ĐBQH nói về Quy định nêu gương: 'Từ chức' là văn hóa lịch sự, khác hẳn với 'cách chức'

Bình luận về Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, vừa được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành, các ĐBQH Nguyễn Anh Trí, Lê Công Nhường... cho rằng, phải xem 'từ chức' là một văn hóa, là tự trọng, thậm chí có thể xây dựng Luật về từ chức.

ĐBQH Lê Công Nhường bên hành lang Quốc hội sáng 26-10

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, ngày 25-10-2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐi/TW).

Quy định này nhấn mạnh, cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương. Đặc biệt, phải chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ.

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 26-10, ĐBQH Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) chia sẻ, việc Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định về nêu gương kể trên là rất cần thiết và quan trọng.

“Trong tất cả các khâu, cấp trên cần phải nêu gương trước, từ trong cuộc sống đến công việc. Đây là động thái rất mạnh mẽ và cần thiết” – ĐB Nhường nói.

ĐB đoàn Bình Định phân tích thêm, điểm mới tại Quy định về trách nhiệm nêu gương kể trên là cán bộ, đảng viên giữ chức vụ phải chủ động từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín. “Tôi hy vọng từ quy định này sẽ dần tạo nên văn hóa từ chức ở nước ta, cũng giống như một số nước, khi thấy không đủ năng lực lãnh đạo điều hành thì lãnh đạo cấp cao sẵn sàng từ chức” – ĐB Nhường chia sẻ.

“Tuy nhiên với đặc thù của nước ta, để quy định này khả thi thì tôi cho rằng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cần có biện pháp giám sát đủ mạnh, mà giám sát cao nhất là của nhân dân, thông qua Mặt trận Tổ quốc, qua phản ánh của tri về lối sống, điều hành của lãnh đạo” – ĐB Lê Công Nhường nói thêm.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)

Tương tự, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, ông rất tán thành với mục 8, điều 2 của Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (Quy định số 08-QĐi/TW) về việc cán bộ, đảng viên nếu thấy không đủ uy tín thì xin từ chức.

“Được như vậy là rất hay, rất tuyệt vời. Nhưng nhìn lại, câu chuyện từ chức ở Việt Nam nói rất lâu rồi, cũng nhiều lần rộ lên nhưng sau đó lại lắng xuống. Chúng ta đề cập văn hóa từ chức nhưng điều này ở Việt Nam rõ ràng là không dễ. Vì, đặc điểm của người Việt Nam là duy tình hơn duy lý. Hơn nữa, quyền lực mang lại rất nhiều quyền lợi nên không dễ gì mà họ từ chức” – ĐB Trí nói.

Một lý do nữa được ĐB đoàn Hà Nội chỉ ra, đó là trong dư luận, tâm lý xã hội nước ta hiện nay thì từ chức ngang với cách chức. Đó là một quan niệm chưa đúng. Thực tế, từ chức có rất nhiều lý do như làm sai, kém năng lực, không được tín nhiệm, sức khỏe yếu… Thậm chí ê kíp làm việc không thuận cũng có thể từ chức. Điều đó là lịch sự, là tự trọng và không có gì đáng phê phán cả.

“Ở Nhật Bản, trong 1 năm, 3 Thủ tướng từ chức. Họ nhận chức mới được 3 tháng, thấy không đủ khả năng, họ từ chức. Người đó vẫn tiếp tục hoạt động chính trị chứ không phải là từ chức là cách chức, là mất luôn sự nghiệp. Nếu từ chức vẫn bảo tồn cho họ các giá trị và để khi có cơ hội, người ta có thể thể xuất hiện trở lại trên chính trường.

Vì thế, chúng ta nên xem việc từ chức trên bình diện nhiều khía cạnh. Lúc đó, việc từ chức sẽ nhẹ nhàng, văn hóa từ chức sẽ ra đời. Tôi đề nghị nên xây dựng Luật từ chức” – ĐB Nguyễn Anh Trí góp ý.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/dbqh-noi-ve-quy-dinh-neu-guong-tu-chuc-la-van-hoa-lich-su-khac-han-voi-cach-chuc/787747.antd