ĐBQH HUỲNH THỊ PHÚC: BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG KHI SẢN PHẨM KHÔNG ĐÚNG CAM KẾT

Góp ý về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng, trước thực trạng hiện nay việc quảng bá, quảng cáo, các sản phẩm, dịch vụ trên các kênh truyền thông qua các nền tảng số có tình trạng tràn lan và các giải pháp hiện tại chưa xử lý hiệu quả, dự thảo Luật cần có quy định cụ thể bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng trong trường hợp chất lượng sản phẩm quảng cáo không đúng như cam kết.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 10 Điều 4 theo hướng khi sử dụng dịch vụ công người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 36 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.

Dự thảo Luật cũng đã có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng. Cụ thể, bên cạnh việc tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có các trách nhiệm chung quy định tại Chương II, dự thảo Luật đã quy định về giao dịch trên không gian mạng, giao dịch trên nền tảng số (Mục 1 Chương III về Giao dịch từ xa). Theo đó, dự thảo Luật đã bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung và giải pháp để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng như quy định chung về trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng (khoản 2 Điều 39); trách nhiệm cụ thể của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian (khoản 3 Điều 39); xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số (khoản 3 Điều 39); thực hiện nghĩa vụ nhận ủy quyền của người tiêu dùng trong quá trình giao dịch trên nền tảng số (điểm n khoản 3 Điều 39)…

Ngoài ra, Chương II dự thảo Luật còn có các quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, giao kết, chấm dứt hợp đồng, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa khuyết tật, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng như công bố…

Về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội, dự thảo Luật đã có nhiều quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trong đó có Hội bảo vệ người tiêu dùng) như đại diện người tiêu dùng khởi kiện khi có yêu cầu và ủy quyền hoặc tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng…

Đồng thời, dự thảo Luật đã quy định cụ thể các hoạt động của Hội khi tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phân loại rõ các loại hình tổ chức xã hội để có căn cứ thực hiện việc Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.

ĐBQH Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Phát biểu ý kiến về về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bày tỏ thống nhất với bố cục của dự thảo Luật và Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Tuy nhiên, để hoàn thiện cần điều chỉnh, bổ sung một số nội dung.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung, sửa đổi một số nội dung như sau tại Chương II dự thảo Luật về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng. Tại Điều 14 quy định về bảo đảm an toàn đo lường chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng, đại biểu Phúc đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung nội dung về quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng, tài sản của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ, hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đo lường, chất lượng, an toàn như đã cam kết theo quy định.

Nữ đại biểu cho rằng, trong thời đại công nghệ 4. 0 của thế giới phẳng, việc giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ qua nền tảng số qua không gian mạng là tất yếu. Với thực trạng hiện nay, tình trạng quảng cáo cũng như các vấn đề liên quan đến quảng cáo trên các nền tảng số, dự thảo Luật bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) cũng đã bổ sung các quy định có liên quan kịp thời và phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, vẫn còn một số nội dung trên không gian mạng cần xem xét kỹ hơn như tại quy định của Điều 39 của dự án Luật. Cụ thể, tại Điểm d, khoản 3, Điều 39 dự án luật theo hướng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp có có thể cho phép người tiêu dùng phản hồi, đánh giá về tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp, đồng thời hiển thị đầy đủ và chính xác kết quả phản hồi, đánh giá, trừ trường hợp phản hồi, đánh giá đó vi phạm các quy định của pháp luật và trái với đạo đức của xã hội.

Đồng thời cũng cần xem xét bổ sung các quy định về việc tổ chức thiết lập, vận hành, thực hiện các biện pháp giám sát, phản biện, cảnh báo cho người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số có dấu hiệu nghi ngờ bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng và các quy định về thời hạn loại bỏ khỏi nền tảng số những cá nhân, tổ chức vi phạm liên quan đến nội dung này.

Bên cạnh đó, đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan truyền thông trong việc quảng cáo, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải đảm bảo không được sai lệch về chất lượng, giá, công dụng, cũng như thổi phồng chức năng của sản phẩm dẫn đến các hành vi lừa dối, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, đồng thời đảm bảo không được vi phạm thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Trước thực trạng hiện nay việc quảng bá, quảng cáo, các sản phẩm, dịch vụ trên các kênh truyền thông qua các nền tảng số có tình trạng tràn lan và các giải pháp hiện tại chưa xử lý hiệu quả, nữ đại biểu đề nghị trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) lần này cần cập nhật, bổ sung các quy định để đảm bảo tính chặt chẽ hơn trong áp dụng và tính khả thi của pháp luật về vấn đề này./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76258