Dạy và học tiếng Việt tại Nhật Bản

Giáo sư Iwai Misaki - trường Đại học Ngoại ngữ Kanda, Nhật Bản - trong bài viết gửi Lao Động đã nhấn mạnh rằng giới trẻ Nhật Bản có thể giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Việt là một nguồn nhân lực quý giá của nước này.

Các thí sinh tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Việt. Ảnh: Đại học Ngoại ngữ Kanda

Ngày 3 tháng 11 năm nay, tại trường trường Đại học Ngoại ngữ Kanda, cuộc thi hùng biện tiếng Việt lần thứ 12 đã diễn ra. Số thí sinh năm nay là 23 người, chủ yếu là các sinh viên, học sinh học tiếng Việt của 9 trường đại học, trường chuyên môn, trường PTTH trên khắp Nhật Bản.

Các thí sinh được chia thành 5 nhóm. Nhóm A đọc một trong hai bài thơ đã được chọn sẵn, yêu cầu đặt ra là phải đọc chính xác và diễn cảm. Nhóm B, C, D, E phát biểu về một chủ đề, và trả lời câu hỏi của ban giám khảo, qua đó thể hiện tài hùng biện.

Đề tài hùng biện năm nay nhân kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật - Việt là “Việt Nam và tôi – Lần đầu gặp gỡ” và “Việt Nam – Điều đặc biệt trong tôi” (chọn 1 trong 2). Còn thơ là bài “Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông)” và “Quê hương (Nguyễn Đình Huân)” (chọn 1 trong 2).

Ban giám khảo gồm hai người là ông Phạm Quang Hưng - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và PGS. TS. Đỗ Mạnh Hồng đến từ trường Đại học Obirin.

Năm nay, hai sinh viên (nhóm A - đọc thơ và nhóm D - hùng biện) của trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo và trường Đại học Osaka giành giải đặc biệt và được tặng vé khứ hồi đi Việt Nam.

Những năm gần đây, số lượng trường tham gia cũng tăng lên, uy tín của cuộc thi này cũng được nâng cao.

Mục đích của cuộc thi hùng biện tiếng Việt mà trường trường Đại học Ngoại ngữ Kanda tổ chức là tạo cơ hội cho sinh viên chuyên ngành tiếng Việt thể hiện kỹ năng giao tiếp tiếng Việt, nâng cao hơn nữa động lực học tập tiếng Việt.

Chuyên ngành tiếng Việt tại trường Đại học Ngoại ngữ Kanda được thành lập vào năm 2001. Cùng với trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo, Đại học Osaka, đây là một trong số ít trường đại học lấy tiếng Việt làm chuyên ngành chính.

Cuộc thi hùng biện lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2007, xuất phát từ nguyện vọng “chúng em muốn có mục tiêu trong thời gian đi học” của chính sinh viên theo học trong trường. Kể từ năm sau đó, cuộc thi mở rộng cửa cho những thí sinh đến từ các trường đại học có chuyên ngành tiếng Việt trên cả nước Nhật Bản, cho đến tận ngày nay.

Trong việc học ngoại ngữ, cần có tầm nhìn lâu dài là phát huy như thế nào sau khi tốt nghiệp nhưng trước hết, xây dựng động cơ để biến việc học hằng ngày trở thành niềm vui là cực kỳ quan trọng.

Sự giao lưu với bạn bè cùng chí hướng và kinh nghiệm cạnh tranh gay gắt đem đến cho sinh viên thêm một cơ hội học tập quý giá mà nếu chỉ học ở lớp thì không thể có được, như câu tục ngữ Việt Nam đã nói: “Học thầy không tày học bạn”....

Tôi xin trích dẫn phát biểu của ông Phạm Quang Hưng - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, nơi đã hỗ trợ chúng tôi: “Tiếng Việt được coi là một ngôn ngữ khó đối với người nước ngoài. Nói cách khác, các bạn đang lựa chọn một con đường đầy thử thách, đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm để vượt qua khó khăn. Tục ngữ tiếng Việt có câu: Có công mài sắt có ngày nên kim. Tôi tin rằng, tình yêu đối với đất nước và con người Việt Nam sẽ là nguồn động lực mạnh mẽ giúp các bạn vươn lên để học giỏi tiếng Việt".

Cuộc thi hùng biện được sự hỗ trợ của công ty cổ phần AEON, công ty cổ phần SANSHIN INTERNATIONAL, SANSHIN VIETNAM JSC, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Theo lời khách mời, ông Iwata Shigeki (Quản lý nhóm Phát triển Nhân sự Công ty cổ phần AEON), công ty AEON đang triển khai 3 cửa hàng ở Việt Nam với chủ trương xuyên suốt là kinh doanh phải thích nghi với hoàn cảnh địa phương, nên dành nhiều tâm huyết nhất vào việc “phát triển nguồn nhân lực” tại chỗ: Nhân viên người Việt Nam vừa kế thừa thương hiệu của lòng tin và chất lượng Nhật Bản, vừa vận dụng một cách sáng tạo để thích hợp với xã hội Việt Nam. Nghĩa là, chính việc nuôi dưỡng nguồn nhân lực làm cầu nối văn hóa giữa Nhật Bản và Việt Nam là chìa khóa mở ra thành công trong việc triển khai kinh doanh ra nước ngoài.

Những người trẻ của Nhật có ý định học tiếng Việt tại các cơ quan giáo dục bậc cao không thích làm những việc giống người khác, mà tinh thần thử thách của họ vô cùng mãnh liệt. Họ thích thú trước những gì chưa từng biết, và không ngần ngại tích lũy những kinh nghiệm khác nhau, tiếp nhận những giá trị đa dạng. Có thể nói rằng, chính tính linh hoạt và tính tò mò, có thể đưa ra những ý tưởng độc đáo như thế này lại rất phù hợp với chiến lược của các doanh nghiệp toàn cầu.

Ở Nhật Bản, dân số giảm và ngày càng già hóa, số người nước ngoài đang sinh sống, lưu trú lên đến khoảng 2.560.000 người vào cuối năm 2017. Thực chất Nhật Bản đang trong thời kỳ chuyển hóa thành một quốc gia di dân. Trong đó, số người Việt Nam lưu trú tại Nhật là hơn 260.000 người, du học sinh cũng tăng đến 70.000 người.

Trước tình hình mới như thế thì giới trẻ Nhật Bản có thể giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Việt là một nguồn nhân lực quý giá của chúng tôi. Tôi cho rằng mối quan tâm đến Việt Nam ở Nhật Bản càng tăng thì ngày càng nâng cao cơ hội để những “thông dịch” viên văn hóa hai nước như họ có thể hoạt động trong tương lai.

Giáo sư Iwai Misaki

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/nguoi-nhat-ban-ngay-cang-hung-thu-voi-day-va-hoc-tieng-viet-644642.ldo