ĐBQH NGUYỄN VĂN MẠNH: CÂN NHẮC KỸ VIỆC GIAO ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN TRỰC TIẾP QUẢN LÝ TRUNG TÂM Y TẾ HUYỆN

Góp ý về Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cần cân nhắc kỹ lưỡng việc giao Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý Trung tâm y tế huyện để tránh phát sinh thêm tổ chức bộ máy và đảm bảo chất lượng cũng như công tác quản lý nhà nước.

ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Phát biểu ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cơ bản thống nhất với các nội dung của Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, cũng như Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, liên quan đến chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế tổ dân phố, đại biểu cho biết, nhiều ý kiến cử tri cho rằng quy định hiện tại còn có nhiều hạn chế. Đại biểu cho biết, quy định này chưa phù hợp với thực tiễn. Quyết định hiện tại mới chỉ quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản và không áp dụng đối với nhân viên y tế các tổ dân phố, các xã, phường, thị trấn. Trong khi hai lực lượng này có chức năng thực hiện nhiệm vụ như nhau, đặc biệt trong thời gian phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì lực lượng y tế tổ dân phố đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác phòng, chống dịch bệnh và họ cũng thực hiện đầy đủ các chức năng theo quy định tại Thông tư của Bộ Y tế, giống như nhân viên y tế thôn, bản nhưng lại không có phụ cấp.

Hiện nay, đại biểu cho biết, nhiều tỉnh đã triển khai xây dựng, ban hành Nghị quyết đặc thù về quy định phụ cấp cho nhân viên y tế dân phố. Tuy nhiên còn chưa có đầy đủ căn cứ pháp lý. Vì vậy, đề nghị với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Y tế cần ban hành quy định về phụ cấp đối với nhân viên y tế tổ dân phố để cho các tỉnh có căn cứ để ban hành Nghị quyết của tỉnh mình thống nhất trong cả nước.

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Ngoài ra, đại biểu cho biết, trong dự thảo Nghị quyết Giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng có đưa giải pháp giao Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý Trung tâm y tế huyện, đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về chuyên môn của ngành y tế. Đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ, Bộ Y tế cần cân nhắc kỹ lưỡng nội dung này.

Bởi Trung tâm y tế huyện là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế, chỉ có ba tỉnh, thành phố quy định Trung tâm y tế trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện. Trong Báo cáo giá của Đoàn giám sát, đa số các tỉnh hiện nay thực hiện mô hình trực thuộc Sở Y tế và đang phát huy vai trò hiệu quả rất tốt, đặc biệt trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, góp phần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về chuyên môn, nhân lực, vật lực để huy động cho công tác phòng, chống dịch cũng như chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Đại biểu nhấn mạnh, mô hình này đã phát huy hiệu quả và ổn định cho đến nay. Bên cạnh đó, việc chuyển Trung tâm Y tế huyện về trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện để tranh thủ được sự thuận lợi về kinh phí của Ủy ban nhân dân huyện đầu tư cho y tế cơ sở cần cân nhắc, bởi nếu xét về góc độ kinh phí, đại biểu cho rằng, cấp huyện còn rất nhiều nhiệm vụ đầu tư, nhất là những đơn vị huyện còn nhiều khó khăn, khó có đủ điều kiện để đảm bảo đầu tư đầy đủ cho y tế cơ sở.

Bên cạnh đó, việc chuyển y tế cấp huyện về trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện sẽ phát sinh thêm tổ chức bộ máy, trong khi đó hiện nay nhiều nơi, nhiều tỉnh, huyện đã phải giải thể Phòng Y tế, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyển về do Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện. Trong Văn phòng này chỉ bố trí một công chức, thậm chí không có chuyên môn y tế để tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về y tế. Vì vậy, việc chuyển Trung tâm y tế cấp huyện sẽ phải thành lập lại Phòng Y tế để giúp cho Ủy ban cấp huyện quản lý nhà nước và phát sinh thêm tổ chức bộ máy.

Đồng thời, đại biểu cũng nêu rõ, việc giao Trung tâm y tế huyện về Ủy ban nhân dân các huyện, nếu các huyện điều động cán bộ, bác sĩ mua sắm các trang thiết bị không phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh. Vì vậy, đề nghị Quốc hội sẽ tiếp tục giao cho Bộ Y tế, Chính phủ quy định Trung tâm y tế là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Sở Y tế để đảm bảo chất lượng cũng như công tác quản lý nhà nước.

Đại biểu cho rằng, giải pháp này phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong việc tổ chức sắp xếp tinh gọn bộ máy. Đó là một cơ quan, một nhiệm vụ chỉ giao cho cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, tránh trường hợp một việc giao cho nhiều cơ quan chủ trì nhưng khi xảy ra sai sót không cơ quan nào chịu trách nhiệm./.

Thu Phương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=76362