Dazai Osamu trong cõi nhân gian thất cách

Tròn 110 năm trước (19-6-1909), cậu bé Tsushima Shūji ra đời trong một gia đình địa chủ.

Nhưng tên họ cậu bé ngày nay hiếm ai còn nhắc nhớ. Người đời chỉ nhớ đến cái tên cậu chọn làm bút danh, Dazai Osamu, khi trở thành nhà văn.

Văn chương thành thật

Hậu thế thường truy vấn: Rốt cục, cuộc đời này có gì bi ai đến độ một con người tài năng như Dazai phải tự sát đến 5 lần để rồi kết thúc đời mình bằng cách tự trầm ở độ tuổi 39? Đời sống phải đau khổ thế nào để gieo vào tâm hồn ấy mặc cảm lạc loài đến mức phải thốt lên mình đã mất tư cách làm người?

Mặc cảm ấy dường như đeo đẳng Dazai rất lâu, ngay từ độ ông còn ở tuổi thiếu niên khi đem lòng hâm mộ nhà văn tài hoa bạc mệnh Akutagawa Ryunosuke. Sau khi nghe tin Akutagawa tự sát bằng thuốc độc khi mới 35 tuổi, Dazai đã thực sự rất sốc. Từ đó, ông từ bỏ con đường công danh theo định hướng của gia đình mà trượt dài trong sự sa đọa, trở thành một kẻ bên lề xã hội.

Những trải nghiệm trong năm tháng đó được ông ghi lại trong tiểu thuyết "Nhân gian thất cách" hay còn được độc giả Việt Nam biết đến với tên "Thất lạc cõi người". Tác phẩm này khá được bạn đọc Việt Nam yêu thích. Dù viết hơn nửa thế kỷ trước, "Thất lạc cõi người" vẫn gần gũi với bạn đọc hôm nay. Trong nhân vật chính Yōzō ta có thể thấy thấp thoáng hình bóng của những người trẻ thế kỷ XXI, trong cuộc loay hoay đi tìm bản ngã cũng như niềm hạnh phúc ở đời. Yōzō sống động như một người bạn của chúng ta vậy, đó là bởi văn chương Dazai cũng như cuộc đời ông, lúc nào cũng thành thật.

Những tác phẩm của Dazai Osamu xuất bản tại Việt Nam

Những tác phẩm của Dazai Osamu xuất bản tại Việt Nam

Những nhân vật trong tiểu thuyết của ông dù có bi quan yếm thế, dù có ngập ngụa trong vũng lầy của tâm hồn thì từ đầu chí cuối, họ luôn sống thành thật với bản thân mình. Những nhân vật trong các tác phẩm của ông kịch liệt lên án sự giả trá của người đời. "Tự hủy" thường là từ được nói nhiều nhất khi nhắc đến các tác phẩm của Dazai. Ở đây, "tự hủy" như là một hình thức đã đi đến cùng cái tuyệt đối, để kiên quyết chống trả cái địa ngục tha nhân. Tự thân những gì ông viết ra không nằm ngoài những gì ông từng nếm trải, ông không né tránh mà trực tiếp phô bày bản thân bằng một tấm lòng trung thực.

Khả năng miêu tả tâm lý phái nữ tài tình

Người đương thời xếp ông vào trong số những thành viên tiêu biểu của Vô Lại Phái (Buraiha). Lối kể chuyện bộc trực, thường miêu tả những cảnh đời trụy lạc, suy tàn của ông không làm hài lòng nhiều nhà văn thời bấy giờ (điển hình là văn hào Kawabata Yasunari) nhưng không ai phủ nhận thứ văn phong tự nhiên đi từ cuộc đời ra trang giấy.

Nhật Bản trong văn chương của Dazai thuộc về một thế giới khác, cách xa cái đẹp u ẩn của những miền sơn cước, với những hình bóng đã ngưng đọng, trở thành bất biến. Ông cũng ít sử dụng các mỹ từ, thứ văn chương của ông gần với văn nói, thường chọn ngôi thứ nhất, thiên về tự sự nên khoảng cách với độc giả được thu ngắn lại.

Nhưng không vì thế mà văn chương Dazai Osamu thiếu vắng sự tinh tế. Đặc biệt Dazai có khả năng miêu tả tâm lý phái nữ tài tình, tiêu biểu như truyện ngắn "Nữ sinh". Thiếu nữ vô danh trong truyện thường được ví như đối ảnh của nhân vật Holden Caulfield trong "Bắt trẻ đồng xanh" của J. D. Salinger dù "Nữ sinh" ra đời trước đó 10 năm. Những cảm xúc của tuổi mới lớn, cùng sự phiền muộn nhuốm màu thơ ngây trước nỗi băn khoăn đối diện với đời sống, được Dazai ghi lại trong một thiên truyện không dài nhưng đủ sức gây được ấn tượng mạnh mẽ trong lòng bạn đọc.

Hay như cô tiểu thư Kazuko trong tiểu thuyết "Tà dương" sống những ngày cuối cùng của giới quý tộc Nhật sau Thế chiến thứ hai. "Tà dương" cũng chính là cuốn tiểu thuyết giúp ông khẳng định chỗ đứng không thể thay thế trong văn học sử Nhật Bản, "tà dương tộc" trở thành thuật ngữ trong từ điển dùng để chỉ những gia tộc suy tàn.

Phụ nữ trong tác phẩm của Dazai thường có cá tính riêng chứ không nhu thuận vào lề lối như định kiến vốn dành cho phụ nữ Á Đông. Nữ giới trong các truyện như "Nữ tác gia", "Người vợ" hay "Tà dương" điều có suy nghĩ rất riêng biệt, thể hiện một tâm hồn phong phú dù nhiều khi bi lụy nhưng khi cần thì lại rất mạnh mẽ, quyết liệt.

Dường như sự bi lụy này ở tự thân Dazai đã truyền lại cho các nhân vật của ông. Dù cái cách họ nhìn cuộc sống thế nào, họ vẫn sống rất can trường như thể cuộc đời là một cuộc "cách mạng" cá nhân mà mỗi người phải thực hiện đến cùng dẫu có nát tan hình hài đi nữa.

Nhà văn quan trọng của văn học Nhật Bản

Dazai Osamu (1909-1948) là một trong những nhà văn quan trọng của văn học Nhật Bản. Ông đã tiên báo cái chết của mình trong truyện ngắn "Người vợ" kể về một nhà văn thất bại tự sát cùng với nhân tình. Năm 1948, ông cùng người tình Tomie tự trầm dưới hồ. Người ta vớt được xác Dazai đúng ngày sinh nhật của ông, khi đó Dazai Osamu vừa tròn 39 tuổi.

Dù tên tuổi ông đã vượt khỏi xứ anh đào từ lâu nhưng mãi đến năm 2011, đoản thiên tiểu thuyết "Thất lạc cõi người" do Hoàng Long dịch mới được giới thiệu và nhanh chóng trở thành tác giả được yêu thích ở Việt Nam. Các tác phẩm của ông như "Thất lạc cõi người", "Tà dương", "Nữ sinh" đều do dịch giả Hoàng Long chuyển ngữ, Phương Nam Book và NXB Hội Nhà văn thực hiện, lần lượt in vào các năm 2011, 2012, 2014, sau đó được tái bản, bổ sung nhiều lần.

Bài và ảnh:Huỳnh Trọng Khang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/dazai-osamu-trong-coi-nhan-gian-that-cach-20190628211536685.htm