Dạy trẻ tình yêu thương: Không chỉ là chuyện của nhà trường!

Dạy học sinh về tình yêu thương, sự tử tế không chỉ là câu chuyện của nhà trường. Giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó không thể thiếu vai trò của gia đình và xã hội.

Ảnh minh họa.

Gieo hạt mầm tử tế, nhân lên những điều tốt đẹp, thiện lương trong cuộc sống là điều các thầy cô giáo đề cao trong những bài học.

Và câu chuyện hai em Lương Thế Mạnh, Lương Văn Đức – hai học sinh lớp 12C1, Trường THPT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) có hành động dũng cảm cứu người giữa dòng nước lũ có giá trị như một thông điệp đẹp đầu năm học mới, thắp lên niềm tin vào tình yêu thương và sự tử tế.

Sự việc diễn ra trên đường đến trường chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới, hai em Mạnh và Đức nghe tiếng kêu cứu thất thanh giữa dòng sông Nậm Mộ.

Ngay lập tức, em Mạnh lao xuống dòng nước lũ để cứu hai người đang chới với giữa sông. Em Đức chạy đi tìm áo phao để hỗ trợ. Sau khi tìm được áo phao, cả hai em cùng nỗ lực đưa anh Vi Văn Quý (19 tuổi, là người tàn tật) và em Moong Văn Kiều (10 tuổi) lên bờ an toàn. Việc làm của hai em có sức lan tỏa cực kỳ lớn trong xã hội.

Nhịp sống của thời hiện đại nghiêng nhiều về các vấn đề tiêu cực. Các thông tin trên mặt báo, trên mạng phủ kín cái xấu. Điển hình như câu chuyện anh em chém giết nhau trong cùng một gia đình vì quyền lợi vật chất. Khi bị vật chất bủa vây, người ta dễ biến thành lạnh lùng, vô cảm, tàn nhẫn với chính những người thân yêu của mình.

Trong lúc xã hội đang tồn tại những điều xấu lan truyền chóng mặt thì những câu chuyện tử tế là “liều thuốc đặc trị”. Điều dễ nhận thấy, để hình thành sự tử tế cần phải bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất.

Thực tế, sự tử tế không phải là điều gì quá lớn lao. Đôi khi nó chỉ là những hành động nhỏ trong cuộc sống thường nhật. Như cô Nguyễn Thùy Linh - giáo viên dạy trẻ tự kỷ ở Long Biên (Hà Nội), đã tự nguyện hiến tạng của mình ngay trong ngày sinh nhật, bởi với cô: Cho đi là còn mãi. Hay việc làm của BGH Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) hàng ngày, ghi lại trong cuốn sổ những đồ vật HS nhặt được.

Nhà trường thông báo đến GVCN các lớp để học sinh nhận lại vật bị mất. Những việc làm đó tưởng chừng như đơn giản nhưng lại thể hiện sự tử tế trong sinh hoạt hàng ngày của học sinh ở trường.

Bài học đạo đức này không phải mới và dù rất nhỏ nhưng nếu được nhân lên trong trường mỗi ngày sẽ gieo vào lòng học sinh cách sống tử tế. Các em sẽ mang theo hạt mầm tử tế gieo khắp nơi, nhân lên những điều tốt đẹp, thiện lương trong cuộc sống.

Đề cao vai trò của tình yêu thương, trong lễ khai giảng năm học mới 2019 -2020, cô Lê Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đã nhắn nhủ các thầy cô giáo: "Hãy tạo cơ hội bất cứ khi nào có thể để các con tự lập và làm thật nhiều việc thiện. Chúng ta dạy học sinh có thói quen biết phóng tầm mắt xa nhưng biết đặt trái tim thật gần với yêu thương con người. Hãy tăng nhiều cơ hội để các con thấu hiểu cuộc sống”.

Tuy nhiên, dạy HS về tình yêu thương, sự tử tế không chỉ là câu chuyện của nhà trường. Giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó không thể thiếu vai trò của gia đình và xã hội.

Cùng nhà trường, chúng ta hãy đắp xây cho các em những giá trị đích thực của đạo đức, tri thức và văn hóa. Mỗi người cha, người mẹ cũng phải là nhà giáo dục. Mỗi gia đình là cái nôi an toàn để các em được giáo dưỡng, được tu thân trong niềm vui và hạnh phúc.

Sự tử tế có cội rễ ẩn sâu trong con người từ khi sinh ra. Ai cũng có thể lựa chọn để nuôi dưỡng sự tử tế trong mình. Tin rằng, những hành động đẹp như của em Mạnh, em Đức và hàng trăm, hàng nghìn việc làm tốt của các nhà giáo, học sinh sẽ lan tỏa niềm tin về những gì tốt đẹp mà GD mang lại.

Tâm An

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/day-tre-tinh-yeu-thuong-khong-chi-la-chuyen-cua-nha-truong-4032334-b.html