ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN VỀ GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN TÌNH TRẠNG XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM

Thời gian gần đây liên tiếp các vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ. Điều khiến cử tri bức xúc là việc phát hiện và xử lý của cơ quan chức năng còn chậm, chưa đủ sức răn đe dẫn đến những phản ứng trái chiều. Trước thực trạng này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về giải pháp hữu hiệu ngăn chặn loại tội phạm này.

Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em: Xử lý quá chậm.

- Bé gái 13 tuổi ở Cà Mau tự tử sau khi bị hàng xóm xâm hại nhiều lần;

- Nhiều trẻ bị dâm ô ở Bà Rịa - Vũng Tàu;

- Cựu cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy;

…. Chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra hàng loạt các vụ xâm hại tình dục, ấu dâm, cưỡng dâm, hiếp dâm trẻ em, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho nạn nhân, gia đình và xã hội, khiến dư luận bức xúc, phẫn nộ.

Theo bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, trong giai đoạn vừa qua, các vụ xâm hại trẻ em xảy ra quá nhiều, từ thành phố, nông thôn, trường học, trong gia đình. Trong khi đó, việc xử lý chưa thực sự nghiêm minh nên thường xuyên xảy ra, thậm chí mức độ tăng lên. Đây là vấn đề đáng báo động.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, cho rằng cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần xử lý nghiêm tội phạm xâm hại tình dụng trẻ em.

Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, cho rằng cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần xử lý nghiêm tội phạm xâm hại tình dụng trẻ em.

Thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc cho thấy: Trên thế giới, cứ 4 trẻ em gái có 1 trẻ em bị xâm hại và tỷ lệ này là 1/6 ở trẻ em trai. Ở Việt Nam, trung bình cứ 8 giờ lại có 1 trẻ bị xâm hại… Còn thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, trong hai năm 2017-2018, Việt Nam có hơn 3.000 trẻ bị bạo hành, xâm hại, trong đó hơn 2.600 trẻ bị xâm hại tình dục. Ba tháng đầu năm 2019, 325 trẻ bị bạo hành, xâm hại. Tuy nhiên, đây chỉ là con số mà cơ quan chức năng thống kê được, con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Điều đáng nói là trong 75 quốc gia thống kê số vụ xâm hại tình dục, Việt Nam xếp thứ 49 sau một số quốc gia trong khu vực như Malaysia, Myanmar.

Đại biểu Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khẳng định thời gian qua, tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em trong thời gian qua gây bức xúc trong dư luận, nhưng để tháo gỡ vấn đề này thì cần phải tháo gỡ tận gốc. "Tôi cho rằng, cần đảm bảo quyền của trẻ em, sao cho các em khỏi bị bạo hành, bắt cóc, xâm hại, mua bán, bạo lực. Trong Luật Trẻ em 2016 có hiệu lực từ 1/6/2017 đã có quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan, các bộ, ngành, địa phương, gia đình, nhà trường… nhưng trong quá trình thực hiện cũng có nhiều địa phương, đơn vị chưa làm hết trách nhiệm của mình. Qua quá trình giám sát nhiều nơi chưa thực hiện được vai trò tham mưu" - đại biểu Ngô Thị Minh cho biết.

Đại biểu Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Tháng 12/2017, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã khai trương tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em - 111. Tổng đài tiếp nhận thông tin, thông báo tố giác hành vi xâm hại trẻ em từ các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và trẻ em qua điện thoại. Theo thống kê, từ ngày 01/01/2018 đến ngày 15/12/2018, Tổng đài 111 đã tư vấn 27.407 ca (tăng 1.562 ca so với cùng kỳ năm 2017). Đặc biệt, số các cuộc gọi về xâm hại, bạo lực trẻ em có xu hướng tăng đột biến trong 3 năm gần đây. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019 các ca tư vấn về xâm hại, bạo lực chiếm trên 42%. Trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân là 21,3% trong đó là những người ông, cha, anh, em trực tiếp xâm hại; thầy cô giáo và nhân viên nhà trường là 6,2%; những người quen, những người hàng xóm chiếm trên 60%.

Theo Luật Trẻ em 2016, tại Việt Nam đang có tới gần 20 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ và chăm sóc, hỗ trợ trẻ em ở các cấp độ khác nhau, gồm: Quốc hội, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, các bộ Lao động - thương binh và xã hội, Tư pháp, Công an, Y tế, Giáo dục đào tạo, Văn hóa - thể thao và du lịch, Thông tin truyền thông, UBND các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam... Đặc biệt mới đây có thêm một tổ chức liên ngành có trách nhiệm hỗ trợ bảo vệ trẻ em là Ủy ban Quốc gia về trẻ em, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Chủ tịch, trong đó thành viên gồm nhiều lãnh đạo cấp thứ trưởng của trên 10 bộ, ngành. Tuy vậy, mỗi khi có một vụ bạo hành trẻ em nghiêm trọng xảy ra, thường là do báo chí và cộng đồng phát hiện, phản ánh. Khi đó cơ quan chức năng mới vào cuộc xử lý.

Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, nêu ý kiến, hiện nay chúng ta chậm xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em. Về mặt luật pháp, có thể thiếu quy định trong luật thì hoàn toàn có thể sửa đổi bổ sung, cơ quan làm luật cần kiến nghị với Quốc hội sửa luật, làm sao cho xã hội trong sạch, giúp các em phát triển lành mạnh.

Lý giải về những vụ việc xâm hại tình dục trẻ em mà dư luận cho rằng chậm xử lý hoặc xử lý không nghiêm, cơ quan tố tụng đã nêu lên những vướng mắc trong việc thu thập chứng cứ: đó là chỉ có một lời khai của bị hại, trong khi nhiều trường hợp các cháu còn nhỏ, thậm chí có trường hợp vụ việc xảy ra đã lâu rồi các cháu mới kể cho người thân biết, nên khi tố cáo, điều tra xác minh, tính kịp thời không còn... Ngoài ra, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành vẫn chưa có giải thích rõ tràng như thế nào là “hành vi dâm ô”, “hành vi xâm hại tình dục khác”, nên không có sự thống nhất trong quá trình xét xử, trong khi đó đến nay Hôi đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa án lệ hoặc chưa đưa ra giải thích rõ ràng về “hành vi dâm ô”, “hành vi xâm hại tình dục khác”.

Tại phiên họp “Đánh giá việc thực hiện các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp về nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và giải pháp trong thời gian tới”, do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức cũng chỉ ra những bất cập trong công tác phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Đó là thiếu các văn bản hướng dẫn trong các luật để đảm bảo việc áp dụng chính xác; có khoảng trống trong xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm hại tình dục dẫn đến xử lý khiên cưỡng; hay chưa có quy trình tố tụng đặc biệt để xử lý tố giác…

Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 81/2019/QH14 về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Hoạt động giám sát sẽ tập trung vào việc ban hành và tổ chức triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống xâm hại trẻ em; thực trạng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em của Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan; trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm đối với các tập thể và cá nhân có liên quan; các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trong thời gian tới.

Tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 81/2019/QH14 về việc thành lập Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”

Theo đại biểu Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, việc Quốc hội chọn nội dung giám sát tối cao là việc thực hiện chính sách về bảo vệ trẻ em là thực sự cần thiết, bởi rất lâu rồi chưa có giám sát tối cao của Quốc hội về vấn đề này. Vừa rồi Chính phủ đã nghiên cứu Luật trẻ em và đã thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em và có nhiều bộ, ngành tham gia vào Ủy ban Quốc gia về trẻ em, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban này và đã thiết lập đường dây nóng 111. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần có quan tâm hơn cán bộ làm công tác trẻ em ở xã, phường, thôn bản. Đồng thời có sự quan tâm hơn nữa tới cánh tay nối dài của các tòa án chưa thành niên, đó là người làm công tác trẻ em ở cấp xã, phường.

Có thể nói, nguyên nhân của những vụ xâm hại tình dục trẻ em xảy ra liên tục trong thời gian qua có một phần do việc thư thi pháp luât chưa nghiêm, thiếu chế tài xử phạt, bản thân các cơ quan chăm sóc, bảo vệ trẻ em, cơ sở giáo dục và phụ huynh cũng chưa làm hết trách nhiệm của mình… Chính sự thờ ơ, vô cảm và thiếu trách nhiệm đó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý của trẻ ở thời điểm bị xâm phạm, mà còn là khoảng tối tồn tại trong tâm trí của các em suốt quãng đời còn lại của các em sau này. Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an về những giải pháp ngăn chặn hiệu quả loại tội phạm này.

Bộ trưởng Bọ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn

Sau khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã có phần giải trình trước Quốc hội.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định: Tội xâm phạm tình dục trẻ em đang có dấu hiệu gia tăng, phát hiện nhiều hơn trước, thậm chí những vụ việc được phát hiện vẫn chưa bao quát được thực tế, vẫn còn nhiều vụ việc xâm hại trẻ em chưa được khám phá, điều tra, phát hiện. Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, liên hệ giữa các nhóm tội phạm có quan hệ mật thiết và gắn bó với nhau. Đầu tiên là tội phạm ma túy, nếu để lượng ma túy vào chắc chắn tội phạm sẽ tăng lên vì ma túy là tội phạm của các loại tội phạm, là nguyên nhân xảy ra tội phạm. Tương tự, tội phạm tín dụng đen cũng như vậy, từ những mối quan hệ về dân sự làm nảy sinh thêm những loại tội phạm hình sự khác. Các nhóm tội phạm này đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, khi một loại tội phạm tăng sẽ kéo theo đạo đức, xã hội, tình hình an ninh trật tự không được đảm bảo.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng khẳng định, với trách nhiệm của lực lượng công an, bên cạnh việc tham mưu với các cấp, các ngành trong công tác phòng ngừa, ngành công an đã tích cực chỉ đạo các lực lượng công an, các đơn vị địa phương để tăng cường phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm. Đặc biệt, bộ đã phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao để thống nhất có văn bản hướng dẫn công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố về xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi để thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Hiện nay, Bộ Công an đã ban hành, đưa ra một quy trình thống nhất trong toàn quốc và cách thức xử lý những loại tội phạm này. Vì thế vừa qua công tác này đã được đẩy mạnh, nhằm tháo gỡ những khó khăn của các địa phương trong việc giải quyết những tội liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.

Như vậy, trong phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã nêu một số giải pháp để ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em và thể hiện quyết tâm chỉ đạo, điều tra, chấn chỉnh thực trạng này. Vậy, với những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Công an nêu ra có khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập trong công tác điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em, phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Văn Hòa:

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Phóng viên: Cảm ơn đại biểu đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Cổng thông tin điện tử Quốc hội. Thưa đại biểu, được biết trong biết trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội tường kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an. Vậy, cụ thể nội dung đại biểu chất vấn được tập trung vào khía cạnh nào?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi là một trong nhiều đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, trong đó quan tâm đến thời gian qua tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, xâm hại phụ nữ, thậm chí các em bị chính người thân trong gia đình xâm hại. Điều này là nỗi nhức nhối của xã hội trong thời gian qua, nên tôi đã đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên nhân do đâu xảy ra tình trạng này, biện pháp, giải pháp sắp tới của Bộ phối hợp với các ngành chức năng để hạn chế thấp nhất tình trạng vừa nêu, để không còn tình trạng trẻ em bị tổn thương về thể xác và tinh thần.

Phóng viên: Sau khi nhận nhận được câu hỏi chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an đã trả lời trước nghị trường Quốc hội. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi thấy hải lòng với phần trả lời của Bộ trưởng. Bộ trưởng đã rất cầu thị và Bộ trưởng đã đề ra những giải pháp tôi thấy cũng phù hợp. Tuy nhiên, nhiều đại biểu và người dân kỳ vọng, quan tâm là những giải pháp đó được tổ chức thực hiện của ngành công an và phối hợp với các ngành khác có được không và thực hiện như thế nào để tình trạng xâm phạm trẻ em không còn tái diễn. Bởi tình tình hình hiếp dâm trẻ em không phải là vấn đề mới, mà đã xảy ra trước đó, nhưng gần đây diễn biến nhiều hơn, đây là nỗi đau và bức xúc của người dân.

Phóng viên: Trong phần trả lời, Bộ trưởng cũng nêu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiếp dâm, cưỡng dâm trẻ em, phụ nữ. Vậy theo ý kiến của đại biểu, các nguyên nhân được nêu ra đã đầy đủ, toàn diện hay chưa?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Đại biểu hỏi rất nhiều, trong đó có tôi, thời gian hỏi 1 phút, Bộ trưởng trả lời 3 phút. Hỏi đúng, người trả lời trúng vấn đề, tôi đồng tình về thực trạng xảy ra như Bộ trưởng đã nêu. Nhưng vấn đề cốt lõi, quan trọng, trọng tâm không chỉ riêng ngành công an mà cả hệ thống chính trị trong bộ máy công quyền phải vào cuộc thì tình trạng xâm hại trẻ em sẽ giảm và không tái diễn. Nếu chỉ riêng ngành công an thì với những giải pháp mà Bộ trưởng nêu ra sẽ không làm được mà phải có sự phối hợp liên thông trong hệ thống chính trị thì tình hình mới được lắng dịu.

Phóng viên: Để khắc phục tình trạng này, theo ý kiến của đại biểu thời gian tới cần có những giải pháp đồng bộ như thế nào?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Ngoài giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Công an đề ra thì theo tôi, cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa nhà trường, xã hội, chính quyền để giáo dục đối với đối tượng có hành vi sàm sỡ trẻ em. Mặt khác, mức xử phạt cần nghiêm trị, cần áp mức hết khung, tối đa cho hành vi vi phạm đó để răn đe, phòng ngừa hành vi phạm tội. Ngoài ra, theo tôi, chính bản thân các gia đình cần có sự quản lý chặt chẽ, tránh cho các em tiếp xúc với người lạ, người chưa thực sự tin tưởng; đồng thời giáo dục giới tính cho trẻ em. Trên mạng internet thì tranh ảnh, video nhiều, trong khi trẻ em tò mò tìm hiểu, nên cần ngăn chặn những hình ảnh phản cảm, khiêu dâm trên mạng, đây cũng là một trong những biện pháp phòng ngừa?

Phóng viên: Vai trò của Bộ Công an cần được nhìn nhận như thế nào trong cuộc chiến chống lại nạn xâm hại tình dục trẻ em hiện nay?

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Tôi nghĩ Bộ Công an cũng có trách nhiệm khi sự việc xảy ra thì cần vào cuộc quyết liệt, truy đến cùng, tìm ra người vi phạm, đưa những đối tượng ra trước pháp luật để phòng ngừa, răn đe những hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Qua ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa cho thấy, để ngăn chặn tình trạng xâm hại dình dục trẻ em, ngành công an cần đẩy mạnh đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác tội phạm xâm hại trẻ em; xây dựng quy định áp dụng điều tra riêng đối với các vụ xâm hại tình dục trẻ em để thống nhất trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em sẽ không giảm nếu chỉ có sự vào cuộc của ngành công an mà cần có sự phối hợp liên ngành. Đặc biệt, gia đình chính là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ tốt nhất cho trẻ. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần thường xuyên phối hợp với nhà trường quan tâm, chia sẻ với con em mình để nhận thấy những thay đổi tâm sinh lý, dạy cho con những kiến thức, kỹ năng sống cần thiết và cách thức phòng vệ tự bảo vệ bản thân mình./.

Lan Hương

Nguồn Quốc Hội: http://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=41928