Đbqh nguyễn anh trí: cần siết chặt công tác quản lý khám chữa bệnh của cở sở y tế tư nhân

Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2009 và có hiệu lực từ 01/01/2011. Luật Khám bệnh, chữa bệnh được ban hành đã tạo ra một khung pháp lý mới trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân thông qua việc quản lý hành nghề và bảo đảm tôn trọng quyền của người bệnh.

Tuy nhiên sau 5 năm triển khai, một số nội dung của Luật Khám chữa bệnh chưa phù hợp với thực tế, chưa đáp ứng được với mục tiêu mong đợi, một số quy định còn chưa hội nhập với hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của các nước trên thế giới và trong khu vực. Bên cạnh đó, công tác thực thi luật vẫn còn nhiều bất cập. Hiện nay, qua báo cáo của các Sở Y tế và thực tế Bộ Y tế kiểm tra cho thấy, một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân, đặc biệt là các phòng khám tư nhân còn vi phạm các quy định về pháp luật khám bệnh, chữa bệnh. Mới đây, vụ việc nhiều người ở xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ nghi bị nhiễm HIV do có dấu hiệu thầy thuốc dùng chung kim tiêm... lại một lần nữa khiến dư luận băn khoăn, lo lắng về công tác quản lý các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân hiện nay. Theo ý kiến của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bên cạnh việc siết chặt hơn nữa công tác quản lý khám chữa bệnh của các cơ sở tư nhân cần sớm ban hành Luật Y học dự phòng đồng thời củng cố ngay mạng lưới y tế cơ sở.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viên: Thưa đại biểu, vừa qua tại xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ đã phát hiện hơn 40 trường hợp nhiễm HIV và nghi vấn là do dùng chung kim tiêm khi khám, chữa bệnh tại nhà một y sĩ. Đại biểu có bình luận gì về sự việc này?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Sự việc xảy ra ở xã Kim Thượng là vô cùng đáng tiếc. Hiện bây giờ có hơn 40 trường hợp bị nhiễm HIV và xu hướng chung đang được cho là do 1 y sĩ dùng chung kim tiêm để điều trị. Khi sự việc xảy ra, Bộ Y tế đã kịp thời vào cuộc để tìm hiểu một cách có lý có tình sự việc. Tôi hoàn toàn đồng tình với đánh giá của của Bộ Y tế cho rằng, việc lây nhiễm này là có thật nhưng quy cho vị y sĩ dùng chung kiêm tiêm thì chưa đủ bẳng chứng để thuyết phục. Thực tế, đây là địa bàn đã nhiều năm có người bị nhiễm HIV cho nên nguyên nhân dẫn đến bất thường này phải được tiếp tục xem xét, điều tra kỹ lưỡng. Việc Bộ Y tế kịp thời vào cuộc, xem xét vụ việc đã giúp ổn định lại tình hình, trấn an tâm lý người dân.

Phóng viên: Thưa đại biểu, vụ việc ở Phú Thọ chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, trước đó cũng từng xảy ra vụ việc hàng loạt trẻ em ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên bị mắc bệnh sủi mào gà sau khi khám tại một cơ sở y tế tư nhân. Từ những vụ việc này, đại biểu đánh giá như thế nào về công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Xu hướng chung là y tế tư nhân đang rất nỗ lực, cố gắng để tạo ra thương hiệu. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại các phòng khám theo kiểu tự phát, chưa đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh, chưa đảm bảo an toàn cho người bệnh. Câu chuyện xảy ra ở Hưng Yên hay Phú Thọ và có thể ở nhiều nơi khác nữa mà chúng ta chưa phát hiện ra là do công tác quản lý y tế ở cơ sở vẫn còn lỏng lẻo. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở, phòng khám tư nhân thời gian qua còn chưa kịp thời, hiệu quả.

Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu thời gian tới các ban, ngành chức năng cần thực hiện những giải pháp như thế nào để nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh hiện nay?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Vừa qua, Sở Y tế Hà Nội cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cũng đã có cuộc giám sát về y tế dự phòng và đặc biệt, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về y tế cơ sở. Qua giám sát và các buổi làm việc cũng có nhiều ý kiến đại biểu cũng như chuyên gia về vấn đề nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hiện nay.

Thực tế, những năm vừa qua Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến y tế dự phòng, y tế cơ sở nhưng rõ ràng công tác quản lý của chúng ta vẫn còn bị lỏng lẻo. Để khắc phục tình trạng này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Thứ nhất, phải sớm xây dựng Luật y học dự phòng để mở rộng đối tượng, nhiệm vụ về y tế dự phòng và có đủ nguồn lực để triển khai tốt hoạt động y tế dự phòng. Thứ hai, phải củng cố ngay mạng lưới y tế cơ sở, cần có chiến lược, chính sách hợp lý để phát triển tốt y tế tại cơ sở. Thứ ba, tiếp tục quan tâm hơn nữa y tế tư nhân theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng, bên cạnh việc tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=37079