được bố mẹ liệt kê danh sách những công việc gia đình phù hợp như: Gấp chăn gối, quần áo, phụ mẹ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa hay đơn giản là vẽ tranh tặng ông bà, tặng người thân trong gia đình. Theo đó, mỗi khi em hoàn thành công việc sẽ được bố mẹ “trả công” bằng một số tiền nhỏ để đút lợn tiết kiệm.

Chị Trịnh Thị Hoài Thương, phụ huynh của em Minh cho biết, hiện nay các con có những nhận thức rất sớm về tiền bạc. Bé được tiếp xúc thông qua những bao lì xì dịp Tết, phần thưởng ông bà cho hoặc chứng kiến người lớn sử dụng tiền. Vì vậy, vợ chồng chị đã quyết định dạy con về tài chính với những hiểu biết cơ bản về việc kiếm tiền thông qua lao động, cách tiết kiệm, sử dụng tiền hợp lý. Bằng những việc làm cụ thể như: Giao cho con một khoản tiền nhỏ để bé tự chi tiêu; hướng dẫn bé tích lũy tiền để mua món đồ mà bé yêu thích; giúp con kiếm tiền qua việc thu gom và bán đồ tái chế… Bên cạnh đó, chị cũng chú trọng việc dạy con hướng đến sự sẻ chia với cộng đồng thông qua các hình thức quyên góp, ủng hộ.

Một số phụ huynh cũng có những cách làm hay phù hợp với lứa tuổi để giúp con học được kỹ năng quản lý và chi tiêu hiệu quả. Ngay từ khi bước vào kỳ nghỉ hè, em Bàn Thị Oanh, 16 tuổi, thôn 4 Minh Tiến, xã Minh Hương (Hàm Yên) đã được mẹ giao cho một số tiền nhỏ để đi chợ trong 1 tuần. Em nói, lúc đầu em cảm thấy rất vui khi được mẹ tin tưởng và giao cho nhiệm vụ chuẩn bị bữa ăn của gia đình trong dịp hè này từ khâu đi chợ đến nấu nướng. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế lại không phải là điều dễ dàng. 2 tuần đầu tiên em đã bị thiếu hụt tiền vì mua quá nhiều thức ăn. Những tuần sau đó, em đã tự ghi chép lại và tính toán việc chi tiêu, đi chợ sao cho phù hợp. Em tin rằng sau kỳ nghỉ hè năm nay, em không chỉ giúp mẹ nấu được những bữa ăn lành mạnh, đủ chất cho cả gia đình, mà còn học được cách quản lý chi tiêu phù hợp, hiệu quả.

Theo bà Phạm Thị Kiều Trang, Phó Trưởng Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Tân Trào, trước đây nhiều phụ huynh có quan điểm, suy nghĩ không nên cho trẻ tiếp xúc với tiền từ sớm. Tuy nhiên, điều đó không phù hợp với tình hình phát triển cũng như sự nhanh nhạy của trẻ em trong thời điểm hiện nay. Tại nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới và ngay cả những thành phố lớn ở nước ta đã có những lớp học tài chính cho trẻ em được tổ chức. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng đã sớm có phương pháp giáo dục hiệu quả để con hiểu biết và nhận thức được giá trị của đồng tiền. Từ đó, giúp trẻ học được cách chi tiêu, cách tiết kiệm tiền một cách thông minh; giúp trẻ lập kế hoạch sử dụng đồng tiền sao cho đúng mục đích và ý nghĩa. Đối với việc giáo dục tài chính cho trẻ em, thực hành là cách tốt nhất để các con hiểu và tiếp thu những bài học nhanh chóng và hiệu quả.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/day-tre-ky-nang-quan-ly-tai-chinh-119549.html