ĐBQH NGUYỄN THỊ MAI HOA: ĐỒNG HÀNH VỚI CHÍNH PHỦ ĐỂ GIẢI BÀI TOÁN THỪA - THIẾU GIÁO VIÊN

Trước những bất cập trong quản lý, sử dụng giáo viên và chế độ chính sách đối với giáo viên mầm non, phổ thông, vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về vấn đề này. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa, thời gian tới, Ủy ban sẽ tiếp tục giám sát, tiếp thu ý kiến để đồng hành với Chính phủ giải bài toán về biên chế giáo viên.

Ngày 25/02 vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông”. Đây là vấn đề lớn mà Chính phủ và các địa phương đang tập trung chỉ đạo; cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội và cử tri đặc biệt quan tâm.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên giải trình “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông”.

Về vấn đề biên chế giáo viên, báo cáo khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chỉ ra rằng, có tình trạng thiếu số lượng lớn; tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở từng địa phương, trong từng cơ sở giáo dục, trong từng cấp học, từng môn học, đặc biệt là các môn mới được triển khai theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ngoại ngữ, Tin học…).

Giải quyết vấn đề này đang gặp nhiều vướng mắc. Quan điểm của Đảng yêu cầu tinh giản biên chế (Nghị quyết số 39-NQ/TW, Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW, Nghị quyết số 08/NQ-CP, Nghị quyết số 89/NQ-CP, Chỉ thị số 02/CT-TTg) trong khi mong muốn và nhu cầu của ngành giáo dục và các địa phương đều đề xuất theo hướng tăng thêm (do bổ sung các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; do học 2 buổi/ngày; do tăng dân số cơ học và di dân ở một số địa phương...); cơ cấu chi thường xuyên cho giáo dục và đào tạo có sự chênh lệch rất lớn giữa các địa phương. Và nhìn chung chưa hợp lý, chưa bảo đảm tỷ lệ chi cho con người tối đa 82%, chi cho hoạt động giảng dạy, học tập tối thiểu 18%; Thiếu chính sách thu hút nên các địa phương vùng dân tộc thiểu số, vùng cao khó tuyển giáo viên một số bộ môn (tiếng Anh, Tin học)...

Về việc thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, vấn đề đặt ra là cơ chế, chính sách đối với nhà giáo còn nhiều bất cập; việc triển khai thực hiện chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, hiệu quả: công tác điều động, luân chuyển giáo viên thực hiện chưa nghiêm; chủ trương lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bảng lương nhiều năm chưa được thực hiện; chính sách đối với giáo viên ngoài biên chế (BHXH), giáo viên ngoài công lập…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa trao đổi về nội dung phiên giải trình và các hoạt động sau phiên giải trình của Ủy ban

Trao đổi thêm thông tin về kết quả khảo sát của Ủy ban cũng như những nguyên nhân của tình trạng thừa, thiếu giáo viên mầm non, phổ thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do điều chỉnh cơ cấu dân số, chuyển dịch lao động từ các khu vực nông thôn vào đô thị và các khu công nghiệp.

Ngoài ra còn có nguyên nhân do tác động của đại dịch Covid-19, trong hơn 2 năm qua, nhiều cơ sở giáo dục tư thục đóng cửa, đặc biệt là khối mầm non. Một số giáo viên đã không thể kiên trì để quay trở lại trường mà buộc phải đi tìm công việc mới.

Cùng với đó, trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, việc tính toán bổ sung môn học mới vào chương trình học ở cấp tiểu học như môn ngoại ngữ, tin học và quy định học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày. Những quy định này làm khó cho các địa phương khi không có đủ cơ sở vật chất và cần số lượng giáo viên lớn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, mới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã tổ chức phiên giải về "Về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên phổ thông, mầm non" xoay quanh vấn đề biên chế giáo viên, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển để bảo đảm việc giải quyết biên chế giáo viên có được sự công bằng giữa các vùng miền.

Đồng thời tính toán đến việc chuyển cơ chế quản lý giáo viên từ hình thức biên chế suốt đời sang hình thức hợp đồng cũng cần phải có nghiên cứu để điều chỉnh. Nếu như trước đây là biên chế suốt đời nên thu hút được số lượng lớn học sinh giỏi chọn ngành giáo. Khi chuyển sang hình hợp đồng thì các em có nhiều lựa chọn khác ngoài nghề giáo. Để giải bài toán thừa, thiếu giáo viên ngoài tăng cường bổ sung biên chế giáo viên thì cũng phải tính toán đến nhiệm vụ tinh giản biên chế bởi đây là nhiệm vụ phải làm và nó cũng là để thực hiện cải cách tiền lương cho giáo viên.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết thêm, sau phiên giải trình, Ủy ban đang tích cực hoàn thiện kết luận phiên giải trình trong đó nêu rõ những vấn đề mà phiên giải trình đã bàn đến.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa, đây cũng mới chỉ là bước đầu, trong thời gian tới, quan trọng hơn, Ủy ban sẽ tiếp tục giám sát, tiếp thu ý kiến chuyên gia các nhà khoa học và cử tri để đồng hành với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Nội vụ để giải bài toán về biên chế giáo viên./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=62504