ĐBQH lo 12 dự án thua lỗ lừng khừng, Bộ trưởng hứa

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định đã có đề án với lộ trình xử lý cụ thể, mục tiêu năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý.

Trong phiên thảo luận về kinh tế-xã hội tại Quốc hội sáng 27/10, một số đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến việc xử lý các dự án yếu kém.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng lo ngại 12 dự án yếu kém của Bộ Công thương vẫn giẫm châm tại chỗ. Đi khảo sát tơ sợi Đình Vũ, mỗi tấn tơ sợ lại lỗ, hiện mỗi năm hết 550 tỷ tiền khấu hao. Có cần thiết giữ lại hay không? Hay dự án Gang thép Thái Nguyên, đã có chỉ đạo của nhiều ngành, nhưng kiên quyết không cổ phần hóa.

Ông Nhưỡng đề nghị "dự án nào mà kém hiệu quả cho phá sản ngay. Còn dự án nào hiệu quả thì phải cổ phần hóa".

Thông tin việc tái cơ cấu 12 dự án, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo rất mạnh mẽ, quyết liệt và có lộ trình xử lý. Mục tiêu 2018 là cơ bản xử lý, và xử lý dứt điểm là vào năm 2020 trên 3 nguyên tắc lớn: trong khuôn khổ của luật pháp, hoàn toàn nguyên tắc thị trường, đảm bảo nguyên tắc tự chịu trách nhiệm, đảm bảo lợi ích của các đối tác.

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh

Ông Trần Tuấn Anh thông tin cụ thể: Đối với 6 dự án là các nhà máy phải dừng kinh doanh vì kém hiệu quả thì đến nay đã có 2 dự án, nhà máy đã bước đầu có hiệu quả tích cực, không còn lỗ nữa.

Hai dự án này nếu xem xét ở góc độ yêu cầu đưa ra là phải đảm bảo được yếu tố bền vững trong vấn đề phát triển thì hai nhà máy, dự án này đã đạt được yêu cầu đó.

"Đưa ra không phải là lấy thành tích mà để nó hòa nhập với nền kinh tế, đảm bảo tính bền vững hơn, dự án cũng không nợ nần", Bộ trưởng Công thương nói.

Về dự án DAP của Lào Cai, dự án DAP của Hải Phòng cũng như dự án của Thép Việt - Trung, bộ trưởng Bộ Công thương cho biết hiện đã cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu. 4 dự án còn lại đã từng bước hoạt động, bắt đầu giảm lỗ, có lãi.

Ba dự án tiếp theo liên quan thì trong đó có dự án của Bình Phước cũng đã khôi phục được các động thái thương mại và từng bước tham gia vào thị trường, dự án của Bình Sơn thì bắt đầu tham gia sản xuất và cung ứng cho xã hội, ra sản phẩm và được chấp nhận.

Còn dự án ở Phú Thọ thì đây cũng là nội dung liên quan đến các vấn đề phức tạp khác như là dự án ở Thái Nguyên... thì có những vấn đề liên quan đến công nghệ hay là thậm chí vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh góc độ.

Những dự án này hiện đã có sự tham gia của các cơ quan điều tra Bộ Công an cũng như Thanh tra Chính phủ. Trong thời gian tới Bộ Công thương sẽ cập nhật diễn biến đầy đủ.

"Tuy nhiên chúng tôi xin khẳng định rằng tất cả các dự án đều được xem xét rất tích cực, cả về trách nhiệm lẫn yếu tố hình sự của các tổ chức cá nhân liên quan", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Minh Thái (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/thi-truong/dbqh-lo-12-du-an-thua-lo-lung-khung-bo-truong-hua-3368063/