ĐBQH nói về đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ: Cần hạn chế 'lò ấp' tiến sĩ 'giấy'

ĐBQH Triệu Thế Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, vừa qua có tình trạng đào tạo tiến sĩ chạy theo số lượng, đào tạo ồ ạt mà chưa quan tâm đến chất lượng.

ĐBQH Triệu Thế Hùng trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ tại Quốc hội sáng 15-11

Mới đây, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học… giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”, trong đó có nội dung từ 2018 đến 2025 cả nước sẽ đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ cho các cơ sở giáo dục, với tổng kinh phí đào tạo lên tới 12.000 tỷ đồng.

Trả lời phỏng vấn Báo ANTĐ bên hành lang Quốc hội sáng nay, 15-11, ĐBQH – PGS.TS Triệu Thế Hùng cho rằng, việc đưa chỉ tiêu đào tạo 9.000 Tiến sĩ phục vụ cho việc nâng cao năng lực giảng viên các cơ sở giáo dục Đại học đến năm 2025 là nhiệm vụ không mới. Nó chính là kế thừa đề án 322 và Đề án 911 đã và đang thực hiện.

Theo ông Hùng, ở các nước phát triển, tỷ lệ giảng viên là Tiến sĩ hiện chiếm đến 80-90%. Còn tại Việt Nam tỷ lệ này còn rất thấp, nơi nhiều mới chỉ đạt khoảng 50%. Vì thế, trong thời điểm chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, việc bồi dưỡng nâng cao chất lượng giảng viên các trường Đại học là tất yếu phải làm, thường xuyên, liên tục.

Điều băn khoăn là chất lượng đào tạo tiến sĩ ở nước ta thời gian qua có nhiều nghi ngại, thậm chí dư luận chỉ ra thực trạng có nhiều “lò ấp Tiến sĩ”, đào tạo ồ ạt, chạy theo số lượng.

Trả lời câu hỏi về vấn đề này, ĐB Triệu Thế Hùng thẳng thắn cho rằng, thực trạng đó là có, nguyên nhân do chúng ta có lỗ hổng chính sách, thiếu hậu kiểm, giám sát; đồng thời có tư tưởng phát triển nóng về số lượng.

“Tôi cho rằng nếu đào tạo để có bằng Tiến sĩ đã khó nhưng đào tạo ra vị Tiến sĩ có chất lượng còn khó hơn nhiều” – ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, các cơ sở liên kết đào tạo Tiến sĩ với nước ngoài ở Việt Nam chưa được nhiều. “Chính vì thế, có thực trạng chúng ta đào tạo Tiến sĩ ở các cơ sở trong nước với mong muốn chạy theo quy mô, số lượng. Và do vậy, có cơ sở giáo dục Đại học buông lỏng tiêu chí đào tạo, tạo ra các vị Tiến sĩ nhưng không có năng lực thực sự khiến dư luận bức xúc” – ông Hùng chỉ ra.

Phân tích kỹ hơn, PGS.TS Triệu Thế Hùng cho biết, nhìn lại Đề án 911 đã và đang triển khai với kỳ vọng đến năm 2020 cả nước sẽ có 20.000 Tiến sĩ, thực tế hiện nay chúng ta mới có 2.900 những nghiên cứu sinh, có một tỷ lệ không lớn trong đó đã tốt nghiệp.

“Đó là mới nhìn về số lượng thuần túy còn về chất lượng thì chưa có đánh giá tổng kết. Những Tiến sĩ này đã cống hiến được gì cho giáo dục, cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam? Tôi cho rằng muốn làm cái mới phải tổng kết cái cũ, từ đó đưa ra quy mô đào tạo bao nhiều là vừa” – PGS.TS Hùng nêu quan điểm.

Cuối cùng, ông Hùng nhấn mạnh, chúng ta cần có quy mô đào tạo, số lượng Tiến sĩ nhiều hơn nữa để phục vụ cho công tác phát triển toàn diện ngành giáo dục, song số lượng đào tạo bắt buộc phải đi đôi với chất lượng.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/dbqh-noi-ve-de-an-dao-tao-9000-tien-si-can-han-che-lo-ap-tien-si-giay/748131.antd