Dạy và học Địa lý thông qua trò chơi với Atlat

Đó là kinh nghiệm của thầy Tô Ngọc Đức - Trường THPT Trần Cao Vân (Chư Sê, Gia Lai).

Ảnh minh họa/internet

Thiết kế trò chơi

Một trong những mục tiêu của đổi mới phương pháp dạy học là tập trung phát huy tính chủ động, tích cực của người học. Việc thiết kế các trò chơi, các hoạt động mang tính giáo dục cũng như tăng cường sử dụng các phương tiện dạy học trực quan như Atlat là hết sức cần thiết

Thầy Tô Ngọc Đức

Với mong muốn tạo hứng thú học tập của học sinh với Atlat để nâng cao hiệu quả dạy học, thầy Tô Ngọc Đức đã đưa ra một số kinh nghiệm mà chính bản thân thầy đã áp dụng trong thời gian qua khi dạy học môn Địa lý, nhất là đối với học sinh lớp 12 đó là: Hướng dẫn ôn tập và tổ chức trò chơi với Atlat địa lý Việt Nam.

Theo đó, thầy Tô Ngọc Đức, đưa ra các câu hỏi ôn tập ở các mức độ khác nhau, học sinh dựa vào bản đồ trong Atlat để trả lời câu hỏi. "Việc này rất quan trọng vì sau này các em cũng sẽ sử dụng Atlat để làm bài kiểm tra, trả lời bài cũ…

Riêng phần trò chơi với mỗi trang Atlat tôi thiết kế các trò chơi khác nhau, học sinh hoàn toàn có thể dựa vào Atlat để chơi, việc thi đua giữa các nhóm sẽ tạo ra động lực thúc đẩy các em thi đua học tập" - thầy Tô Ngọc Đức chia sẻ.

Thầy Tô Ngọc Đức dẫn giải, chẳng hạn như trò chơi: Ai nhanh hơn. Thầy đưa ra luật chơi như sau: Chia lớp ra thành 4 đội tham gia trả lời nhanh các câu hỏi. Mỗi câu trả lời đúng được cộng 10 điểm, nếu trả lời sai trừ 5 điểm.

VD: Câu 1: Em hãy cho biết, tính đến năm 2012 tỉnh nào có diện tích lớn nhất nước ta?

Đáp án: Nghệ An

Câu 2: Em hãy cho biết, tính đến năm 2012 tỉnh nào có diện tích lớn thứ 2 nước ta?

Đáp án: Gia lai

Câu 3: Em hãy cho biết, tính đến năm 2012 tỉnh, TP nào có diện tích nhỏ nhất nước ta?

Đáp án: Bắc Ninh

Câu 4: Em hãy cho biết, tính đến năm 2012 tỉnh, TP nào có dân số lớn nhất nước ta?

Đáp án: TP HCM

Câu 5: : Em hãy cho biết, tính đến năm 2012, tỉnh nào có dân số nhỏ nhất nước ta?

Đáp án: Bắc Kạn

Thầy Tô Ngọc Đức

Tăng thêm vốn hiểu biết về kiến thức Địa lý

Theo thầy Tô Ngọc Đức, qua việc tổ chức trò chơi các em không chỉ tăng thêm vốn hiểu biết về kiến thức địa lý Việt Nam mà còn kích thích hứng thú học tập của học sinh đối với bộ môn.

Quan trọng hơn nữa là rèn luyện cho các em kỹ năng làm việc với bản đồ, củng cố các kỹ năng sử dụng Atlat… Ngoài ra còn rèn luyện tính tự lập và tinh thần tập thể của các em.

"Khi học sinh được chủ động trong hoạt động học, đặc biệt có sự thi đua giữa các cá nhân, các nhóm sẽ tạo nên sức hấp đẫn cho tiết dạy.

Trong sự đa dạng của các hoạt động dạy của môn địa lý thì trò chơi với Atlat cũng là một hoạt động học tập hấp dẫn mà thực tế đã kích thích được hứng thú học tập của học sinh.

Đặc biệt đối với chương trình của học sinh lớp 9 và lớp 12 là các năm mà kiến thức bài học gắn với Atlat rất nhiều" - thầy Tô Ngọc Đức trao đổi.

"Việc học và ôn tập kiến thức qua Atlat sẽ giúp học sinh nhớ bài nhanh hơn, lâu hơn bởi vì Atlat có tính trực quan cao. Có thể nói ngoài việc sử dụng Atlat địa lý Việt Nam để ôn tập, tổ chức trò chơi ra, quyển Atlat còn có thể khai thác, sử dụng trong dạy học bằng nhiều cách khác nhau nữa, như để thảo luận, tranh luận một chủ đề, làm các bài thực hành…" - thầy Tô Ngọc Đức.

Thầy Tô Ngọc Đức

Minh Phong (ghi)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/trao-doi/day-va-hoc-dia-ly-thong-qua-tro-choi-voi-atlat-3947050-v.html