Dạy và học trực tuyến: Thầy và trò đều gặp khó

Dạy trực tuyến kiến thức mới cho học sinh ở các trường tiểu học, THCS, THPT trong tỉnh gặp khó khăn do nhiều gia đình còn thiếu thiết bị; đường truyền, phần mềm cũng chưa ổn định.

Nhân viên kỹ thuật của Trung tâm Kinh doanh VNPT (Viễn thông Hải Dương) hướng dẫn giáo viên sử dụng phần mềm dạy học VNPT-Elearning

Việc triển khai dạy trực tuyến kiến thức mới cho học sinh ở các trường tiểu học, THCS, THPT trong tỉnh đang gặp không ít khó khăn.

Nhiều học sinh không có thiết bị

Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 6.4, các trường tiểu học, THCS, THPT trong tỉnh bắt đầu triển khai dạy trực tuyến kiến thức mới cho học sinh. Qua tìm hiểu cho thấy đa số các trường cho giáo viên triển khai dạy học trực tuyến kiến thức mới trong khoảng thời gian từ 19-21 giờ hằng ngày bởi đây là thời điểm phần lớn cha mẹ học sinh được ở nhà để kèm cặp, hỗ trợ con.

Tối 6.4, Trường Tiểu học Tứ Cường (Thanh Miện) yêu cầu giáo viên chủ nhiệm 32 lớp thực hiện việc trên. Dù đã có sự chuẩn bị từ trước song cũng chỉ có khoảng một nửa giáo viên chủ nhiệm lớp triển khai được việc dạy trực tuyến kiến thức mới. Nguyên nhân do toàn trường vẫn còn gần 100 gia đình chưa có điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay... Không ít gia đình có 2-3 con cùng học nhưng chỉ có 1 chiếc điện thoại. Chị Vũ Thị Dung ở thôn An Khoái cho biết: "Nhà tôi có 3 cháu đang đi học nhưng chỉ có một chiếc điện thoại. Phải ưu tiên cho đứa lớn năm nay chuẩn bị thi vào lớp 10, còn 2 đứa nhỏ tôi vẫn chưa biết tính sao. Gia đình không có điều kiện để mua thêm điện thoại cho các cháu".

Tìm hiểu tại nhiều trường học cho thấy học sinh ở khu vực thành phố được gia đình bố trí thiết bị học trực tuyến tương đối đầy đủ. Nhưng ở các vùng nông thôn, vẫn còn một lượng lớn học sinh không thể học trực tuyến do nhà chưa có thiết bị kết nối mạng tối thiểu.

Kết nối mạng thiếu ổn định cũng là một thách thức lớn đối với dạy trực tuyến. Phần lớn giáo viên trong tỉnh đang dạy học trực tuyến trên phần mềm Zoom Cloud Meeting. Nhiều giáo viên dùng phần mềm miễn phí, lượng người sử dụng cao nên hay gặp sự cố, tương tác giữa giáo viên với học sinh thường bị gián đoạn. Ngoài ra, giáo viên nhiều trường đang sử dụng phần mềm ViettelStudy hoặc phần mềm VNPT E-Learning dạy trực tuyến. Những phần mềm này ổn định hơn nhưng chất lượng đường truyền đôi khi vẫn chưa tốt. Học sinh THCS, THPT biết sử dụng công nghệ, dùng máy tính, điện thoại sẽ dễ dàng, còn với học sinh tiểu học thì giáo viên, phụ huynh mất nhiều thời gian hướng dẫn...

Việc chuyển đổi thói quen soạn giáo án truyền thống sang làm việc với phần mềm cũng là một rào cản. Trong dạy học trực tuyến, việc tương tác là quan trọng nhất. Tương tác để đánh giá mức độ tiếp nhận, sự tham gia của người học, chất lượng dạy... Tuy nhiên, những điều này đa phần giáo viên chưa để ý đến. Việc kiểm soát học sinh trong dạy trực tuyến cũng khó khăn hơn dạy trực tiếp.

Hiện nay, nhiều trường học trong tỉnh, trong đó có cả những trường ở thành phố vẫn chưa triển khai dạy học trực tuyến vì vẫn đang chạy thử phần mềm và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác.

Một học sinh ở xã Ngọc Liên (Cẩm Giàng) học trực tuyến qua máy tính bảng

Vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết dạy trực tuyến kiến thức mới đang gặp nhiều khó khăn, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì đây là giải pháp tốt, nhất là với học sinh lớp 9, lớp 12.

Bên cạnh đó, việc chỉ đạo các trường thực hiện tinh giản nội dung dạy học theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng là một vấn đề khá khó khăn. Mặc dù bộ đã có định hướng chung, nhưng giảm những nội dung gì trong từng môn học cụ thể thì cần nghiên cứu thêm để bảo đảm cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng cho học sinh. Sở Giáo dục và Đào tạo đang giao các phòng chuyên môn tham mưu, đề xuất hướng dẫn các cấp học thực hiện tinh giản nội dung dạy học bảo đảm sự thống nhất chung trong tỉnh. Trước mắt, chỉ đạo các trường ưu tiên dạy các môn phục vụ thi tuyển sinh, tốt nghiệp.

Do những khó khăn liên quan đến thiết bị và kết nối nên trước mắt phần lớn các trường chỉ dạy trực tuyến những kiến thức cơ bản của các môn quan trọng. Học sinh tiểu học học các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Học sinh THCS học toán, văn, tiếng Anh. Học sinh THPT học các môn phục vụ thi THPT quốc gia. "Từ ngày 6-9.4, chúng tôi chỉ đạo các trường vừa dạy, vừa rút kinh nghiệm, tiếp nhận những thông tin phản hồi từ phụ huynh và học sinh để có hướng khắc phục trong thời gian tới", Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Cẩm Giàng Nguyễn Quang Sáng cho biết.

Đại diện các trường học cho rằng để dạy học trực tuyến được thuận lợi cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên. Trước mắt, cha mẹ học sinh cố gắng đầu tư mua sắm các thiết bị kết nối tối thiểu, nâng cấp đường truyền để con mình học trực tuyến thuận lợi. Các nhà mạng, đơn vị cung cấp phần mềm cần tiếp tục hỗ trợ nâng cấp đường truyền, ứng dụng phần mềm dạy học trực tuyến cho các nhà trường. Với những học sinh không có thiết bị học trực tuyến, một số trường đã cho giáo viên soạn bài giảng bằng văn bản, hệ thống bài tập thực hành gửi về nhà cho học sinh. Có trường cho biết sau này sẽ tập hợp những học sinh này lại để dạy bổ sung kiến thức... Những giải pháp này không thực sự phù hợp, học sinh dễ bị "đuối" so với các bạn có điều kiện học trực tuyến.

TIẾN MẠNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/giao-duc---tuyen-sinh/day-va-hoc-truc-tuyen-thay-va-tro-deu-gap-kho-133379