ĐBQH đánh giá cao phần trả lời của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện

Kết thúc ngày chất vấn đầu tiên đầy sôi động tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã nhận được nhiều câu hỏi của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) liên quan tới các vấn đề của ngành.

Mối quan hệ giữa văn hóa – kinh tế là cách tiếp cận đúng đắn

Nhận xét về ngày làm việc đầu tiên của phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tại Quốc hội, theo ĐBQH Ngọ Duy Hiểu, trên thực tế Bộ trưởng đã nêu ra vấn đề về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế.

Bộ trưởng cũng đã nêu rất rõ vai trò của văn hóa, trong đó đương nhiên để văn hóa phát triển được thì chúng ta phải có kinh tế, phải có nguồn lực, đầu tư.

"Đặc biệt văn hóa trong thời đại mới không thể thiếu một nguồn lực, không có văn hóa nào đứng xa, đứng ngoài kinh tế cả. Tôi nghĩ cách tiếp cận đó hết sức là đúng đắn"- ĐBQH Ngọ Duy Hiểu chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 30/10. Ảnh: Nam Nguyễn

Trong khi đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng chia sẻ, đây là chất vấn giữa nhiệm kỳ, chính vì thế phương thức tổ chức chất vấn không như những kỳ họp trước.

Quốc hội không chọn thành những lĩnh vực để ĐBQH chất vấn và các thành viên Chính phủ trả lời mà lần này có tính chất kiểm điểm lại những lời hứa, cam kết của các Bộ trưởng, trưởng ngành mà Quốc hội đã chất vấn trong các kỳ họp trước đây, xem các cam kết được thực hiện như thế nào?

"Với phương thức như vậy, những nhóm vấn đề mà Quốc hội đã chất vấn thì tại kỳ họp này các ĐBQH đều có thể nêu, gắn với việc thực hiện trách nhiệm của Bộ trưởng. Ở đây, lĩnh vực chất vấn có thể không mới nhưng kết quả thực hiện lại có thể là mới. Cũng không biết là Bộ trưởng nào sẽ nhận được chất vấn của ĐBQH và Bộ trưởng cũng không biết yêu cầu trong câu hỏi đối với Bộ trưởng là như thế nào"- Ông Phạm Tất Thắng phân tích.

Do vậy, việc chất vấn lần này vừa có cái biết trước, vừa không biết trước đối với các Bộ trưởng. Các Bộ trưởng không có sự chuẩn bị trước khi trả lời chất vấn.

"Tôi đánh giá cao phần trả lời của các Bộ trưởng nói chung, trong đó có Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Trước những chất vấn của các ĐBQH, Bộ trưởng đều nắm được khá chắc công việc thuộc lĩnh vực của bộ mình, trách nhiệm điều hành của Bộ trưởng cũng như các cam kết của Bộ trưởng tại các kỳ họp trước"- Ông Phạm Tất Thắng nhận xét.

Nhiều vấn đề khó, đa ngành, cần bố trí nhiều nguồn lực

Ngay trong ngày chất vấn đầu tiên, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng nhận được nhiều câu hỏi từ ĐBQH mà đặc biệt, theo ông Phạm Tất Thắng, có những vấn đề khó.

"Bản thân tôi đã có chất vấn chung với Chính phủ tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, đó là khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội, xây dựng con người mới theo tinh thần Nghị quyết 33 của Trung ương. Những vấn đề đó tôi cho là khó và đó không riêng gì thuộc trách nhiệm của Bộ VHTTDL nhưng tôi hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng"- Ông Phạm Tất Thắng nói.

Gợi mở về một số giải pháp cho vấn đề này trong thời gian tới, ông Phạm Tất Thắng cho rằng, đây không chỉ là việc của Chính phủ mà là của cả hệ thống chính trị thì mới có kết quả. Đảng đã ban hành Nghị quyết 33, Chính phủ triển khai với việc phân công rõ ràng trong Chính phủ và cả việc tạo ra cơ chế, nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ này.

"Trách nhiệm của ngành VHTTDL với góc độ là cơ quan quản lý về lĩnh vực văn hóa, Bộ là cơ quan đầu mối có trách nhiệm triển khai công việc này. Không chỉ trách nhiệm của Bộ mà cần có sự quan tâm nhiều hơn từ Chính phủ, đặc biệt là việc bố trí nguồn lực, tạo điều kiện, cơ chế để thực hiện để thực hiện chủ trương lớn này"- ông Phạm Tất Thắng phân tích.

Cùng quan điểm với ĐBQH Phạm Tất Thắng, ĐB Ngọ Duy Hiểu, cần phải có các giải pháp điều hành để thu hút được nguồn lực mà ở đây không chỉ thuần túy về mặt tiền bạc.

Tôi muốn nói tới nguồn lực trong mỗi con người như ý thức người dân chẳng hạn, năng lực sáng tạo của người dân trong việc xây dựng các giá trị văn hóa còn lớn hơn rất nhiều so với tiền bạc.

ĐBQH đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu

Mỗi người dân đều có ý thức chấp hành pháp luật tốt, tuân thủ chuẩn mực, đạo đức xã hội sẽ tạo nên giá trị văn hóa mà tiền bạc không thể thay thế được. Tôi nghĩ chúng ta khơi thông các nguồn lực từ con người, từ ý thức, từ trách nhiệm của họ thì chúng ta cần làm tốt hơn" – ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ./.

Song Đào

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/dbqh-danh-gia-cao-phan-tra-loi-cua-bo-truong-bo-vhttdl-nguyen-ngoc-thien-20181030170931087.htm