ĐBQH NGUYỄN QUỐC BÌNH: QUỐC HỘI KHÓA XIV ĐÃ CÓ NHIỀU ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN VÀ SÁNG TẠO

Phát biểu thảo luận tại Tổ 1 về báo cáo hoạt động nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Quốc Bình, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, Quốc hội khóa XIV so với khóa XIII đã được tiếp tục đổi mới toàn diện và có những điểm rất sáng tạo.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu nhất trí cao dự thảo báo cáo toàn văn của Quốc hội khóa XIV và báo cáo tắt của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình bày tại hội nghị. Theo đại biểu báo cáo đã đánh giá khá đầy đủ, toàn diện về vai trò Quốc hội. Có thể thấy Quốc hội khóa XIV so với khóa XIII đã được tiếp tục đổi mới toàn diện và có những điểm rất sáng tạo trên các lĩnh vực lập hiến, lập pháp, rồi giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Đặc biệt hoạt động đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ này có nhiều điểm rất đáng ghi nhận.

Đại biểu bày tỏ nhất trí với năm nội dung mà báo cáo của Chủ tịch đã đọc và 6 bài học kinh nghiệm trong bài diễn văn tóm tắt của Chủ tịch đã nêu ra. Đại biểu cho rằng hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ XIV đã thể hiện rất rõ vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội khóa XIV đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc và đánh giá tốt đẹp đối với các đại biểu Quốc hội và đối với cử tri và nhân dân cả nước.

Về một số hoạt động nổi bật cụ thể, đại biểu nêu ví dụ: Trong hoạt động xây dựng chương trình của Quốc hội cũng như là trong điều hành phiên họp có rất nhiều cải tiến và khoa học hơn rất nhiều. Đại biểu nhấn mạnh mặc dù thời gian rất là ít nhưng không có những thời gian trống hoặc là những bố trí không hợp lý như chương trình của khóa XIII là đôi lúc vẫn còn nhiều điểm trống. Nhưng mà thời gian và chương trình của kỳ họp của khóa XIV phần lớn bố trí rất là khoa học. Vấn đề thứ hai là trong phát biểu, đã biến phát biểu thành tranh luận. Đây cũng là một điều rất khoa học và đổi mới so với Quốc hội khóa XIII. Trong chất vấn, tinh thần là hỏi nhanh, trả lời nhanh và đáp gọn cho nên các phiên chất vấn lần này đã hiệu quả hơn rất nhiều, hỏi được rất nhiều và trả lời cũng rất là thẳng và ngắn gọn, đi thẳng vào các vấn đề trọng tâm. Trong hoạt động giám sát tối cao, nhiệm kỳ này chương trình giám sát cũng cụ thể, thiết thực và hoạt động toàn diện, minh bạch hơn. Trong việc quyết định vấn đề quan trọng của đất nước, các vấn đề được quyết định mang tính khoa học, dân chủ và quyết định các vấn đề được đại biểu Quốc hội tham khảo, thảo luận và lấy ý kiến từ rất nhiều các tầng lớp trong xã hội, các tổ chức xã hội, đồng thời các quyết định cũng rất chuẩn xác.

Để góp ý cho hoạt động của nhiệm kỳ tới, đại biểu đề xuất một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, việc giám sát tối cao cần xây dựng và đi vào một số các chương trình cụ thể, mang tính chất cấp bách và thiết thực hơn nữa. Đại biểu nêu ví dụ: chúng ta tăng cường giám sát về cơ chế, chính sách. Vấn đề cơ chế, chính sách là một tài nguyên trí tuệ rất quan trọng đối với bất kể sự phát triển của đất nước nào. Đấy là kinh nghiệm quốc tế đã có nhiều rồi. Đặc biệt, việc giám tăng cường giám sát về cơ chế, chính sách sẽ có hai chiều. Một mặt thúc đẩy các cơ quan hành pháp phải nhanh chóng, kịp thời ra những chính sách khoa học phù hợp. Mặt khác, chúng ta cũng xem xét các quy trình ban hành các chính sách để đảm bảo khoa học và thực tiễn. Đó là một quá trình để đảm bảo sự lưu thông về cơ chế, chính sách, kể cả đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đại biểu nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng đặt ra yêu cầu của chúng ta trong những năm tới rất cao. Nếu chúng ta không thúc đẩy, không tăng cường giám sát về cơ chế, chính sách thì sẽ không có động lực thúc đẩy các cơ quan hành pháp ra các chính sách mới và đáp ứng kịp thời cho sự phát triển.

Thứ hai, tăng cường thêm hoạt động giám sát. Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân. Thế thì tăng cường thêm hoạt động giám sát trong việc xử lý các vấn đề khiếu kiện của người dân trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là người dân khiếu kiện về đất đai. Theo đại biểu, hiện nay còn những khiếu kiện còn kéo dài và xử lý của các cấp chính quyền cũng chưa đáp ứng được. Người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện, không chấp nhận cái của chính quyền. Vì thế, đại biểu đề nghị nên có những giải pháp và có giám sát, để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương cũng như chỉ ra những việc gì cần giải quyết tiếp, việc gì cần phải giải quyết triệt để nhằm đảm bảo ổn định, giải quyết ổn thỏa nguyện vọng cũng như mong muốn của người dân và tránh thiệt thòi cho những người dân đã phải khiếu kiện kéo dài mấy chục năm.

Thứ ba, vấn đề về mặt xây dựng pháp luật. Theo đại biểu, khóa XIV vừa rồi, việc cải tiến của Quốc hội về xây dựng pháp luật thì đã có những bước cải tiến, đổi mới. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể vẫn còn một số hạn chế nhất định, vì vậy để nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng luật, cụ thể: phải nâng cao hơn nữa đánh giá tác động trước khi ban hành luật; làm tốt hơn việc lấy ý kiến của các cơ quan và các đối tượng điều chỉnh chính của luật; đề nghị khi trình luật phải trình luôn văn bản hướng dẫn thi hành luật kèm theo hồ sơ luật;…

Thứ tư, về Quốc hội điện tử. Theo đại biểu, Quốc hội khóa XIV đã có đột phá về công nghệ thông tin. Quốc hội đã họp trực tuyến được qua mạng, gửi tài liệu qua mạng. Điều này rất quan trọng vì giảm được khối lượng tài liệu, in ấn, đảm bảo cho đại biểu Quốc hội đi đâu có thể không cần cầm tài liệu mà chỉ cần cầm Ipad là có thể làm được. Đúng như trong báo cáo đánh giá, đây là đột phá về công nghệ thông tin trong nhiệm kỳ qua. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần trong phát triển Quốc hội điện tử. Hiện nay, các nước đã bắt đầu tiến tới Quốc hội số, chính quyền số và Quốc hội số. Vì vậy, chúng cần đẩy mạnh và triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa Quốc hội điện tử để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội./.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=53847