Đbqh lưu bình nhưỡng: tất cả cán bộ công chức nhà nước đều phải kê khai tài sản

Sáng 25/10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đây là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong công cuộc đấu tranh, phòng chống tham nhũng của đất nước hiện nay. Dự kiến tại kỳ họp này, dự thảo Luật sẽ được Quốc hội thông qua nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc đấu tranh, xử lý và phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn.

Xung quanh vấn đề liên quan đến dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Phóng viên: Thưa đại biểu, một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) là việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Có 2 phương án được đưa ra là: Xem xét, giải quyết tại Tòa án hoặc Thu thuế thu nhập cá nhân. Đại biểu cho ý kiến gì về 2 phương án này?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Trước hết, có thể thấy cơ quan thẩm tra đã nêu ra rất nhiều vấn đề và hôm nay nghe báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có 2 phương án: Một là phương án sử dụng tố tụng dân sự để xử lý thu hồi. Thứ hai là thực hiện chính sách áp dụng thu thuế.

Tôi cho rằng cả hai phương án này còn rất nhiều điểm băn khoăn. Thứ nhất là việc sử dụng tòa án là một công cụ tốt vì theo quy định của hiến pháp và pháp luật tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp và có quyền tác động đến các quyền lợi ích của người dân và ở đây chính là một trong những vấn đề phải thống nhất về tính chất pháp quyền của nhà nước. Tuy nhiên, việc sử dụng phương án tố tụng dân sự còn có một số vướng mắc, vướng mắc đầu tiên là sử dụng dân sự thì có hay không có hợp đồng mà hợp đồng chúng ta lại không có, chúng ta không thấy có vi phạm hợp đồng. Tức là cơ quan không chứng minh được sự vi phạm ngoài hợp đồng thì việc sử dụng tố tụng dân sự là còn có vướng mắc đó. Thứ hai khi sử dụng tố tụng dân sự, nếu sử dựng khái niệm thu hồi có nghĩa là chia một phần tài sản tham nhũng. Như vậy gọi là hình sự trá hình về vấn đề thu hồi tài sản.

Về vấn đề thứ hai là sử dụng thuế, nhiều cử tri có băn khoăn rằng tài sản trong báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu rất rõ là đây là tài sản tích lũy nhiều năm, nhiều đời hoặc có thể do rất nhiều nguồn gốc để lại. Vậy do không giải trình được mà thu thuế thì trước đó có thể tài sản này đã được đánh thuế nhiều lần. Vậy việc đánh thuế này có trùng với những lần trước hay không và đánh thuế coi đây là biện pháp tạm coi là tài sản cần phải thu thuế thì việc tạm coi tức là hình thức giả định, giả định mà sử dụng biện pháp là thu thuế thì rất khó thuyết phục đối với cử tri và nhân dân cả nước. Tôi hoan nghênh vấn đề chúng ta phải quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng nhưng phải đảm bảo được tính khoa học, tính thức tiễn, tính lý luận và tính khả thi.

Phóng viên: Liên quan đến cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo đại biểu chúng ta nên thành lập cơ quan chuyên biệt về vấn đề này hay nên giao cho các cơ quan thanh tra như một số ý kiến đã đưa ra?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Hiện nay có 3 luồng quan điểm. Một là các cơ quan quản lý cán bộ. Hai là giao cho cơ quan thanh tra. Ba là thành lập cơ quan chuyên trách.

Về hướng lâu dài thì tôi cho rằng cần nên thành lập cơ quan chuyên trách và như quan điểm của tôi nên đổi tên "Ủy ban Tư pháp" thành "Ủy ban Tư pháp và phòng chống tham nhũng" hoặc thành lập riêng một cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng của Quốc hội. Tuy nhiên, nếu trong thời điểm hiện nay chưa thực hiện được thì sử dụng phương án 2 là giao cho hệ thống cơ quan thanh tra để kiểm soát nhưng điều quan trọng cần phối hợp đến công tác quản lý cán bộ với cơ quan quản lý và kiểm soát tài sản và thu nhập của cán bộ công chức mới đảm bảo được. Vì xét ở khía cạnh nào đó thì trong công tác cán bộ thì đây là nội dung rất quan trọng để chúng ta đánh giá, bổ nhiệm, luôn chuyển đề bạt cán bộ của Đảng và Nhà nước.

Phóng viên: Đối tượng nào thuộc diện phải kiểm soát tài sản, thu nhập, đây cũng là vấn đề còn có nhiều ý kiến. Quan điểm của đại biểu như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Theo tôi phương án kê khai lần đầu tất cả cán bộ công chức nhà nước đều phải kê khai tài sản bởi khi bước vào con đường sự nghiệp là làm việc cho nhà nước thì phải có đánh dấu ngay lập tức về tài sản của mình. Đấy trở thành một cơ sở nền tảng để sau này chúng ta có kiểm soát. Bởi nếu chúng ta bảo là của cha ông để lại thì lúc đó chúng ta thấy anh đã có gì rồi. Những trong giai đoạn hiện nay thì nên mở rộng đến phạm vi chúng ta có khả năng thực thi được. Còn nếu chúng ta không có khả năng thực thi mà chúng ta lại mở rộng quá thì dẫn đến không có tính khả thi và không có tính khả thi thì không nên làm. Vì vậy tôi đề nghị làm sao đảm bảo mở rộng, nhưng mở rộng đúng với năng lực làm việc, không nên mở rộng vượt quá phạm vi cho phép. Về cơ bản tôi đồng tình với dự luật nêu ra./.

Lê Phương

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=37897