ĐB Quốc hội: Kiểm toán chuẩn mực thì đã không xảy ra tình trạng làm đường nơi này đặt trạm thu phí nơi khác

Sáng nay (28/5), Quốc hội đã nghe ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thay mặt Thường vụ Quốc hội báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Kiểm toán toàn bộ dự án PPP sẽ khó thu hútnguồn vốn tư nhân

Một trong những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra nhiều ý kiến để đại biểu thảo luận trong Luật Đầu tư theo phương thức PPP đó là hoạt động kiểm toán Nhà nước.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Cụ thể, có ý kiếncho rằng, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP, không kiểm toán vốn đầu tư tư nhân trong dự án. Một số ý kiến khác cho rằng dự án PPP bản chất là đầu tư công nên phải kiểm toán toàn bộ, kể cả phần đầu tư từ nguồn vốn tư nhân.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cần cân nhắc kỹ thời điểm nào, giai đoạn nào thực hiện kiểm toán dự án PPP, tránh gây khó khăn trong hoạt động của dự án.

Đồng thời, đề nghị nghiên cứu việc kiểm toán khi dự án đã tiến hành vận hành, khai thác ổn định từ 2 - 3 năm trên cơ sở xem xét các chỉ số chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh để đánh giá tính kinh tế và hiệu quả kinh tế của dự án.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị cần quy định rõ việc thực hiện kiểm toán độc lập đối với phần vốn đầu tư của tư nhân.

Theo ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội,bản chất dự án PPP là nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công - tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án, dự án đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư với nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ.

Cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP. Mặt khác, Hiến pháp và pháp luật về kiểm toán Nhà nước quy định Kiểm toán Nhà nước chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công.

“Do đó, nếu quy định kiểm toán toàn bộ dự án, kể cả phần vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho sự phát triển” - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Không minh bạch sẽ dẫn đến nghi ngờ của người dân là “có gì đó đằng sau”

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) bày tỏ băn khoăn về vấn đề kiểm toán toàn bộ hay chỉ kiểm toán một phần dự án PPP thuộc phạm vi nguồn ngân sách nhà nước.

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình).

“Trước mắt, nếu muốn kiểm toán thì phải được xác định dự án PPP này đầu tư công hay không phải đầu tư công. Tôi cho rằng, dự án PPP là đầu tư công vì do Nhà nước chủ trì, đứng ra mới gọi nhà thêm đầu tư PPP tham gia, dự án độc lập dựa trên chiến lược, kế hoạch kinh tế xã hội và yêu cầu phát triển của đất nước. Chỉ khác là do Nhà nước chưa đủ tiền làm ngay nên cần phải có sự hợp tác” - đại biểu Phương nêu quan điểm.

Thứ hai, nói dự án PPP là dự án đầu tư công là bởi dự án này do các cấp có thẩm quyền quyết định. Ở Trung ương thì Quốc hội, Thủ tướng quyết định chủ trương và ở địa phương thì HĐND quyết định chủ trương.

“Hợp tác công tư ở đây thì phần tư do nhà đầu tư thực hiện và được Nhà nước trả tiền bằng giá trị công trình như là quyền thu phí để hoàn lại vốn. Bản chất của hợp tác công tư là đầu tư công, mà đã là đầu tư công thì phải tuân thủ thực hiện việc kiểm toán theo đúng quy định của Luật Kiểm toán” - theo đại biểu Bùi Văn Phương.

Cũng theo vị đại biểu này, có 3 vấn đề phải tính toán về vấn đề kiểm toán liên quan đến dự án. Thứ nhất, đó là kiểm toán tính tuân thủ xem dự án có tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đúng các quy định hợp đồng và quy chế của dự án hay không.

Đây là yêu cầu số một và phải làm ngay từ ban đầu. Thực tiễn cho thấy, nếu kiểm toán tuân thủ chuẩn mực thì thời gian vừa qua đã không xảy ra tình trạng các dự án BOT giao thông đặt sai vị trí, làm đường tránh nhưng trạm thì đặt ở trên Quốc lộ 1.

Đại biểu Phương lấy ví dụ, Bộ Giao thông đề nghị Nhà nước trả tiền mấy dự án, trong đó có dự án đường tránh phía Tây của thành phố Thanh Hóa nhưng trạm thu phí lại đặt ở Quốc lộ 1A đoạn qua Bỉm Sơn. Nếu tuân thủ nghiêm túc thì chắc chắn không xảy ra tình trạng làm đường một nơi, đặt trạm một nơi như thế.

Cũng theo đại biểu Phương, vấn đề thứ hai đó là kiểm toán giá trị công trình để tính hiệu quả kinh tế. Việc này phải kiểm toán ngay sau khi hoàn thành việc đầu tư xây dựng dự án vì nó liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước phải trả cho nhà đầu tư. Ví dụ như dự án BT, nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng hoàn thiện công trình sau đó bàn giao Nhà nước, Nhà nước trả lại toàn bộ chi phí bằng tài sản công hoặc các hình thức khác.

“Nếu không kiểm toán giá trị kinh tế công trình ngay sau khi kết thúc phần đầu tư thì lấy đâu ra căn cứ để trả nợ cho nhà đầu tư” - đại biểu Phương bày tỏ băn khoăn.

Vấn đề thứ 3 đó là, kiểm toán hiệu lực, hiệu quả kinh tế của dự án. Đây là vấn đề cần thiết với yêu cầu đảm bảo công khai minh bạch. Lấy lại ví dụ về đường tránh phía Tây TP Thanh Hóa, đại biểu Phương cho rằng, nếu kiểm toán để đánh giá hiệu quả của dự án này thì chắc chắn sẽ không ai cho triển khai. Bởi, chỉ một trong phạm vi rất ngắn nhưng đã có Quốc lộ 1A chạy qua TP Thanh Hóa.

Đại biểu Phương cho rằng, việc không muốn kiểm toán, ngại kiểm toán là những điều không bình thường. Nhà nước đã kêu gọi hợp tác công tư PPP thì phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên giữa Nhà nước, người dân nhà đầu tư. Chắc chắn không bao giờ để nhà đầu tư phải chịu thua thiệt.

Đại biểu Phương nói thêm, việc kiểm toán công khai, minh bạch là chia sẻ tính rủi ro với nhà đầu tư. Không công khai, minh bạch sẽ dẫn đến việc nghi ngờ của người dân là có gì đó đằng sau. Thực tế, là đã có những bài học rất đau xót về việc này.

Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/db-quoc-hoi-kiem-toan-chuan-muc-thi-da-khong-xay-ra-tinh-trang-lam-duong-noi-nay-dat-tram-thu-phi-noi-khac-20200528100357885.htm