ĐBQH kiến nghị Nhà nước cần có cổ phần để chi phối, điều hành và quản lý công ty nước sạch

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) nước sạch là một vấn đề an ninh rất quan trong nên Nhà nước cần có cổ phần để chi phối, điều hành và quản lý trong các công ty nước sạch.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM). Ảnh quochoi.vn

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM). Ảnh quochoi.vn

Thông tin trên báo Lao Động, sáng 7/11, trong phiên chất vẫn Bộ trưởng bộ Công thương Trần Tuấn Anh, vấn đề nước sạch tiếp tục trở thành chủ đề nóng mà nhiều đại biểu quan tâm, bởi đây không chỉ là vấn đề đời sống dân sinh mà còn là vấn đề an ninh.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) đặt vấn đề, việc mua bán, sáp nhập trong kinh tế thị trường là tất yếu. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng sẽ làm gia tăng tình trạng độc quyền thao túng thị trường.

Trao đổi về vấn đề này, đại biếu Trương Trọng nghĩa (đoàn TP.HCM) cho hay, việc kêu gọi nhưng doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư nhà máy sạch là một chủ trương đúng.

Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, tại các nhà máy nước sạch ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM thì Nhà nước nên xem xét để chiếm một phần chi phối trong các công ty này.

Vị đại biểu đưa ra lý do, nước sạch là vấn đề an ninh quan trọng. Đặc biệt hơn, tại các thành phố lớn, tập trung dân cư đông thì có đến hàng triệu người dùng nước sạch nếu không kiểm soát được thì sẽ trở thành một vấn đề hết sức nhạy cảm và gây hệ quả nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, các nhà máy nước tư nhân họ có quyền chuyển nhượng, thoái vốn. Hiện Việt Nam không hạn chế việc doanh nghiệp nước ngoài sở hữu vốn trong các công ty nhà máy nước cung cấp nước sạch. Điển hình như tỉ phú Thái Lan mua 34 % cổ phần trong Nhà máy nước sạch Sông Đuống.

Ông Nghĩa khẳng định: “Họ mua cổ phần được thì họ có quyền bán, sang nhượng cổ phần cho doanh nghiệp khác - thậm chí là một đơn vị nước ngoài mà họ có lợi. Nếu việc chuyển nhượng, thoái vốn mà ở trong nước thì không phải lo ngại. Điều tôi lo ngại nhất ở đây là việc chuyển nhượng vốn cho doanh nghiệp ở nước ngoài.

Thậm chí họ có thể chuyển nhượng cho những doanh nghiệp mà ở đất nước họ đang cạnh tranh, tranh chấp chủ quyền với Việt Nam. Như ta đã biết, đã từng có việc sử dụng nguồn nước như một ‘loại vũ khí’ trong tranh chấp giữa các Quốc gia”

Một lần nữa, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, ở một số nước trên thế giới, có một số lĩnh vực, ngành nhạy cảm với an ninh quốc gia, với an ninh an toàn xã hội thì người ta vẫn cho tư nhân làm. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn chiếm cổ phần chi phối.

“Chính vì vậy, tôi đưa ra như thế để ta xem xét và suy nghĩ”, ông nói.

Trước đó, báo Pháp Luật TP.HCM đưa tin, trong chiều 8/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH.

Trả lời những đại biểu liên quan đến vấn đề nước sạch, Thủ tướng nói: “Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện đúng pháp luật về Luật Quản lý tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc hội thông qua.

Trong đó phải làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý chặt chẽ, đảm bảo an ninh nguồn nước an toàn cho người dân, tránh tình trạng như thời gian qua báo chí đã nêu”.

Liên quan đến tỉ lệ nắm giữ của Nhà nước đối với việc cung ứng nước sạch cho người dân, Thủ tướng nhấn mạnh: “Tôi yêu cầu các cấp, các ngành nắm và thực hiện theo đúng Quyết định 2502 ngày 22/12/2016 của Thủ tướng (Quyết định phê duyệt điều chỉnh định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050).

Tôi nhất trí rằng đây là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Chính vì vậy, Thủ tướng phải tăng cường chỉ đạo kiểm tra các cấp, các ngành để thực hiện đúng luật về bảo vệ tài nguyên nước mà chúng ta đã ban hành”.

Thủy Tiên (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/dbqh-kien-nghi-nha-nuoc-can-co-co-phan-de-chi-phoi-dieu-hanh-va-quan-ly-cong-ty-nuoc-sach-a300278.html