ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VỀ PHƯƠNG ÁN BÙ LƯỢNG THỊT LỢN THIẾU HỤT

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đã có câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về phương án bù lại lượng thịt lợn thiếu hụt do dịch tả châu Phi gây ra.

Dịch tả lợn châu Phi ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn

Chăn nuôi lợn tạo thu nhập cho hơn 3,4 triệu hộ gia đình, chiếm tỷ trọng 26,9% trong tổng số 9,32 triệu hộ sản xuất nông, lâm, thủy sản. Những năm gần đây, chăn nuôi lợn tăng trưởng với tốc độ 1,5%/năm. Tuy nhiên, tháng 2/2019, dịch tả lợn Châu Phi đã gây ảnh hưởng lớn đến việc chăn nuôi lợn. Số liệu thống kê cho thấy, đã có trên 5,9 triệu con lợn bị tiêu hủy, với tổng trọng lượng khoảng 341.000 tấn, chiếm 9% tổng đàn; sản lượng thịt lợn trong năm 2019 chỉ đạt 3,3 triệu tấn, giảm 13,8% so với năm 2018.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội chia sẻ, đợt dịch đã gây thiệt hại cho hầu hết các hộ chăn nuôi do lần đầu tiên phải đối phó với một dịch bệnh mới, chưa có vaccine, không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội

Nhận thức rõ ảnh hưởng của việc thiếu hụt nguồn cung thịt lợn sau dịch tả tả lợn Châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định công tác tái đàn là giải pháp gốc rễ. Từ tháng 10/2019, sau khi dịch tả lợn châu Phi ổn định, Bộ đã có chủ trương kết hợp cùng các địa phương tập trung cho tái đàn. Tuy nhiên, phương châm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra là tái đàn nhanh nhưng phải an toàn. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường dự báo, cuối quý III, đầu quý IV ngành nông nghiệp sẽ có được số lượng đàn lợn bằng thời kỳ trước khi bị dịch (cuối năm 2018). Tốc độ tái đàn lợn đã được xác định là ở mức nhanh.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Ở thời điểm hiện tại, các địa phương đều đã triển khai công tác tái đàn lợn. Về tổng thế chung, tốc độ tái đàn lợn quý I đạt 6,3%, nhưng riêng khu vực 15 đơn vị sản xuất lớn của chúng ta thì tốc độ lên tới 17%. Với việc chúng ta vẫn giữ được cái đàn lợn giống gốc, đàn lợn cụ kỵ, ông bà hiện nay là 109.000 con. Và đến giờ phút này vẫn còn xấp xỉ 2,7 triệu lợn nái. Cộng thêm những yếu tố trong hệ sinh thái cho ngành chăn nuôi như hệ thống sản xuất 20 triệu tấn cám, thú y, dịch vụ… đây là những tiền đề tốt để đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh”.

Tái đàn nhanh nhưng phải an toàn

Như vậy, việc tập trung tái đàn lợn bước đầu đã có kết quả khả quan. Đến hết quý I/2020, tổng đàn lợn cả nước so với tháng 12/2019 đã tăng 6,3% về số đàn. Cụ thể, đến cuối tháng 3, số đầu lợn là 24 triệu con. Với đà này, nhận định đến quý III và đầu quý IV, đàn lợn sẽ đạt số lượng bằng thời kỳ cao nhất cuối năm 2018 và lúc đó sẽ có đủ khối lượng để cung cấp cho thị trường.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng đã tổng kết được quy trình chăn nuôi an toàn sinh học cho hai nhóm đối tượng: chăn nuôi lớn có một quy trình an toàn sinh học, chăn nuôi nhỏ cũng rút ra được kinh nghiệm để hướng dẫn cho nông dân. Đây là những tiền đề rất tốt, cộng với những yếu tố trong hệ sinh thái cho ngành chăn nuôi như hệ thống sản xuất 20 triệu tấn cám, thú y, dịch vụ…dự kiến đàn lợn sẽ đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh.

Bình ổn giá

Sức nóng của thị trường thịt lợn bắt đầu ở khoảng giữa tháng 11/2019, khi giá heo hơi bắt đầu tăng ở các tỉnh chịu ảnh hưởng từ dịch, sau đó lan dần ra cả nước. Thời điểm hiện tại giá thịt lợn vẫn ở mức cao. Theo khảo sát tại các chợ dân sinh, giá thịt lợn hơi ở mức 80.000-90.000 đồng/kg và giá thịt thành phẩm tại chợ phổ biến ở mức 135.000-155.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Minh, một tiểu thương tại chợ Ngọc Hà cho biết, mặc dù một số đơn vị cung cấp thịt lợn đã nới lỏng và tuyên bố bán giá thịt lợn hơi bán ra thị trường giảm theo đề nghị của Chính phủ. Tuy nhiên, tiểu thương đi mua thịt lợn chỉ mua được số lượng ít và phải gánh thêm các chi phí bên ngoài.

Giá thịt lợn thành phẩm tại chợ dân sinh vẫn ở mức cao

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng bình ổn giá thịt lợn. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 20/3/2020 về giải pháp bình ổn giá thịt lợn, thúc đẩy sản xuất và chế biến nông sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương thực hiện quản lý mặt hàng thịt lợn theo nguyên tắc: đây là mặt hàng quan trọng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, văn hóa tiêu dùng thực phẩm của người Việt Nam; trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nguồn cung chưa bảo đảm thì giá thịt lợn là giá thị trường có sự quản lý của nhà nước, trong đó tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và cân đối cung cầu để bình ổn giá thịt lợn; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ và quản lý giá cả để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra; quyết liệt thực hiện các giải pháp chống đầu cơ, trục lợi, thao túng và nâng giá bất hợp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tiếp đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 21-4, Thủ tướng yêu cầu thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để sớm giảm giá thịt lợn về khoảng trên dưới 60.000 đồng/kg. Thủ tướng giao cho các Bộ: NN&PTNT, Công thương, Tài chính, Công an theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn giá thịt heo, trước hết là kiểm tra giá thành, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, quy mô lớn để có biện pháp hữu hiệu. Nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi phải xử lý theo quy định pháp luật.

Đẩy mạnh tái đàn an toàn

Nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi đến nguồn cung thịt lợn, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh tái đàn nhanh nhưng an toàn. Vậy những giải pháp này liệu có giúp nhanh chóng bù đắp nguồn cung thiếu hụt? Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viên: Xuất phát từ thực trạng nào đại biểu lại chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp bù lại lượng thịt lơn thiếu hụt?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, tôi đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về giải pháp để bù lại lượng thịt lợn bị thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi gây ra.

Sở dĩ tôi đưa ra vấn đề này là bởi, dịch tả Châu Phi đã ảnh hưởng và gây thiệt hại trực tiếp đến đàn lợn, làm giảm sản lượng. Việc giảm sản lượng thịt lợn ảnh hưởng đến nguồn cung vì nhu cầu về thịt lợn hàng ngày là rất lớn, đặc biệt thời điểm đó lại là dịp sắp tết nguyên đán. Vì vậy, rất cần thiết có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt, nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng của người dân.

Phóng viên: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có phần trả lời trước nghị trường Quốc hội. Vậy đại biểu có đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi cơ bản tán thành với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Bộ trưởng đã phân tích và chỉ rõ các giải pháp trọng tâm nhằm kịp thời bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do ảnh hưởng của dịch. Tôi tin tưởng và kỳ vọng vào những giải pháp của Bộ trưởng đưa ra và thực tiễn sẽ kiểm nghiệm những giải pháp này là phù hợp hay không?

Phóng viên: Trong phần trả lời, Bộ trưởng Bộ Nông nghịip và Phát triển nông thôn có đề cập đến nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp trọng tâm là tái đàn nhanh nhưng phải an toàn. Đại biểu có đánh giá như thế nào về giải pháp này?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Bộ trưởng đã có sự phân tích rất kỹ càng và đưa ra 3 nhóm giải pháp trọng tâm trong đó giải pháp mang tính gốc rễ là tiến hành tái đàn nhanh nhưng an toàn. Tôi hoàn toàn đồng tình và đánh giá cao giải pháp này của Bộ trưởng. Đây là giải pháp mang tính căn cơ lâu dài đảm bảo tính bền vững. Thực tế, Bộ đã tích cực triển khai trên thực tế và bước đầu mang lại nhiều kết quả khả quan. Bộ trưởng cũng đã trực tiếp xuống các trang trại, hộ sản xuất để kiểm tra, giám sát việc tái đàn cho thấy sự sát sao, quyết liệt của Bộ trưởng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh covid 19 đang ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh tế -xã hội, gây khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ của nhiều ngành, nhiều cấp. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực trong việc đẩy mạnh tái đàn an toàn cùng nhiều giải pháp khác nhằm sớm bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt do dịch tả Châu Phi gây ra. Đại biểu và cử tri kỳ vọng, với những giải pháp đang được Bộ triển khai mạnh mẽ thì trong quý II, lượng cung về thịt lợn sẽ được bù đắp và vượt sản lượng, góp phần quan trọng vào bình ổn giá thịt lợn, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=45007