ĐBQH Dương Trung Quốc: 'Tôi nghi ngờ tất cả số liệu về rượu bia đưa ra ở Quốc hội'

'Tôi rất nghi ngờ tất cả những số liệu đưa ra ở Quốc hội. Lúc thì 8,3 lít rượu bia, lúc thì 8,3 lít rượu. Hiện nay tất cả những con số đều có lợi ích ở đằng sau' - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trao đổi với VnMedia về Luật phòng chống tác hại của rượu bia.

Bên hành lang Quốc hội, sau khi đại biểu Dương Trung Quốc nói với báo chí: “Tôi cho rằng tên gọi Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia nghe phản văn hóa. Sự tồn tại của rượu, bia cho đến nay như là một trong những di sản lớn nhất, lâu đời nhất của nhân loại mà chúng ta cần phải có thái độ văn hóa”, PV VnMedia đã có cuộc trao đổi riêng với ông.

- Thưa ông, có ý kiến (BS.TS. Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD), Cơ quan điều phối liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm NCDs-VN - PV), cho rằng, "ngành sản xuất rượu bia là ngành sản xuất phi nhân bản. Doanh nghiệp rượu bia càng tăng trưởng thì giá trị sức khỏe của cộng đồng càng giảm đi. Do vậy, cần phải có một dự luật với những điều khoản đủ sức kiểm soát sự ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội". Ông nhận xét như thế nào về quan điểm này?

ĐB Dương Trung Quốc: Tôi hỏi thế này: Rượu bia đến nay mấy nghìn năm rồi vẫn tồn tại. Tại sao nó tồn tại được nếu nó phi nhân bản? Quan điểm đó cũng là quan điểm phi nhân bản. Nếu nói theo quan điểm đó thì tốt nhất đừng sản xuất. Vấn đề là anh sử dụng như thế nào. Tại sao các quốc gia khác người ta là những cường quốc rượu bia mà họ vẫn khống chế được tác hại?

- Người ta nói rằng rượu bia là một chất gây nghiện, do vậy, nếu không hạn chế ngay từ ban đầu, chờ đến khi lạm dụng rồi thì đã quá muộn. Ví dụ như chúng ta không hạn chế quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, không hạn chế trẻ em hay thanh thiếu niên tiếp cận với rượu bia thì sẽ rất tai hại?

Tôi xin nói rằng rất cần có luật pháp để hạn chế và những điều chị nêu ra tôi cũng chia sẻ rất nhiều. Nhưng tôi cho là cách tiếp cận vấn đề phải khác. Cách tiếp cận nói rằng sản xuất ra độc hại, chỉ thấy tác hại của rượu bia là không bình thường. Chúng ta toàn nhìn thấy hiện tượng mặt trái để biến thành toàn cục. Đấy là sai lầm. Tôi cho rằng nếu ta làm tốt thì con người phải tự kiểm soát mình.

- Nhưng văn hóa, ban đầu cũng phải được điều chỉnh bởi luật pháp. Ví dụ như văn hóa giao thông, người nước ngoài khi sang đến Việt Nam lại không thực hiện văn hóa giao thông như khi ở nước họ, có phải là do luật của chúng ta không nghiêm?

Tôi ngờ rằng luật của chúng ta đủ nghiêm, nhưng chúng ta không thực thi, nhất là người dân. Chưa có đủ chế tài. Ví dụ như ở Quốc hội cũng luôn luôn có một điệp khúc là chế tài chưa đủ mạnh. Mà hình như chế tài chưa đủ mạnh đôi khi là do lợi ích của một nhóm nào đó.

- Nhưng nếu ông nói là do văn hóa thì tại sao khi họ sang nước ta văn hóa của họ lại thay đổi?

Cái đó là do cả chuỗi vấn đề chứ không phải do luật pháp của chúng ta kém. Đó là do thực thi luật pháp kém.

- Dù là do thực thi thì như vậy cũng có nghĩa là văn hóa đó cũng bị ảnh hưởng bởi luật pháp và vẫn phải dùng luật pháp để điều chỉnh?

Nếu điều chỉnh thế thì tốt nhất là không cho đi nữa, không uống rượu nữa. Vấn đề là độ (cồn - PV) như thế nào và phù hợp với hoàn cảnh của chúng ta.

- Nhưng Luật này cũng không cấm sản xuất hay cấm uống?

Tôi đang bàn câu chuyện về tên của luật. Ngày Tết chúng ta có thắp hương chén rượu không? Người ta chiêu đãi có dùng rượu không? Chính phủ tiếp nước ngoài không có rượu có được không?

- Thế nhưng trước đây chúng ta cũng sử dụng rượu như vậy, vậy tại sao nó không tràn lan, không nhiều như bây giờ?

Nhiều hay ít là do vấn đề lạm dụng.

- Vậy theo ông đánh giá, tại sao ngày nay tình trạng lạm dụng rượu bia lại ngày càng nhiều? Có phải là do sự tiếp cận quá dễ dàng so với trước đây hay không?

Tôi rất nghi ngờ tất cả những số liệu đưa ra ở Quốc hội. Lúc thì 8,3 lít rượu bia, lúc thì 8,3 lít rượu. Hiện nay tất cả những con số đều có lợi ích ở đằng sau. Cho nên tôi nghĩ điều quan trọng là mỗi một con người tự nhận thức về chuyện đó, và phải dùng chế tài. Như chuyện giao thông thì có luật giao thông giải quyết rồi. Đưa rượu bẩn vào thì luật Công Thương có rồi. Tại sao chúng ta không thực hiện tốt cái đó đi, mà lại đẻ ra một luật nữa, như luật về thuốc lá đó, có thực hiện được đâu, ai phạt?

- Như ông nói là mọi con số đều có lợi ích đằng sau. Vậy thì ông nghĩ sao khi cũng có ý kiến cho rằng, trong khi nhiều người ủng hộ luật phòng chống tác hại của rượu bia đang đứng về phía lợi ích sức khỏe của người dân thì những phát biểu phản đối luật này lại đứng về phía lợi ích của doanh nghiệp?

Tôi chưa bao giờ đặt vấn đề là luật này không cần thiết. Tôi chỉ nói về cách đặt vấn đề, cách nhận thức vấn đề, liệu có nên đặt tên luật là luật phòng chống tác hại của rượu bia hay không. Rượu bia đâu có tác hại. Ta sử dụng nó mới có tác hại. Văn hóa là ở chỗ ấy.

- Vâng, xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tỷ lệ nam giới uống rượu, bia cao và tỷ lệ này ở cả hai giới đều đang gia tăng. Năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu, bia trong 30 ngày qua thì đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới.

Xu hướng trẻ hóa tuổi sử dụng rượu, bia là một vấn đề nghiêm trọng do các hệ lụy về sức khỏe, xã hội đối với giới trẻ. Tỷ lệ uống rượu, bia ở vị thành niên và thanh niên là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ.

Theo điều tra sức khỏe học sinh năm 2013 có 43,8% học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 đã uống cốc rượu/bia đầu tiên trước 14 tuổi và 22,5% đã uống đến mức say ít nhất 1 lần.

Năm 2015 có tới 44,2% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại (tăng gần gấp đôi so với năm 2010 là 25,1%)

Bằng chứng khoa học quốc tế cho thấy rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10 (một số tên bệnh đã có từ rượu như loạn thần do rượu, xơ gan do rượu, hội chứng rượu bào thai…), là một trong 4 yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh không lây nhiễm.

Sử dụng rượu, bia gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể như: gây ung thư (gan, khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, tụy, thận, đại - trực tràng, vú); gây rối loạn tâm thần kinh (loạn thần, trầm cảm, rối loạn lo âu, giảm khả năng tư duy, giảm khả năng điều khiển hành vi); bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ); bệnh tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính); ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi và phát triển của bào thai; suy giảm miễn dịch…

Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Theo báo cáo của WHO (2014) tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia ước tính chiếm 36,2% ở nam giới và 0,7% ở nữ giới.

Thống kê hằng năm có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia; Khoảng gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia; Phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi trước 30 chiếm tới 70%.

11% hộ gia đình xảy ra bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em. Tỷ lệ trẻ em Việt Nam chịu tác hại từ việc sử dụng rượu, bia của người khác thuộc nhóm 2 nước cao nhất…

(Nguồn: Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế trước Quốc hội ngày 9/11/2018)

Xuân Hưng (thực hiện)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201811/dbqh-duong-trung-quoc-toi-nghi-ngo-tat-ca-so-lieu-ve-ruou-bia-dua-ra-o-quoc-hoi-619117/