ĐBQH ĐOÀN THỊ THANH MAI: XEM XÉT THẬN TRỌNG, KỸ LƯỠNG ĐIỀU KIỆN RÚT BHXH MỘT LẦN ĐỂ ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7. Quan tâm góp ý hoàn thiện quy định tại dự thảo, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, Ban soạn thảo cần đánh giá và làm rõ nguyên nhân dẫn đến xu hướng gia tăng rút BHXH một lần để có biện pháp xử lý gốc rễ vấn đề này. Đồng thời, xem xét điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần thật thận trọng để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều (Luật BHXH năm 2014 gồm 09 chương và 125 điều). Dự thảo Luật đã bám sát 05 chính sách trọng tâm, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã cho ý kiến lần đần về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tiếp cận dự án luật, đại biểu có đánh giá như thế nào về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm xã hội?

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên: Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 (Luật BHXH năm 2014). Thực tiễn qua hơn 07 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người lao động, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia;...

Do đó, việc ban hành Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là hết sức cần thiết, nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, giải quyết các vấn đề hạn chế, bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, bảo đảm quyền lợi tốt nhất của người tham gia bảo hiểm.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Phóng viên: Một trong những điểm mới tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình Quốc hội là việc bổ sung 05 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Đại biểu có quan điểm như thế nào về quy định này tại dự thảo luật?

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên: Thể chế hóa Nghị quyết số 28 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã quy định mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với 5 đối tượng: (1) Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh; (2) Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; (3) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn Nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã và không hưởng tiền lương; (4) Người lao động làm việc không trọn thời gian, có mức tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất; (5) Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên.

Việc bổ sung các đối tượng trên thể hiện sự định hướng từng bước mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, sẽ làm phát sinh thêm chi phí của cả người lao động và người sử dụng lao động, do đó cần nghiên cứu đánh giá kỹ tác động và làm rõ các lợi ích, chi phí khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của các nhóm đối tượng này, tránh phát sinh các phản ứng tiêu cực. Bên cạnh đó, theo báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự án luật có gần 2 triệu hộ đăng ký kinh doanh, khoảng 270.000 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố và chưa kể 3 nhóm đối tượng còn lại chưa có thống kê cụ thể.

Thực tiễn vừa qua, tình trạng trốn, nợ đóng bảo hiểm xã hội chưa được giải quyết triệt để. Do đó, nếu mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như dự thảo luật cần phải có chế tài quy định kiểm soát và thực hiện xử phạt nghiêm minh để đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định. Dự thảo luật cũng quy định việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các đối tượng khác có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ tại khoản 6 Điều 3. Việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, tuy nhiên với chính sách như hiện nay thì người lao động không khỏi so sánh giữa việc tham gia bảo hiểm xã hội với các hình thức tích lũy khác. Bên cạnh đó, việc tham gia bảo hiểm xã hội cũng trừ trực tiếp vào thu nhập của người lao động nên vẫn có một số bộ phận người lao động do thu nhập quá thấp nên không muốn tham gia bảo hiểm xã hội. Do đó, điều quan trọng là cần có chế độ, chính sách phù hợp, đa dạng để người lao động nhận thấy quyền lợi của họ được đảm bảo. Chính sách hấp dẫn thì người lao động sẽ tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội chứ không cần bắt buộc.

Sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm xã hội

Phóng viên: Quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần là nội dung sửa đổi nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận và cử tri. Vậy, quan điểm của đại biểu như thế nào đối với các phương án được Chính phủ đề xuất tại Tờ trình?

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên: Bảo hiểm xã hội một lần là quyền lợi chính đáng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng trong thời gian qua là một thực tế đáng lo ngại đối với việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội cho toàn dân.

Theo báo cáo đánh giá tác động của dự án luật trong giai đoạn năm 2016 đến năm 2022, bình quân mỗi năm có khoảng gần 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đặc biệt số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng qua từng năm. Người lao động luôn nghĩ vấn đề an sinh xã hội lâu dài và nhất là khi đến tuổi về hưu tuy nhiên, có rất nhiều lý do dẫn đến việc họ phải rút bảo hiểm xã hội một lần, phần lớn người rút bảo hiểm xã hội một lần là những người không có tích lũy, không có việc làm ổn định nên khi có vụ việc thì họ phải chọn giải pháp rút một lần để trang trải cuộc sống.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo đánh giá và làm rõ nguyên nhân dẫn đến xu hướng gia tăng rút bảo hiểm xã hội một lần để có biện pháp xử lý gốc rễ vấn đề này. Đồng thời, xem xét điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần thật thận trọng để đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động. Với hai phương án dự thảo luật đề xuất, cả hai phương án đều dựa trên điều kiện sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bản chất tức là không tham gia vào quan hệ lao động thì mới cho người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Như vậy, khó đáp ứng nhu cầu cấp bách của một bộ phận lao động mất việc làm, cuộc sống bấp bênh, khó khăn.

Ngoài ra, đối với phương án 2 cũng cần phải được nghiên cứu đánh giá kỹ lưỡng, tránh gây bất lợi cho người lao động, nếu không được rút quá 50% tổng thời gian đã đóng góp vào quỹ hưu trí và tử tuất thì số tiền này có đáp ứng được nhu cầu của người lao động hay không? Đồng thời phương án 2 lại quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội. Quy định này cũng chưa thật sự rõ ràng, người lao động có được tiếp tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu có yêu cầu hay không?. Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội thì quyền được hưởng tối đa thời gian đã đóng. Do đó, đề nghị nên nghiên cứu phương án người lao động được lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần hoặc rút 50% thời gian đã đóng. Thời gian còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ tuổi nghỉ hưu và không nên chỉ giải quyết tối đa 50% tổng thời gian đã đóng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=83322