ĐBQH: Đánh giá tác động khi đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá

Sáng 1/6, phát biểu tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn tỉnh Bắc Ninh) đề nghị phải có giải pháp căn cơ, hiệu quả để điều tiết thị trường thực phẩm thiết yếu; đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng và đảm bảo tính khả thi khi đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá…

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng 1/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Bảo đảm cân đối cung cầu, điều hành bình ổn giá phù hợp

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn tỉnh Bắc Ninh) cho biết, giải pháp Chính phủ đã nêu là cần giám sát chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa để có chính sách, giải pháp kịp thời, bảo đảm cân đối cung cầu, điều hành bình ổn giá phù hợp. Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu để đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường, không bỏ lỡ tín hiệu của thị trường, công khai, minh bạch, dự đoán được sự biến động giá thế giới. Cử tri đề nghị cần đánh giá kỹ thực trạng, tính hiệu quả của Quỹ bình ổn xăng dầu.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Đoàn tỉnh Bắc Ninh) phát biểu thảo luận.

Theo đó, đại biểu cho biết, nhiều ý kiến đề nghị Nhà nước chỉ nên can thiệp khi có biến động lớn về giá, có khả năng ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh bằng các công cụ chính sách để bình ổn thị trường như thuế, dự trữ quốc gia.

Trong Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án Luật Giá (sửa đổi). Đại biểu cho biết, còn một số ý kiến băn khoăn về danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Nhiều cử tri phản ánh việc đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá là khó khả thi, đề nghị cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng và đảm bảo tính khả thi khi đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá. Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả để điều tiết thị trường thực phẩm thiết yếu.

Có giải pháp, xử lý các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn tỉnh Bình Dương) cho rằng, hiện nay sức khỏe của các doanh nghiệp chưa tốt, một số vấn đề bất cập về cơ chế chính sách trong kiển khai thực hiện vẫn còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo thống kê, cả nước hiện có 2,7 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên, trong đó, hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hay chủ bỏ trốn.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn tỉnh Bình Dương) cho rằng, hiện nay sức khỏe của các doanh nghiệp chưa tốt.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho rằng, thủ tục đăng kiểm xe cơ giới đang trở thành gánh nặng cho các doanh nghiệp và người dân nói chung, nhất là các doanh nghiệp logistics bị ảnh hưởng nặng nề, đứt gãy chuỗi cung ứng; nhiều hồ sơ xin thẩm định phòng cháy chữa cháy chưa được nghiệm thu, bị tồn đọng gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động.

Do đó, trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn, đại biểu kiến nghị Chính phủ xem xét gia hạn phân loại doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đầu vào từ nguồn gỗ rừng trồng; chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, để giải quyết bài toán đăng kiểm, đại biểu đề nghị xã hội công tác đăng kiểm để giảm tải cho các cơ sở đăng kiểm đang quá tải hiện nay; thống nhất trong hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ phòng cháy chữa cháy.

Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn tỉnh Hà Tĩnh) nhận định, giáo dục đại học trong cả nước bước đầu đã đạt được những thành tựu nhất định trong thực hiện quyền tự chủ, được xã hội công nhận, góp phần đưa giáo dục đại học Việt Nam hội nhập vào giáo dục đại học trên thế giới. Tự chủ giáo dục đại học một mặt giúp các trường đại học chủ động hơn trong việc quyết định một số vấn đề về chuyên môn, tài chính, nhân sự, nhưng mặt khác lại là thách thức trong vấn đề huy động các nguồn lực tài chính.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Đoàn tỉnh Hà Tĩnh) phát biểu tại phiên thảo luận.

Qua thực tế khảo sát tại một số trường đại học cho thấy, cũng chính từ cơ chế tự chủ đã làm cho cạnh tranh giữa các trường đại học ngày càng gay gắt hơn, các trường đại học sẽ chạy theo những ngành đào tạo dễ tuyển sinh, làm mất cân đối trong chiến lược phát triển nhân lực quốc gia.

Chất lượng đầu vào và đầu ra của sinh viên, học viên, đặc biệt trong đào tạo thạc sĩ, chất lượng giảng dạy tại nhiều trường đại học không còn là mối quan tâm hàng đầu nữa mà thay vào đó là nguồn thu, số lượng sinh viên, học viên có thể tuyển sinh được. Bên cạnh đó, vẫn còn chưa thống nhất giữa Luật Giáo dục đại học với một số luật chuyên ngành khác trong việc điều chỉnh các hoạt động giáo dục đại học, làm cho các công cụ, chính sách để thực hiện các nội dung tự chủ vẫn còn nhiều hạn chế, nhiều trường đại học gặp khó trong hoạt động tự chủ của mình.

Điển hình như, về quản lý nhân sự cấp cơ sở giáo dục đại học cũng không được tự quyết định các vấn đề tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, chấm dứt hợp đồng lao động đối với cán bộ, viên chức mà phải thực hiện theo đúng thủ tục, quy trình, quy định của Luật Viên chức và các quy định của cơ quan chủ quản. Điều này sẽ làm cho việc tuyển dụng lao động, bố trí nhân sự phù hợp, có chất lượng, gặp khó khăn…

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, cần phải nhanh chóng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, định hướng phát triển của vùng kinh tế và các địa phương. Quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học cần phải dựa trên việc phân tầng các trường đại học, từ đó có chiến lược phát triển theo tầng đại học từ cao xuống thấp. Mỗi tầng đại học sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ riêng và khai thác thị trường riêng, không có quy định chung đối với tất cả các trường đại học trong cả nước.

Đồng thời, quán triệt nguyên tắc song song với quyền tự chủ và thực hiện quyền tự chủ là tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, quyền tự chủ đến đâu thì trách nhiệm tương xứng tới đó.

Đối với các trường đại học công lập địa phương cần phân định rõ các chức năng cơ bản, nhiệm vụ cụ thể và sứ mệnh cốt lõi theo chiến lược phát triển địa phương; đào tạo theo địa chỉ của các bên có nhu cầu, không đặt nặng vấn đề tự chủ tài chính đối với các trường đại học này. Các trường đại học địa phương cần đánh giá lại thực trạng hiệu quả đào tạo trong thời gian qua; có thể không cần lấn sâu vào các chương trình đào tạo mang nặng tính lý luận, mà nên xây dựng, cải tiến chương trình đào tạo phù hợp. Để thực hiện được điều này cần có sự giao thoa giữa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp…

Hồng Thái - Thịnh An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dbqh-danh-gia-tac-dong-khi-dua-thit-lon-vao-mat-hang-binh-on-gia.html