ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương tiết lộ lý do kiến nghị làm rõ việc đào tạo phi công

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương – Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội vừa có thư kiến nghị gửi Bộ trưởng bộ GTVT yêu cầu làm rõ những tiêu cực trong việc đào tạo phi công của Vietnam Airlines.

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về những kiến nghị gửi Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu làm rõ tiêu cực trong việc đào tạo phi công của tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho biết: “Tôi đã có buổi tiếp xúc với một số phi công đang làm việc tại Vietnam Airlines, qua đó phát hiện ra rất nhiều vấn đề. Những vấn đề này không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã tồn đọng trong một thời gian dài. Ví dụ như câu chuyện Vietnam Airlines đối xử không công bằng giữa phi công nội và phi công ngoại, ăn bớt chế độ của phi công, tiêu cực trong tuyển phi công và tuyển tiếp viên...

Việc tôi viết thư gửi Bộ trưởng bộ GTVT về vấn đề này bởi nó liên quan đến thương hiệu của Quốc gia là Vietnam Airlines, đồng thời những vấn đề nghiêm trọng đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay. Nếu mãi tồn tại chế độ tuyển phi công theo một cách tiêu cực như thế thì chất lượng phi công sẽ không được đảm bảo. Từ đó, kéo theo rất nhiều hệ quả dẫn đến việc mất thương hiệu Quốc gia, một doanh nghiệp Nhà nước có thể bị sụp đổ và quan trọng nhất vẫn là an toàn, tính mạng của hành khách”.

Theo đó, trong thư gửi Bộ trưởng bộ GTVT, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đã nêu rõ, việc xã hội hóa đào tạo phi công dẫn đến nhiều bất cập, kéo theo những ràng buộc trong chính sách khi phi công muốn nghỉ việc. Trước đây, trong thời kỳ bao cấp, phi công học ở Pháp, Úc phải trải qua quá trình tuyển chọn vô cùng khắt khe, nghiêm túc từ yếu tố sức khỏe, kiến thức đến kỹ năng bay.

Nhưng kể từ khi xã hội hóa, việc tuyển chọn chỉ mang tính hình thức. Gần như bất kỳ đối tượng nào đóng đủ tiền học (của danh sách các trường do Vietnam Airlines chọn, cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn) là có thể đi học.

Chưa kể việc, đối với các trường được chọn, đa số các trường dạy bay là trường nhỏ lẻ, ít tên tuổi tại Mỹ, với chi phí học thấp nên chất lượng giảng dạy cũng thấp theo. Có một số trường, học viên phi công rất kém, chỉ cần đóng tiền là có thể thi qua môn học, thậm chí đóng tiền để được ghi là đã đủ giờ bay.

Vietnam Airlines lộ nhiều tiêu cực khi đào tạo phi công.

ĐBQH cũng đưa ra ví dụ về vụ lùm xùm lớn nhất vào khoảng cuối năm 2015, trường AHART bị phá sản và học viên phải về nước nửa chừng, mất tiền, mất thời gian. Việc phá sản của trường này có yếu tố lừa đảo. Sau khi học các trường này về, học viên được phỏng vấn, kiểm tra kiến thức và chuyển loại máy bay Airbus A321 – bay Simulator (buồng lái mô phỏng). Đây là loại máy bay rất khó để theo học vì đòi hỏi thời gian cũng như trình độ khá trở lên.

Ở các nước phương Tây, để được học loại máy bay này họ đòi hỏi rất cao. Ví dụ phải có tối thiểu khoảng 1.000 giờ bay (tùy hãng). Vì vậy, thường xuyên các học viên bị kéo dài thời gian huấn luyện, hoặc trượt các kỳ kiểm tra.

Trong thư, ĐBQH Cương cũng phân tích về quá trình huấn luyện thực tiễn, kết hợp chuyên chở hành khách liên tục bộc lộ những điểm yếu của quá trình học tập, kỹ năng, khả năng quản lý chuyến bay cũng như kỹ năng hạ cánh máy bay. Thang điểm đánh giá các quá trình huấn luyện từ 1 đến 5 điểm, nhưng đa số học viên tốt nghiệp chỉ đạt 3 điểm. Gần đây nhất, tháng 4/2018 có đơn tố cáo của một học viên phi công về một số tiêu cực xảy ra trong quá trình huấn luyện.

“Bên cạnh đó, hiện có nhiều bất cập trong quá trình huấn luyện, kiểm tra, phỏng vấn, chuyển loại phi công. Thậm chí, hiện tượng ra giá 20.000-25.000USD cho 1 lần phỏng vấn ngày càng trắng trợn (phỏng vấn học viên từ Mỹ về để chuyển loại máy bay A321; phỏng vấn để chuyển loại từ lái phụ A321 sang lái phụ loại máy bay khác như A350, hoặc B787; phỏng vấn để nâng cấp lái phụ trở thành cơ trưởng...).

Đa số các phi công thuộc diện phỏng vấn này sẽ nhận được điện thoại trực tiếp, đề cập tới việc nộp tiền. Sự việc trên không thể do một cá nhân mà phải có tổ chức. Vietnam Airlines lên danh sách học viên dự phỏng vấn, đoàn bay 919 thực hiện phỏng vấn.

Đồng thời, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cũng nêu ra những bất cập trong thời hạn nghỉ việc, chi phí đào tạo và chi phí phá vỡ hợp đồng.

“Thiết nghĩ, nghề phi công là một nghề đặc biệt nên cần có quy định sao cho phù hợp là cần thiết. Tuy nhiên, việc đặt ra các quy định trái với Bộ luật Lao động cần được xem xét lại. Đề nghị Bộ trưởng bộ GTVT cho ý kiến giải quyết”, ĐBQH Cương kiến nghị.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/dbqh-tiet-lo-ly-do-kien-nghi-lam-ro-tieu-cuc-dao-tao-phi-cong-a379857.html